(GD&TĐ) - Mấy ngày gần đây, thời tiết có những diễn biến bất thường, nhiệt độ môi trường ẩm thấp đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn, ký sinh trùng dễ sinh sôi và phát triển, gây nhiều chứng bệnh cho trẻ em do đó số trẻ em đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng cao đột biến so với ngày thường.
Do ảnh hưởng của thời tiết nên số bệnh nhân nhi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương tăng cao. (Ảnh/gdtd.vn) |
Theo các bác sỹ của Bệnh viện Nhi Trung ương, những ngày gần đây nhiệt độ môi trường ẩm thấp khiến số trẻ đến khám và điều trị tại Bệnh viện tăng mạnh. Trước đó, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài cũng khiến bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải cục bộ.
Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên dưới 2.000 trẻ em đến khám và điều trị. Các bệnh nhi nhập viện chủ yếu bị viêm phế quản, viêm phổi, sốt, ho, tiêu chảy,...Nhiều trẻ do ảnh hưởng của thời tiết nên bị viêm phổi nặng và viêm tiểu phế quản phải nằm cấp cứu.
Theo bác sĩ Nguyễn Thúy Vinh – Bác sỹ phòng khám số 23, Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện tại đang vào thời điểm rất dễ phát sinh bệnh hô hấp. Những ngày số trẻ nhập viện do bệnh hô hấp tăng rõ rệt. Số trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt trẻ em dưới 12 tháng tuổi đến khám và điều trị tăng cao.
Có mặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương lúc 11h trưa ngày 31/01/2013, qua quan sát của chúng tôi cho thấy, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị vẫn khá là đông. Cảnh tượng lo lắng, căng thẳng và lỉnh kỉnh đồ đạc là điều chúng tôi dễ dàng nhận thấy.
Lỉnh kỉnh đồ đạc mang theo. (Ảnh/gdtd.vn) |
Chị Nguyễn Thị Nhung, ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nói trong lo lắng: Con bị sốt do viêm phổi khiến cả nhà “sốt theo”. Nhà xa, lại ít người nên chị gặp nhiều khó khăn. Khổ một nỗi, đến viện viện đâu chỉ có hai mẹ con mà còn cháo, sữa, đồ đạc và phải thêm ít nhất một người nữa đi cùng… Đúng là như chuyển nhà.
Cùng chung cảnh ngộ với chị Nhung, gia đình nhà anh Nguyễn Văn Thanh ở Sơn Tây, Hà Nội cho hay: Mấy ngày nay, cả nhà tôi phải chuyển vào viện ăn, ở vì hai đứa đều bị ốm. Đứa lớn thì bị tiêu chảy, đứa bé thì bị viêm phổi khiến gia đình chóng hết cả mặt.
Bên cạnh đống đồ đạc lỉnh kỉnh (quần áo, ly, sữa, đồ chơi…), chị Trần Thúy Vi ở Sóc Sơn, Hà Nội đang bế đứa con 6 tháng tuổi với vẻ mặt căng thẳng cho biết: Cháu vào viện, ngoài hai vợ chồng còn có cả bà nội đi theo. Tôi thì bế cháu vì nó quấy khóc, bà thì trông đồ đạc, bố cháu thì đi làm thủ tục nhập viện thật là thời tiết làm khổ cả gia đình.
Theo các bác sỹ của Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh trong thời tiết nồm ẩm, bởi buổi sáng trời thường lạnh, trưa nắng ấm và chiều chuyển lạnh. Nếu trẻ mặc quá ấm sẽ khiến mồ hôi toát ra nhiều, dễ bị nhiễm lạnh.
Hơn 11h trưa vẫn còn khá nhiều bệnh nhân xếp số chờ đến lượt để chụp X - quang. (Ảnh/gdtd.vn) |
Các bác sỹ khuyến cáo, hiện tượng trời nồm là điều kiện thuận lợi để nấm mốc, virus, vi khuẩn sinh sôi phát triển. Nấm mốc không chỉ ở trên tường, sân nhà mà còn bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu... Vì thế, với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Trong phòng ngủ của trẻ nên dùng máy hút ẩm, quần áo khi mặc nên sấy, là khô lại nhằm loại bỏ những dị nguyên có thể gây cơn hen phế quản cho trẻ. Đã có rất nhiều trường hợp lên cơn hen cấp tính phải nhập viện sau khi hít phải bụi, mốc.
Ngoài ra, cha mẹ nên mặc cho con áo mỏng vừa phải, thấm mồ hôi ở bên trong và một áo khoác đủ ấm bên ngoài. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra việc toát mồ hôi ở lưng trẻ nhỏ. Nếu thấy da bé ướt hoặc dính tay cần phải dùng khăn bông khô để lau sạch, thay áo mỏng hơn, đề phòng trẻ nhiễm lạnh dẫn tới viêm phổi.
Minh Dũng