Nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách, trường Tiểu học Lãng Sơn – Yên Dũng – Bắc Giang trong nhiều năm qua đã đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động thư viện theo dự án RTR nhằm xây dựng cho CBGV và học sinh thói quen đọc sách.
Thư viện trong và ngoài lớp học được đầu tư trang trí đẹp mắt, hấp dẫn. Sự thân thiện, thoải mái về không gian làm cho các em hào hứng với việc đọc sách, từ đó các em có thói quen mượn sách, sưu tầm sách.
Ngoài đọc ở trường, các em còn có thể đọc ở nhà, giảm được việc các em chơi game, chơi trò chơi điện tử hoặc các trò chơi thiếu lành mạnh khác. Cũng từ đó, trình độ đọc của học sinh cũng được nâng lên, tư duy ngôn ngữ phát triển, tăng cường trí nhớ, tâm hồn thêm phong phú.
Nhằm giúp giáo viên nắm vững phương pháp dạy "Tiết đọc thư viện", ngày 25/11/2020, trường TH Lãng Sơn đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên môn (SHCM) tại thư viện nhà trường. Người dạy minh họa là cô giáo trẻ Phương Anh. Cô Phương Anh đã chọn dạy 1 tiết đọc thư viện với hình thức "Đọc to nghe chung", bài “Hòn đá mập”.
Tiết học diễn ra trong không khí sôi nổi, vui tươi, nhẹ nhàng, thoải mái mà thân thiện gần gũi giữa cô và trò. Các em học sinh say mê, thích thú được lắng nghe, được chia sẻ. Ở lớp 5, việc hình thành thói quen đọc sách, niềm đam mê đọc sách là một việc thường xuyên và tiết học hôm ấy đã mở ra biết bao cơ hội để ươm mầm thói quen đọc sách cho các em.
Tiết học bắt đầu khi chúng tôi bước vào thư viện. Các em đã chào đón chúng tôi bằng những nụ cười rạng rỡ và ánh mắt vui tươi. Giáo viên bắt đầu giờ học cũng nhẹ nhàng như lúc kết thúc.
Các em được nhắc lại nội quy thư viện, các mã sách phù hợp với học sinh lớp 5 và chia sẻ về cách lật mở sách. Những điều này quả thực rất quen thuộc. Nói vậy là bởi học sinh trường Tiểu học Lãng Sơn đã được làm quen với các tiết đọc thư viện từ ở khối lớp 1. Chẳng còn lạ lẫm cũng chẳng còn bỡ ngỡ. Bằng giọng nói ngọt ngào đầy thu hút và truyền cảm cô giáo đã dần đưa các em đến một cuốn sách hứa hẹn đầy thú vị mà cô chuẩn bị đọc cho các em nghe.
Ấn tượng đầu tiên đến với tôi ngay từ hoạt động tìm hiểu tranh bìa cuốn truyện "Hòn đá mập" với hệ thống các câu hỏi gợi mở thách thức trí tò mò của học sinh: Theo em đâu là nhân vật chính trong câu chuyện? Các nhân vật sẽ làm gì? Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?... Tôi nhận thấy học sinh vô cùng hào hứng, thi nhau dự đoán các nhân vật, nét mặt em nào cũng rạng rỡ tò mò muốn biết nội dung câu chuyện như thế nào.
Bước vào hoạt động đọc, với giọng đọc nhẹ nhàng, truyền cảm kết hợp với ngôn ngữ cơ thể phù hợp, cô giáo đã lôi cuốn các em tập trung lắng nghe câu chuyện và chăm chú quan sát tranh. Tôi thích nhất là những lúc cô dừng lại giơ tranh cho học sinh quan sát và đặt câu hỏi: Vậy theo các em, heo con sẽ đóng vai gì? Lúc này các em tò mò lắm! Thế là biết bao nhiêu phỏng đoán ngộ nghĩnh bật ra. Nào là vai hoàng tử, nhà vua, Bạch Tuyết, cái cây… khiến ai cũng phải phì cười.
Phần kết thúc câu chuyện khi biết heo con đóng vai hòn đá, cả lớp vỡ òa trong cảm xúc. Ai mà có thể ngờ được heo con lại đóng vai một hòn đá cơ chứ! Đây là phút giây tôi cảm thấy có ý nghĩa nhất, tuyệt vời nhất. Rồi cô tiếp tục câu chuyện, vẫn nét mặt vui vẻ sự tò mò mà rạng rỡ đầy hào hứng ấy cuốn chúng tôi đi đến hết câu chuyện.
Qua hoạt động học này tôi thấy việc tổ chức giờ học tạo sự tò mò, muốn được tìm hiểu, sự suy đoán, gây bất ngờ... cho học sinh mới thực sự đem lại niềm hứng thú say mê cho các em học sinh. Việc tạo không khí học tập vui tươi, thoải mái cũng rất quan trọng không chỉ ở tiết đọc thư viện mà còn ở tất cả các giờ học khác. Có thoải mái thì học sinh mới bước vào bài học tự nhiên mà hứng khởi và tiết dạy trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Cũng từ đó mà bản thân tôi thấy rằng để có những nụ cười rạng rỡ trong lớp học hạnh phúc thì giáo viên cần linh hoạt trong lựa chọn các hình thức tổ chức dạy học, phối hợp các hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh để đạt được hiệu quả cao trong các tiết dạy của mình.
Sau khi đọc, cô giáo đặt các câu hỏi để giúp học sinh tóm tắt được nội dung câu chuyện. Lúc này tôi thấy rất nhiều cánh tay xung phong lên chia sẻ và các em đã nối tiếp nhau chia sẻ rất tích cực. Tuy nhiên mới chỉ nghe đọc một lần với giọng đọc hơi nhanh của cô thì các em đã gặp phải sự lúng túng nhất định.
Bài học rút ra cho tôi là khi đọc, giáo viên cần đọc chậm, nhấn vào những chi tiết, sự kiện nổi bật toát lên nội dung chính của từng trang, từng đoạn, giọng đọc cần thể hiện được tuổi tác, tính cách của mỗi nhân vật. Từ đó giúp các em nắm được những diễn biến chính của câu chuyện để bước tới hoạt động mở rộng một cách nhẹ nhàng mà đầy thư giãn.
Đối với hoạt động mở rộng của bài, cô giáo tổ chức chia nhóm để học sinh được vẽ tranh nhân vật trong truyện. Đối với tôi đây không còn là một hoạt động trong khuôn khổ một tiết học nữa mà còn xa hơn thế. Đây là giây phút học sinh được thỏa sức sáng tạo và liên tưởng, tất cả học sinh là tất cả các bức tranh, óc sáng tạo miệt mài thể hiện trên trang giấy. Tôi cảm nhận được các em say sưa như thế nào để hoàn thiện bức tranh. Vừa được lắng nghe câu chuyện lại được vẽ hình minh họa cho các nhân vật mình yêu thích thì còn gì thỏa ước mong hơn thế! Tất cả như đang học mà chơi, chơi mà học.
Cuối cùng là phần chia sẻ của học sinh về sản phẩm của mình. Tự hào lắm vì các em được chia sẻ bức tranh của mình, nhân vật yêu thích của mình. Thế nên lúc này, cả thư viện tràn ngập tiếng cười nói chia sẻ: Bạn thích nhất nhân vật nào? Vì sao bạn thích nhân vật đó? Đoạn nào trong câu chuyện bạn thấy thích thú nhất?... Để rồi nhường chỗ cho những câu hỏi “hóc búa” là những câu trả lời rất hồn nhiên nhưng không kém phần hợp lí.
Kết thúc tiết học chúng tôi được thảo luận và chia sẻ với nhau. Với phần thảo luận và chia sẻ của các đồng nghiệp trong trường, tôi đã rút ra được nhiều bài học sâu sắc. Tôi rất tâm đắc với phần chia sẻ của đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thu: Nên đưa ra các câu hỏi lửng để gợi mở, cho các em thỏa sức nêu ý kiến, gợi cho các em tự tò mò để cuốn vào bài học một cách tự nhiên nhất. Qua đó tôi cũng rút ra được cách để gây được sự hứng thú và hào hứng cho học sinh khi học tiết đọc thư viện. Bên cạnh đó, hình thức tổ chức dạy học ở tiết đọc thư viện cũng đáng để chúng tôi vận dụng vào tiết dạy của mình. Không gian thư viện là không gian mở nên giáo viên có thể phối hợp linh hoạt các hình thức dạy học cả lớp – nhóm – cá nhân sao cho hợp lí với tiết học.
Từ buổi SHCM tiết đọc thư viện tôi học tập được rất nhiều điều, từ các khâu các bước của mỗi hình thức đọc, vận dụng tốt một số kĩ thuật khi tổ chức trong tiết đọc như cách cầm sách, cách đưa cho học sinh quan sát, vị trí, tư thế ngồi, khoảng cách ngồi của giáo viên so với học sinh, giọng đọc diễn cảm kết hợp ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt, cách quan sát học sinh của giáo viên. Và quan trọng nhất mà tiết đọc muốn hướng tới là khơi gợi cho các em niềm đam mê tìm tòi, niềm ham mê đọc sách. Các con học tập được rất nhiều điều bổ ích: từ các kiến thức về tự nhiên, về xã hội, về thế giới quanh ta, hướng con người tới những điều tốt đẹp, thiện lương và như thế, tình yêu sách sẽ còn mãi, đưa các con đến với tri thức, với sự nhân bản, văn hóa đọc sẽ không thể lụi tàn mà sẽ mãi được ươm mầm trong các thư viện trường học.