Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa): Thiếu giáo viên, trường phải “ép” lớp

GD&TĐ - Năm học 2020 - 2021 bước sang tuần thứ 2 nhưng tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng ở thị xã Nghi Sơn vẫn chưa được giải quyết. Tính cả 3 cấp học (từ mầm non đến THCS), địa phương này thiếu hàng trăm giáo viên.

Học sinh Trường Tiểu học Xuân Lâm, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) trong giờ tan trường.
Học sinh Trường Tiểu học Xuân Lâm, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) trong giờ tan trường.

Thiếu giáo viên trầm trọng

Tình trạng thiếu giáo viên (GV) tại Nghi Sơn xảy ra nhiều năm nay. Nhiều trường do không đủ GV, nên buộc phải “ép” lớp khiến sĩ số vượt quá quy định của Bộ GD&ĐT cũng như tỉnh Thanh Hóa. Thậm chí, do thiếu GV, nhiều trường phải phân công cả phó hiệu trưởng, hiệu trưởng đứng lớp.

Tại Trường Mầm non Hải Hòa có hơn 400 trẻ, với số lượng 14 lớp nhưng thiếu 9 GV. Cô Hồ Thị Hương – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Năm học 2019 - 2020, Trường có 16 GV đảm nhiệm 14 lớp. Để khắc phục tình trạng thiếu GV, nhà trường phải huy động cả hiệu trưởng lẫn hiệu phó.... tham gia trông trẻ, lo bữa ăn, giấc ngủ cho các con. “Đầu năm học này, nhà trường được cấp trên phân bổ sung thêm 6 GV. Tuy nhiên, nếu theo định biên, trường cần thêm  4 GV mới có đủ 2 cô giáo/1 lớp”, cô Hương nói.

Cô Hương cho biết thêm, theo quy định của UBND tỉnh Thanh Hóa, ở trường mầm non, mỗi lớp không quá 30 cháu. Tuy nhiên, do thiếu GV và thiếu phòng học, năm học 2019 - 2020, nhà trường phải bố trí mỗi lớp 40 - 45 cháu. “Năm nay, nhà trường được đầu tư, xây dựng thêm phòng học, chúng tôi xếp 32 cháu/lớp. Thế nhưng, tình trạng thiếu GV vẫn diễn ra”, cô Hương cho hay.

Tình trạng thiếu GV ở các trường tiểu học tại thị xã Nghi Sơn càng trầm trọng hơn. Theo thống kê của Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn, hiện địa phương này thiếu tới 120 GV.

Tại Trường Tiểu học Xuân Lâm, do thiếu GV, nhà trường phải bố trí hai phó hiệu trưởng đứng lớp. Thầy Trần Văn Hà – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhà trường có 22 lớp, với 687 học sinh. Tuy nhiên, chỉ có 24 GV trực tiếp đứng lớp, trong đó có 19 GV dạy các môn văn hóa. “Hiện có một cô giáo nghỉ chế độ thai sản, nên nhà trường thiếu 4 GV. Vì thế, Ban Giám hiệu phải bố trí hai phó hiệu trưởng tham gia đứng lớp. Cũng vì thiếu GV, nên chúng tôi phải dồn học sinh ở khối lớp 3 và lớp 4, mỗi lớp 43 học sinh”, thầy Hà cho hay.

5 năm không giao thêm định biên

Thống kê của Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn, cho thấy: Địa phương đang thiếu 74 GV mầm non, 35 GV THCS và 120 GV dạy các môn văn hóa bậc tiểu học. Bà Vũ Thị Thanh Vân – Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn, cho biết: Để giải quyết tình trạng thiếu GV trầm trọng, các trường phải thực hiện dồn lớp, nâng sĩ số lên. Vì vậy, bình quân sĩ số lớp học ở nhà trường phải nâng lên 33,2 em/lớp. Tuy nhiên, với cách làm nêu trên cũng chỉ giảm từ 791 lớp xuống 784 lớp. Và, thời điểm này vẫn còn 64 lớp của  tiểu học không có GV.

“Cũng vì thiếu GV đứng lớp, khối lớp 2 của Trường Tiểu học Tân Dân có 148 học sinh, nhưng phải chia thành 3 lớp. Vì thế, ngôi trường này có 2 lớp gồm 49 em và 1 lớp 50 học sinh. Số lượng học sinh quá đông là vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục”, bà Vân nhận định.

“Từ nay đến năm 2025, số học sinh 3 cấp học ở thị xã Nghi Sơn sẽ tăng trung bình mỗi năm tương đương 100 lớp. Tuy nhiên, UBND tỉnh không giao thêm định biên. Vì vậy, vấn đề thiếu GV từ mầm non đến THCS ngày càng nan giải”, bà Vân thông tin.

Cũng theo bà Vân, UBND thị xã Nghi Sơn đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, thẩm định kế hoạch phát triển nhà trường, có cơ sở xác định chính xác số GV tối thiểu phải hợp đồng thêm. Đồng thời, UBND thị xã có phương án bố trí kinh phí hỗ trợ cho các trường, để ký hợp đồng thêm giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ