Nhức nhối nạn chặt chém

GD&TĐ - Hôm qua, du khách đi chơi chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên - Huế) bị “chặt đẹp” mỗi ký măng cụt hơn 500.000 đồng trong khi giá “thật” chỉ 100.000 đồng; hôm kia ở Bãi Cháy (Quảng Ninh), du khách mua hai ký đỗ ngự với giá “cắt cổ” 4 triệu đồng, trong khi giá mua vào cũng chỉ 100.000 đồng thôi; hôm kìa, hôm kỉa... danh sách du khách bị chặt chém ở các điểm du lịch dài không dứt. Thế nên, gọi mùa lễ hội là “mùa chặt chém” quả không ngoa.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Còn nhớ Tết âm lịch mới đây thôi, một nhóm du khách Malaysia ăn một bữa cơm bình dân ở Nha Trang với giá 9,2 triệu đồng, trong đó có cả những món rau dưa lên đến gần nửa triệu/đĩa. Cũng vào một dịp lễ hội chưa lâu trước đó, một du khách ăn đĩa cơm chiên “bình dân” với giá 200.000 đồng.

Du khách không no với đĩa cơm mà “no” vì tức. Còn đi taxi hoặc xe “dù” ở các thành phố du lịch thì khỏi nói mức độ chặt chém của các bác tài. Đi 2km lấy của khách 1,5 triệu đồng cũng đã xảy ra. Khách nước ngoài là nạn nhân phổ biến nhất trong các vụ chặt chém nói trên. Thường thì những vụ như thế, phần Tây cứ nói tiếng Tây, phần ta thì “phân bua” bằng tiếng Việt, nghe không - không cần biết, tiền vẫn phải đưa đủ nếu muốn “yên thân”.

Chặt chém du khách vào các mùa lễ hội gần như là việc đương nhiên, nói mãi, chán thì thôi chứ chả ai quan tâm đến câu chuyện rất xấu xí này. Đúng ra là chính quyền cũng đã làm rất quyết liệt và khá ồn ào trên các phương tiện truyền thông được dăm hôm, rồi đâu lại vào đấy.

Nói chính quyền “thả nổi” trước hành vi chặt chém du khách thì cũng không đúng, vì ở những thành phố có đông du khách trong các mùa lễ hội, chính quyền cũng đã buộc các khách sạn, nhà nghỉ phải niêm yết giá phòng công khai, thực đơn cũng phải ghi bảng giá rõ ràng, cấm các hành vi niêm yết một đàng mà bán với giá một nẻo...

Tuy nhiên, việc “phá rào” vẫn cứ xảy ra. Vì sao? Vì việc phạt hành chính cho hành vi chặt chém quá nhẹ nên không đủ sức răn đe; thứ hai là tình trạng quá tải tại các điểm du lịch đã vô tình tạo cơ hội cho việc chặt chém có đất dụng võ. Nhìn cảnh chen nhau, người ken dày ở các bãi biển trong những ngày nghỉ lễ vừa qua đủ thấy chính quyền có ba đầu sáu tay cũng không thể quản nổi tình trạng “tăng giá đột xuất” từ các khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ khác. Ví dụ như ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), các phòng khách, nhà nghỉ, kể cả homestay cũng chỉ đáp ứng được 1.500 chỗ nhưng có tới 5 nghìn người đổ ra hòn đảo này trong dịp lễ thì phòng ngủ và các dịch vụ khác không tăng chóng mặt mới là chuyện lạ!

Sự quá tải của du khách đổ về các điểm du lịch trong những ngày lễ cũng đặt ra cho cả chính quyền lẫn người đi chơi một bài toán cần phải tìm lời giải: Đi chơi ở đâu để tránh được tình trạng chặt chém? Điều này cần phải tìm hiểu thông tin thật kỹ trước khi đặt phòng. Đi chơi mà chen chúc nhau rồi bị chặt chém, hành xác như thế thì đi chơi làm gì!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ