Chế tài thích đáng cho ai?

GD&TĐ - Vụ xe container tông hơn 20 xe máy đang dừng đèn đỏ làm nhiều người chết và bị thương ở Bến Lức (Long An) hồi đầu tháng 1 vừa qua còn chưa thôi ám ảnh; thì mới đây lại xảy ra vụ tai nạn tang thương do xe tải gây ra ở Quốc lộ 5, đoạn qua Kim Thành, Hải Dương.  

Chế tài thích đáng cho ai?

Điểm chung của hai vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này là tài xế đều dương tính với ma túy. Không có con số thống kê chính thức nào về tỷ lệ lái xe tải, xe container nghiện ma túy được công bố trong thời gian gần đây. Bức tranh về thực trạng này chỉ được phác thảo bằng những cuộc điều tra - từ lâu - của một vài tờ báo, hoặc bằng những thông tin đã cũ từ các cơ quan chức năng. Và tất cả đều cho thấy, lái xe tải đường dài, xe container sử dụng ma túy không chỉ là vài trường hợp cá biệt mà đã lan rộng.

Để bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông, pháp luật hiện hành quy định trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải là phải sử dụng lái xe bảo đảm sức khỏe và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho tài xế; đồng thời yêu cầu người lái xe phải khám sức khỏe định kỳ. Vậy thì vì sao những người nghiện ma túy vẫn được lái xe? Các chủ nhà xe có thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho lái xe tải, xe container hay không? Hay phải chăng, các chủ nhà xe biết lái xe nghiện hút nhưng nhắm mắt làm ngơ - mà nếu như vậy thì có oan ức không nếu nói rằng các chủ nhà xe đang tiếp tay cho hành vi giết người?

Một chi tiết đáng chú ý nữa trong vụ tai nạn khiến ít nhất 8 người chết ở Hải Dương là chiếc xe tải “gây tội” đã không bật thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) vào thời điểm xảy ra sự việc. Thậm chí, cả năm 2018 chiếc xe này cũng không bật hộp đen nên không có bất kể dữ liệu nào được gửi về Tổng cục Đường bộ. Cần nhắc lại rằng, trong năm 2018, chúng ta đã hoàn tất lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ như xe tải, xe container, xe khách, taxi...

Quy chuẩn QCVN31: 2014/BGTVT cũng nêu rõ thiết bị giám sát hành trình phải ghi nhận được các thông tin về phương tiện và tài xế, chẳng hạn như lộ trình, tốc độ, thời gian và số lần dừng xe/đỗ xe, thời gian đóng mở cửa xe... Đặc biệt, thiết bị này cũng lưu trữ thời gian làm việc trong ngày của tài xế. Có nghĩa, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hoàn toàn có thể kiểm tra tình trạng tài xế, ít nhất là khi xuất bến, sau đó theo dõi họ trên đường định kỳ, tận dụng các chức năng của hộp đen.

Như vậy, vấn đề đặt ra sau 2 vụ tai nạn kinh hoàng này là nếu muốn giảm thiểu tai nạn do các phương tiện vận tải đường bộ có tải trọng lớn thì phải siết chặt trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Không thể kêu gọi trách nhiệm chung chung từ các doanh nghiệp có tài xế gây tai nạn nữa mà cần có chế tài thật thích đáng dành cho họ. Phí bảo hiểm phải tăng theo cấp số nhân với tần suất và mức độ tai nạn do họ gây ra – vẫn chưa đủ. Đối với những tai nạn nghiêm trọng, cần luật hóa chuyện họ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có đủ chứng cứ. Giải pháp này thiết nghĩ quan trọng và khả thi hơn cả. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Trần Quí Thanh lãnh 8 năm tù.

Ông Trần Quí Thanh bị phạt 8 năm tù

GD&TĐ - Sáng 25/4, TAND TPHCM tuyên phạt 8 năm tù đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Chủ tịch Tân Hiệp Phát) về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.