Bí thư Thành ủy Hà Nội lo lắng trường lớp quá tải

GD&TĐ -Tuy đạt được nhiều thành tựu lớn nhưng ngành GD-ĐT Thủ đô vẫn còn gặp không ít khó khăn như việc quá tải trường lớp, áp lực trong công tác tuyển sinh đầu cấp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội
Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội

Phát huy vị trí dẫn đầu cả nước về giáo dục

Ngày 17/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã làm việc với Sở GD&ĐT về tình hình thực hiện nhiệm vụ 3 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2019. Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.

Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Trên cơ sở 9 nhiệm vụ chủ yếu, 5 giải pháp cơ bản trong chỉ thị năm học của Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT Hà Nội đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Đó là: Rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp; tham mưu Thành phố và phối hợp với các quận, huyện, thị xã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, xây dựng trường chuẩn quốc gia; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, triển khai có hiệu quả các điều kiện cho việc hội nhập quốc tế.

Thực hiện tốt công tác thi và tuyển sinh và phân luồng học sinh sau THCS hợp lý; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo các đơn vị tập huấn đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên về tăng cường kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm…

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và các sở, ngành của thành phố dành thời gian trao đổi các nội dung liên quan đến quy hoạch mạng lưới trường lớp; phân cấp trong quản lý giáo dục; tự chủ tài chính trong giáo dục; xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao; xã hội hóa giáo dục; y tế học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường…

Thực tế hiện nay, công tác phát triển GD-ĐT của Hà Nội đang gặp phải một số khó khăn trong việc công nhận lại các trường đã đạt chuẩn quốc gia, áp lực trong công tác tuyển sinh do tăng dân số cơ học một cách cục bộ ở một số địa bàn, cơ chế quản lý các trung tâm GDNN – GDTX còn chồng chéo…

Để giải quyết những khó khăn trên, Sở GD&ĐT Hà Nội đã kiến nghị với Bộ GD&ĐT có văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực GD&ĐT.

Kiến nghị với Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” nhằm đáp ứng đủ trường lớp và nhu cầu học tập của con em trên địa bàn thành phố; quan tâm nâng mức đầu tư để xây dựng các trường THPT, phấn đấu năm 2025, Hà Nội có 100% trường THPT đạt Chuẩn quốc gia...

Trường nội đô vẫn quá tải

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá, trong những năm qua, ngành GD&ĐT của TP tiếp tục phát huy được vai trò là trung tâm giáo dục lớn của cả nước, phát huy vị thế đứng đầu và đóng góp vào sự phát triển chung của TP.

Ông Hoàng Trung Hải cho biết, dân số TP mỗi năm tăng khoảng 240.000 dân và cùng với tăng trưởng dân số là số lượng học sinh các cấp học tăng. Điều này khiến các kỳ tuyển sinh gặp khó khăn và việc đáp ứng trường lớp chưa theo kịp yêu cầu đề ra.

Tuy hàng năm tỷ lệ đầu tư trường học mới đều vượt chỉ tiêu đặt ra nhưng việc phân bố không đồng bộ. Khu vực trung tâm ít hơn các khu vực khác nên tuy số trường tăng nhưng một số trường học tại nội đô vẫn bị quá tải. Năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng thêm 72 trường mới, điều này hết sức ý nghĩa để hệ thống các trường ngày càng đáp ứng yêu cầu thực tế.

Nhấn mạnh TP đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và việc tiếp tục phát triển giáo dục, lấy con người làm trung tâm phát triển vẫn được xác định mục tiêu then chốt, Bí thư Thành ủy đề nghị, ngành GD&ĐT cần quan tâm thực hiện tốt hơn các định hướng chỉ đạo của T.Ư và TP về phát triển giáo dục. Ngoài ra, do số lượng học sinh của TP rất lớn nên các cấp chính quyền phải nhận thấy trách nhiệm của mình đối với Thủ đô, đất nước.

Bí thư Thành ủy cũng lưu ý ngành GD&ĐT TP phải tiếp tục quan tâm chăm lo, đổi mới toàn diện ngành giáo dục từ việc quan tâm giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và chủ thể là học sinh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp với ngành giáo dục

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ giáo viên; tăng cường công tác thanh kiểm tra, chấn chỉnh tiêu cực trong thi cử và giáo dục truyền thống cho học sinh; nâng cao tính chủ động trong điều chỉnh mạng lưới giáo dục; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp.

Đề cập đến vấn đề đang nóng hiện nay là an toàn thực phẩm trong trường học, Bí thư Thành ủy đề nghị, Sở GD&ĐT cung cấp danh mục các đơn vị được cấp thực phẩm vào trong nhà trường và đảm bảo đây là những cơ sở có uy tín, chất lượng về an toàn thực phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ