“Hot” vì đâu?
Nếu năm đầu (2018) kỳ thi đánh giá năng lực cho các trường thành viên chỉ thu hút gần 4.500 thí sinh, thì sang năm 2019 kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM có số lượng thí sinh quan tâm, đăng ký dự thi tăng kỷ lục, với hơn 40.000 thí sinh. Số đơn vị ngoài ĐHQG TPHCM đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển là 27.
Theo số liệu của Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TPHCM, tính đến ngày 6/1/2020 đã có 54 cơ sở giáo dục ĐH-CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Đã có gần 23.172 thí sinh đăng ký (tính đến ngày 10/2/2020).
Đánh giá về thành công của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, TS Nguyễn Vũ Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, một trong những trường sử dụng kết quả kỳ thi làm phương thức tuyển sinh đầu vào cho rằng: Kỳ thi này hút thí sinh vì tính toàn diện của kiến thức.
Khác với các kỳ thi thông thường – yêu cầu thí sinh tham gia phải nắm được các kiến thức được cung cấp trong chương trình đào tạo, các kỳ thi đánh giá năng lực thường có xu hướng kiểm tra năng lực toàn diện của thí sinh. Cách thức và nội dung đề thi của ĐHQG TPHCM công bố trong những năm qua thể hiện rõ điều đó.
Sức hút của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM hai năm gần đây đến từ nhiều nguyên nhân như: Kỳ thi THPT quốc gia có thay đổi, xu hướng chọn kỳ thi là một phương thức tuyển sinh của nhiều trường, cộng thêm những vấn đề tiêu cực nảy sinh, quan điểm thi của thí sinh thay đổi… Tuy nhiên, theo TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, thành công của kỳ thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM đến từ 3 yếu tố.
Thứ nhất, là xu hướng đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh đã chuyển từ kiến thức, kỹ năng sang đánh giá năng lực của người học. Tức là chuyển trọng tâm đánh giá chủ yếu từ ghi nhớ, hiểu kiến thức... sang năng lực vận dụng, giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đặc biệt chú trọng đánh giá các năng lực tư duy bậc cao như tư duy sáng tạo.
Trong đó, việc đánh giá kết quả học tập cuối môn học, khóa học (đánh giá tổng kết) nhằm mục đích xếp hạng, phân loại đã chuyển sang sử dụng các hình thức đánh giá thường xuyên, định kỳ sau từng chủ đề, từng chương nhằm mục đích phản hồi, điều chỉnh quá trình dạy học (đánh giá quá trình). Đặc biệt, với xu hướng dạy học tích hợp, các hoạt động đánh giá quá trình học tập của sinh viên đã chuyển từ hoạt động gần như độc lập với quá trình dạy học sang việc tích hợp vào quá trình dạy học, xem đánh giá như là một phương pháp dạy học.
Thứ hai, theo TS Trần Đình Lý, việc sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia giảm dần và sẽ kết thúc vào năm 2021 theo lộ trình đã tác động ít nhiều đến lựa chọn của thí sinh. Điều này cũng nói lên cam kết của cơ quan quản lý ngành – Bộ GD& ĐT khi đưa ra lộ trình chuẩn cho cả hệ thống có sự chuẩn bị tốt. Từ khi công bố lộ trình, đã có nhiều phương thức khác nhau từ cơ sở, thậm chí cả những sự thử nghiệm, được có, mất cũng có nhưng đều hướng đến một cột mốc đích đến là tự chủ và tự chịu trách nhiệm sau khi Bộ GD&ĐT có những định hướng quan trọng.
Cuối cùng là uy tín và tính chuyên nghiệp trong khâu tổ chức tác động rất lớn đến sự lựa chọn của người học cũng như của các cơ sở giáo dục. Tiện ích, tiện lợi, giảm tốn kém, sẽ làm gia tăng sự tham gia. Ngay cả thời điểm hiện tại, khi đang còn Kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM được tổ chức và thời gian rất thích hợp và nằm trong bối cảnh đa dạng hoá sự lựa chọn của học sinh.
“Chính việc tổ chức tốt và lường trước những tình huống có thể xảy ra làm cho các thi sinh cảm thấy yên tâm. Trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các nghề trong tương lai đòi hỏi người ta phải có nhiều kiến thức tổng hợp, hiểu biết toàn diện, việc sử dụng kết quả ký thi đánh giá năng lực là nhằm tìm kiếm thí sinh phù hợp nhất”, TS Trần Đình Lý nói.
Niềm vui sau kỳ thi |
Xu hướng tuyển sinh mới?
Là người trực tiếp giảng dạy, định hướng nghề nghiệp cho học sinh của mình trước mỗi Kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cô Trần Phương Loan- Giáo viên Trường THPT Gò Vấp, quận Gò Vấp, TPHCM cho biết: Số lượng học sinh của cô lựa chọn đăng ký dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM tăng dần qua mỗi năm. Tất nhiên nó không chỉ đến từ sự lựa chọn của chính học sinh, mà đội ngũ thầy cô giáo cũng là người phải chỉ ra cho học sinh của mình thấy được cái lợi khi tham gia dự tuyển kỳ thi này.
“Rõ ràng khi tham dự kỳ thi đánh giá năng lực, cơ hội trúng tuyển của các em được rộng mở hơn. Các em không chỉ được thử sức, rà soát khối lượng kiến thức, kỹ năng mình đã được rèn rũa trong 3 năm tại trường phổ thông. Quan trọng hơn, các em sẽ có được sự tự tin trước khi bước vào kỳ thi lớn là Kỳ thi THPT quốc gia. Thực tế, số lượng học sinh của tôi đăng ký dự thi kỳ thi trên đều có học lực khá đến giỏi.
Bởi với đề thi minh họa mà ĐHQG TPHCM đã công bố, tính sàng lọc về kỹ năng và tư duy, vốn kiến thức xã hội đều phủ rộng nên các em cũng cân nhắc rất kỹ khả năng của mình trước khi tham dự. Thực tế, phương thức thi này phù hợp với bối cảnh hiện nay và có thể sẽ là xu hướng tuyển sinh mới trong tương lai khi Kỳ thi THPT quốc gia không còn”, cô Loan nói.
ThS Nguyễn Xuân Dung - Phó trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh (Trường ĐH Công nghệ TPHCM - HUTECH) đánh giá: Bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM được xây dựng theo cùng cách tiếp cận với các bài thi đánh giá năng lực phổ biến trên thế giới như SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa Kỳ và TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh, cũng như không yêu cầu học thuộc lòng, không quá phụ thuộc vào kiến thức trong sách giáo khoa và khả năng ghi nhớ của thí sinh khiến học sinh thích thú.
Mặt khác, bài thi đánh giá năng lực tích hợp đầy đủ cả về mặt kiến thức và các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề nên chất lượng đầu vào thí sinh rất tốt. Các trường khi sử dụng kết quả thi của kỳ thi cũng sẽ có thêm kênh cùng cơ hội tuyển sinh, cũng như gia tăng chất lượng nguồn tuyển.
“Việc bài thi chỉ tập trung vào kiểm tra, đánh giá kỹ năng tư duy logic, nắm bắt, xử lý vấn đề của thí sinh - cũng là những kỹ năng rất cần thiết ở bậc đại học, giúp các trường có thêm cơ sở để sàng lọc, lựa chọn thí sinh có năng lực phù hợp để học đại học. Cách làm này cũng phần nào giúp định hướng tốt hơn cho học sinh các trường THPT, giúp học sinh THPT học tập và rèn luyện hiệu quả hơn những năng lực quan trọng để học tập lên các bậc cao hơn” - ThS Dung nói.
Làm thủ tục vào phòng thi |
Tạo cơ hội cho nhiều thí sinh hơn nữa
Ở góc nhìn của chuyên gia tư vấn tuyển sinh, TS Nguyễn Vũ Quỳnh cho rằng: Dù kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM được phụ huynh, học sinh quan tâm và ngày càng hút thí sinh tham gia, tuy nhiên, các kỳ thi đánh giá năng lực như hiện nay – theo nhiều chuyên gia – vẫn còn những hạn chế nhất định ngoài việc giúp các trường mở rộng thêm kênh tuyển sinh, cũng như có được chất lượng nguồn tuyển tốt.
“Ở Việt Nam, kỳ thi đánh giá năng lực tuy không hoàn toàn mới nhưng vẫn xa lạ với nhiều thí sinh ở các tỉnh xa trung tâm TPHCM. Vì vậy, để tham gia kỳ thi và đạt kết quả tốt, giáo viên các trường cần có sự tư vấn, hướng dẫn và giúp đỡ các thí sinh này, từ việc cung cấp thông tin kịp thời, đến việc định hướng và phương pháp học tập.
Do đó, nếu có thể kết nối với các trường ĐH khác ngoài hệ thống ĐHQG TPHCM để tổ chức kỳ thi này theo hình thức online thì thuận tiện hơn cho thí sinh tham gia, nhất là các thí sinh ở xa. Các em sẽ đăng ký tham gia có thể thi ngày tại trường THPT nơi các em học, hạn chế việc phải đi chuyển nhiều, tốn kém tiền bạc và công sức” - TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ.