Mỹ: Giáo dục song ngữ phát triển nhanh

GD&TĐ - “Bienvenido/Welcome” (Xin chào) là dòng chữ được dán phía trên bảng đen một lớp học song ngữ Tây Ban Nha - Anh tại Trường Trung học Franklin, thành phố Los Angeles. Giáo dục song ngữ tại Mỹ vẫn trong giai đoạn sơ khai nhưng đang phát triển nhanh…

Trẻ nhập cư Mỹ sẽ hưởng lợi lớn khi học song ngữ
Trẻ nhập cư Mỹ sẽ hưởng lợi lớn khi học song ngữ

Manh nha chương trình song ngữ

Trong giờ học Lịch sử dạy bằng tiếng Tây Ban Nha, giáo viên Blanca Claudio yêu cầu học sinh 11 và 12 tuổi của mình tìm Mesoamerica - một khu vực trải dài từ Nam Mexico qua Trung Mỹ - trên bản đồ. Đây là một nội dung trong chương trình GD song ngữ, khác với việc học thêm một ngôn ngữ.

Một nửa dân số Los Angeles - thành phố đông dân thứ hai của Mỹ, chỉ sau New York - có nguồn gốc Tây Ban Nha, và người Mỹ Latinh chiếm tới 16% dân số Mỹ, đưa họ trở thành nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất tại Mỹ.

Và thậm chí mặc dù tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ được nhiều người nói thứ hai tại Mỹ và được sử dụng phổ biến tại Los Angeles - thì thành phố này vẫn chưa có một chương trình GD song ngữ được triển khai rộng.

Hầu hết các chương trình được gọi là GD song ngữ thực chất chỉ được thiết kế như cầu nối cho học sinh nước ngoài có thể học tiếng Anh và sau đó vào học lớp truyền thống dạy bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên, những chương trình song ngữ đầy đủ - trong đó trẻ được học một số tiết bằng tiếng Anh và một số tiết bằng ngôn ngữ khác giống như tại Trường Franklin – sẽ được mở rộng bắt đầu từ 1/7 - khi Điều luật 58 có hiệu lực. Được thông qua bởi 73% người ủng hộ trong một cuộc trưng cầu dân ý tổ chức hồi tháng 11, Điều luật 58 cho phép cơ quan GD địa phương mở chương trình GD song ngữ nếu phụ huynh yêu cầu.

Cơ hội bảo tồn di sản ngôn ngữ

Thực tế thì nhiều trẻ em gốc Tây Ban Nha không nói tiếng Tây Ban Nha: Truyền thống truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác đã dần mất đi tại quốc gia mà song ngữ là vấn đề tranh luận nóng bỏng.

Trong một thời gian dài, nhiều người mặc định các lớp học tại Mỹ chỉ được dạy bằng tiếng Anh. Vì vậy, nhiều phụ huynh nhập cư Mỹ Latinh từ bỏ ngôn ngữ của họ để con cái thích nghi tốt hơn với quốc gia mới của chúng.

Claude Goldenberg, Giáo sư Đại học Sư phạm thuộc Đại học Stanford, phân tích: Chính nhiều người Mỹ Latinh không nhận thấy lợi ích của GD song ngữ mặc dù “phụ huynh thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư đã nhận thấy giá trị của việc đưa ngôn ngữ di sản trở lại”.

Theo Goldenberg thì mọi người đang quan tâm hơn tới GD song ngữ và ước tính số chương trình song ngữ tại Mỹ đã tăng từ 300 lên 2.000 trong những năm gần đây. Không có số liệu thống nhất bởi các trường học Mỹ do cấp địa phương quản lí.

“Bộ phận cư dân trung lưu gốc Anglo có thể đã nhận thấy thuận lợi của việc trẻ học 2 ngôn ngữ” - Goldenberg nói.

Bên cạnh tiếng Tây Ban Nha, tại Los Angeles có các chương trình GD song ngữ ở tiếng Hàn, Trung, Ả Rập và Armenia.

Mục tiêu của chương trình song ngữ là để học sinh học 2 ngôn ngữ như tiếng mẹ đẻ.

“Khó để làm quen với học song ngữ nhưng thật vui khi được học thêm một ngôn ngữ và nền văn hoá khác” - Lulu Mykyty, 11 tuổi, đang học chương trình song ngữ, chia sẻ. Mykyty vẫn khó khăn khi học tiếng Tây Ban Nha nhưng tự tin sẽ thành thạo khi tốt nghiệp THPT.

Hiện chưa có một trường công lập nào cung cấp GD song ngữ đầy đủ tại Los Angeles, cũng như chưa có kế hoạch nào cho việc triển khai một trường như vậy. Và các chương trình GD song ngữ hiện tại chỉ phủ tới một số ít học sinh. Ví dụ, Trường Trung học Franklin chỉ có 40 trong tổng số 1.400 học sinh (91% là Mỹ Latinh) được học chương trình song ngữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ