Chính trị hóa Facebook, Mark Zuckerberg mất trắng 6 tỷ USD

GD&TĐ - Các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu, Anh và Mỹ có ý định điều tra các hoạt động của Facebook. Cáo buộc chống lại lãnh đạo các mạng xã hội liên quan đến việc chuyển giao bất hợp pháp thông tin của người dùng cho bên thứ ba. Do vụ bê bối với sự rò rỉ dữ liệu, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã mất hơn 6 tỷ USD.

Chính trị hóa Facebook, Mark Zuckerberg mất trắng 6 tỷ USD

Câu chuyện bắt đầu từ cái tên “Cambridge Analytica”

"Cáo buộc liên quan đến việc lạm dụng dữ liệu của người sử dụng Facebook cho thấy một sự vi phạm các quyền cá nhân của công dân chúng tôi. Nghị viện châu Âu sẽ tiến hành điều tra kỹ lưỡng, sau đó sẽ yêu cầu các nhà lãnh đạo của các nền tảng kỹ thuật số phải giải thích"- Chủ tịch Nghị viện châu Âu Antonio Tajani tuyên bố.

Vấn đề được các nghị sỹ đưa ra liên quan đến các hoạt động của Cambridge Analytica, một công ty của Anh chuyên phân tích số liệu và hỗ trợ thực hiện các chiến dịch bầu cử. Danh sách các lãnh đạo của nó bao gồm những doanh nhân nổi tiếng và các chính trị gia cánh hữu như cựu cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump - ông Stephen Bannon và nhà tài trợ của đảng Cộng hòa, triệu phú Robert Mercer. Năm 2016, ông Trump cũng sử dụng dịch vụ của Cambridge Analytica, những người ủng hộ rút khỏi EU trong cuộc trưng cầu về Brexit ở Anh cũng dùng dịch vụ của công ty này.

Theo các cuộc điều tra được thực hiện bởi Observer và New York Times, vào năm 2014, công ty Cambridge Analytica đã mua lại dữ liệu của trên 50 triệu người sử dụng Facebook. Thông tin này sau đó được sử dụng trong quá trình vận động vì lợi ích của khách hàng Cambridge Analytica. Các nghị sĩ châu Âu đang cố gắng xác định: Liệu trong 50 triệu người sử dụng Facebook, ai là công dân EU?

"Chúng tôi sử dụng Facebook để lấy dữ liệu về hồ sơ của hàng triệu người và sau đó phát triển một chiến lược dựa trên những gì chúng tôi biết về họ và về những ham muốn ẩn giấu của họ”- Christopher Wylie, cựu nhân viên của hãng Cambridge Analytica nói với Observer.

Theo tờ New York Times, các dữ liệu về người dùng của mạng xã hội như Mercer và Bannon nhận được thông qua thisisyourdigitallife- một ứng dụng được tạo ra bởi nhà nghiên cứu tâm lý và phân tích hành vi của Trường Đại học Cambridge - Alexander Kogan.

Thisisyourdigitallife đề nghị người dùng chi một khoản tiền nhỏ để vượt qua bài kiểm tra nhằm xác định thể loại nhân cách của họ. Đồng thời, họ được yêu cầu chấp thuận xử lý dữ liệu của họ.

Những dữ liệu này có thể được sử dụng trong tương lai nhưng "chỉ dành cho các mục đích khoa học". Với tính chất khoa học của nhà tâm lý học Cambridge, Facebook đã không giới hạn hoạt động của ứng dụng thisisyourdigitallife.

Cần phải bảo vệ bí mật cá nhân

Phát biểu trước Ủy ban Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Hạ viện Anh, Giám đốc điều hành Cambridge Analytica Alexander Nix khẳng định rằng ông không nhận được bất cứ dữ liệu nào từ Facebook và những thông tin của Alexander Kogan đối với công ty của ông là "vô dụng".

Tuy nhiên, các tuyên bố của Alexander Nix đều trái với các dữ liệu điều tra của Observer và New York Times cũng như các tuyên bố của Christopher Wylie.

Hành vi của Nix gây ra sự phẫn nộ trong Quốc hội Anh. Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Hạ viện Anh Damian Collins cho rằng, giám đốc Cambridge Analytica đưa ra lời khai giả dối.

Ngoài ra, ông Damian Collins cũng chỉ trích Zuckerberg, kêu gọi ông chủ Facebook "đừng lẩn trốn" và nhanh chóng xuất hiện trước Quốc hội Anh để làm chứng.

Sự cần thiết phải tiến hành điều tra các hoạt động của Cambridge Analytica đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Matthew Hancock chỉ rõ.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Daily Telegraph, ông Hancock cho rằng giờ là thời điểm để đặt dấu chấm hết cho một tình huống mà thế giới kỹ thuật số vẫn còn trong kỷ nguyên của "phương Tây man rợ", còn những người làm việc trong các công ty tư nhân không làm việc theo bất kỳ quy tắc nào trong lĩnh vực này.

"Tự do chỉ có thể tồn tại trong một số khuôn khổ như vậy"- ông Hancock khẳng định.

Ở bên kia đại dương, lo lắng về vụ bê bối với Cambridge Analytica đã được nêu ra trong Quốc hội Hoa Kỳ. Ông Ron Wyden, một thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện, đảng Dân chủ đã gửi một bức thư cho Zuckerberg đề nghị giải thích việc lạm dụng dữ liệu cá nhân của người sử dụng mà không cần sự đồng ý của họ.

Nội dung bức thư đề cập tới một danh sách các câu hỏi tạo ra Facebook được thượng nghị sĩ Ron Wyden đăng trong Twitter của mình.

Trước thực trạng đó, không ít quốc gia đã thực hiện các biện pháp để bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân. Vào ngày 25/5, luật quy định áp dụng các biện pháp xử phạt đối với các công ty, kể cả các cơ sở dữ liệu online sử dụng hay lưu trữ thông tin cá nhân về công dân “không phù hợp” có hiệu lực tại EU.

Scandal này đã làm cho Facebook thiệt hại nặng nề về mặt tài chính, đặc biệt là ông chủ Zuckerberg của nó. Một ngày sau vụ bê bối với Cambridge Analytica, túi tiền của Zuckerberg đã giảm hơn 6 tỷ USD do giá cổ phiếu của Facebook lao dốc- Kênh truyền hình Mỹ CNBC đưa tin.

Quan điểm của các chuyên gia về chuyện liên quan đến Cambridge Analytica rất khác nhau. Theo nhà nghiên cứu của Viện Hoover Niall Ferguson, quảng cáo trên Facebook đã trở thành công cụ hiệu quả nhất trong kho vũ khí của các chính trị gia hiện đại và phương pháp này đã làm nên Tổng thống Donald Trump. "Thông tin rằng Cambridge Analytica nhận được dữ liệu về 50 triệu người sử dụng là một sự kiện vô cùng quan trọng"- Niall Ferguson khẳng định với Fox News.

Các nhà phân tích khác kêu gọi không nên thổi phồng vụ bê bối xung quanh công ty của Nix. Họ cho rằng, công việc của các đảng chính trị với mảng dữ liệu cá nhân của người sử dụng mạng xã hội là không mới.

Theo ông Matthew - Giáo sư Khoa học chính trị của Đại học Kent và là cộng tác viên của Chatham House thì Ủy ban vận động tranh cử của cựu Tổng thống Barack Obama vào năm 2012 đã sử dụng các công cụ tương tự như Cambridge Analytica đã sử dụng vào năm 2018.

"Tôi không hiểu được cơn cuồng loạn xung quanh các hoạt động bị cáo buộc là “mảng tối” của Cambridge Analyitic. Mỗi chuyên gia thăm dò dư luận xã hội nghiêm túc đều sử dụng thông tin nhận được từ các mạng xã hội trong phân tích... Các chính trị gia tiến bộ cũng làm điều này. Ngay cả khi họ làm điều đó thì những hành động này được gọi là “sáng tạo" - Ông Goodwin viết trên Twitter.

 Quan điểm của các chuyên gia về chuyện liên quan đến Cambridge Analytica rất khác nhau. Theo nhà nghiên cứu của Viện Hoover Niall Ferguson, quảng cáo trên Facebook đã trở thành công cụ hiệu quả nhất trong kho vũ khí của các chính trị gia hiện đại và phương pháp này đã làm nên Tổng thống Donald Trump. "Thông tin rằng Cambridge Analytica nhận được dữ liệu về 50 triệu người sử dụng là một sự kiện vô cùng quan trọng"- Niall Ferguson khẳng định với Fox News.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ