Tham vọng "bẻ khóa" giấc ngủ của các triệu phú Mỹ

Từ tấm thảm trị giá 510 USD đến thiết bị đeo tay 999 USD, các triệu phú Mỹ sẵn sàng vung tiền để ngủ ít hơn mà vẫn khỏe mạnh.

Tham vọng "bẻ khóa" giấc ngủ của các triệu phú Mỹ

Trong một chuyến đi đến New York, Dave Asprey đặt túi nước đá lên cơ thể trước khi ngủ. Nhà sáng lập kiêm CEO của công ty cà phê và thực phẩm chức năng từng đọc một nghiên cứu rằng hạ thân nhiệt cải thiện giấc ngủ nên nảy ra ý tưởng dùng túi nước đá. Trước đó, anh từng thử tắm nước đá và thành công.

Không may cho Asprey, lần này anh đã sai. "Tôi bị bỏng lạnh 15% cơ thể", người đàn ông 44 tuổi nói. "Tôi đau suốt nhiều tuần. Đó đúng là thử nghiệm hỏng".

Theo Men"s Health, suốt nhiều thế kỷ, con người đã bối rối về giấc ngủ. Ghi chép đầu tiên về chứng mất ngủ xuất hiện từ năm 350 trước công nguyên. Hàng loạt người nổi tiếng, từ Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đến họa sĩ thiên tài Vincent van Gogh, đều gặp vấn đề này.

Ngày nay, cuộc sống bị ám ảnh bởi công việc và thiết bị điện tử khiến chúng ta càng khó ngủ. Không ít người "dính" lấy điện thoại tới tận nửa đêm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh Dịch bệnh Mỹ ước tính một phần ba người trưởng thành nước này thiếu ngủ và có nguy cơ bị béo phì, huyết áp cao, bệnh tim mạch, đột quỵ.

Để nghiên cứu sâu hơn mối quan hệ giữa giấc ngủ với các vấn đề sức khỏe, Asprey quyết định "bẻ khóa sinh học", tức là tự tiến hành thí nghiệm trên cơ thể để thay đổi giấc ngủ của mình. Hành động này không nhằm nghiên cứu hay điều trị y khoa truyền thống song vẫn hướng tới mục tiêu tăng sức khỏe và khả năng làm việc. 

Tổng cộng, Asprey đã chi hơn một triệu USD cho nỗ lực bẻ khóa sinh học, trong đó khoảng 200.000 USD dành cho giấc ngủ. Khác với hầu hết chuyên gia y tế, anh nghĩ rằng thời lượng ngủ không quan trọng bằng chất lượng giấc ngủ, bởi một số nghiên cứu đã chỉ ra ngủ 6 tiếng mỗi ngày giúp kéo dài tuổi thọ. 

"Người khỏe mạnh sẽ ngủ ít hơn", Asprey khẳng định. Bằng cách tập trung vào chất lượng giấc ngủ, vị CEO hy vọng sẽ giảm được thời gian ngủ, từ đó tối đa hóa hiệu quả lao động. 

"Không tốt hơn nếu bạn khỏe mạnh và có nhiều thời gian làm việc hơn sao", Asprey nói. "Đó là suy nghĩ của tôi. Vì chúng tôi không muốn ngủ". Hiện anh ngủ đúng 6 tiếng 5 phút mỗi đêm và đã thử hàng loạt phương pháp, từ ngủ đa pha (ngủ nhiều giấc ngắn thay vì ngủ cả đêm), ngủ trên đệm nam châm trị giá 510 USD đến kích thích thần kinh bằng dòng điện.

Ảnh: MH.

Ngoài Asprey, không ít nhân vật quyền lực ở Thung lũng Silicon sẵn sàng vung tiền cho giấc ngủ. Geoffrey Woo là nhà sáng lập kiếm CEO của một công ty chuyên bán các chất tăng cường hoạt động tinh thần. Anh bắt đầu "sự nghiệp" bẻ khóa sinh học cách đây 5 năm do mong muốn "trở nên tốt hơn những người khác". Gần đây, lập trường của Woo đã thay đổi: "Tôi muốn sống trong xã hội với những con người khỏe mạnh hơn, vui vẻ hơn, hiệu quả hơn".

Những gì Woo làm để tăng chất lượng giấc ngủ khá giống với các lời khuyên thông thường. Anh thử rèm chặn sáng, máy khử tiếng ồn và cố gắng ngủ 8 tiếng mỗi đêm. Bên cạnh đó, để theo dõi giấc ngủ, Woo sử dụng thiết bị đeo tay trị giá 999 USD có tác dụng cung cấp thông tin về nhịp tim lúc nghỉ, nhiệt độ cơ thể, thời gian các pha ngủ.

Trên diễn đàn Reddit, giấc ngủ cũng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi. Nhiều người tìm đủ mọi cách để giảm nhu cầu ngủ và gia nhập "tầng lớp tinh hoa không ngủ", thuật ngữ chỉ những người chỉ ngủ vài tiếng mỗi đêm mà không mệt mỏi.

Năm 2009, nhà di truyền học Ying-Hui Fu từ Đại học California San Francisco quyết định tìm hiểu vì sao một số người vẫn khỏe mạnh dù nghỉ ngơi rất ít. Bà phát hiện những người này có đột biến trên gene DEC2 hay còn gọi là BHLHE41 nên có thể sống sót mà không cần ngủ nhiều. Các nhà khoa học tin rằng số người mang đột biến gene này chỉ chiếm 1-3% dân số.

Theo phó giáo sư Jamie Zeitzer từ Trung tâm Y học và Khoa học Giấc ngủ thuộc Đại học Stanford, mong muốn ngủ ít hơn rất khó thành công và gây hại. Bạn có thể quen với tín hiệu mất ngủ rồi phớt lờ nó và tự đẩy bản thân vào nguy hiểm. 

Zeitzer không biết gì về miếng nam châm Asprey dùng, song khẳng định rất ít bằng chứng cho thấy phương pháp kích thích thần kinh bằng dòng điện đem lại hiệu quả. Phó giáo sư cũng hoài nghi về thiết bị theo dõi giấc ngủ bởi ngay cả thiết bị tốt nhất cũng không đưa ra đầy đủ thông tin. Mọi hiệu quả mà bạn nghĩ mình nhận được nhiều khả năng chỉ là tác động giả dược. 

Tốt nhất, để ngủ tốt hơn, bạn hãy áp dụng ba phương pháp đơn giản được các chuyên gia chứng nhận: Ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng và tắt mọi thiết bị điện tử ít nhất một tiếng trước khi ngủ. Ngoài ra, hãy nhường các thí nghiệm cho giới triệu phú.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ