Tập huấn sử dụng SGK mới: Chạy đua cùng dịch bệnh

Tập huấn sử dụng SGK mới: Chạy đua cùng dịch bệnh

Bên cạnh việc nhanh chóng chuyển đổi phương thức tập huấn phù hợp, các nhà xuất bản đồng thời mở các nguồn tài nguyên để có thể hỗ trợ trực tiếp đến từng giáo viên, nhà trường lựa chọn sách.

Công bố chi tiết tài liệu tập huấn trên mạng

Ông Cấn Hữu Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát hành sách giáo dục, đơn vị biên soạn bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” cho biết: Các điều kiện tập huấn sách giáo khoa mới được chuẩn bị đầy đủ. Hiện đơn vị đang thống nhất với các sở GD&ĐT về phương thức triển khai. Mục tiêu đặt ra là đáp ứng cả chất lượng và yêu cầu về thời gian, tiến độ để kịp triển khai chương trình mới với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021.

“Chúng tôi đã sẵn sàng lực lượng chuyên gia phục vụ công tác tập huấn. Ngoài ra, để hỗ trợ giáo viên, chúng tôi đã đăng các bài giảng minh họa tại địa chỉ: sachthietbigiaoduc.vn để thầy cô sử dụng miễn phí. Sách giáo viên cũng được đăng tải miễn phí ở địa chỉ này” – ông Cấn Hữu Hải chia sẻ.

Với bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, đại diện đơn vị biên soạn, PGS.TS Phan Doãn Thoại, Chủ biên Toán 1, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam) thông tin: Mọi nội dung để chuẩn bị cho việc giới thiệu sách, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên nghiên cứu, sử dụng bộ sách đã được chuẩn bị và xây dựng đầy đủ.

“Việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng sách giáo khoa mới, chúng tôi sẽ tổ chức đầy đủ và chi tiết đến các thầy cô, cơ sở giáo dục phổ thông khi cần và điều kiện cho phép. Song trong bối cảnh dịch bệnh, để khắc phục khó khăn hiện tại và giúp các nhà trường cũng như thầy cô tiếp tục triển khai và chủ động tiến độ, chúng tôi đã, đang cập nhật đầy đủ 100% tài liệu tập huấn và bồi dưỡng giáo viên sử dụng bộ sách giáo khoa mới “Cùng học để phát triển năng lực”. Bên cạnh cung cấp tài liệu tập huấn trực tuyến, chúng tôi còn có bộ phận tiếp nhận thông tin để chuyển đến đội ngũ Tổng Chủ biên, Chủ biên mỗi môn học, sẵn sàng hỗ trợ giải đáp mọi thắc mắc của thầy cô và người quan tâm đến bộ sách”, PGS.TS Phan Doãn Thoại cho hay.

100% giáo viên lớp 1 được bồi dưỡng

Theo kế hoạch, năm 2019 hoàn thành bồi dưỡng tìm hiểu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho đội ngũ cốt cán. Năm 2020 thực hiện bồi dưỡng đại trà với 3 mô đun quan trọng là bồi dưỡng về đổi mới phương pháp dạy học; Đổi mới kiểm tra, đánh giá và xây dựng kế hoạch giáo dục. Trước tình hình dịch bệnh, hình thức tập huấn trực tuyến là sự lựa chọn phù hợp.

Tại Bến Tre, trong tuần qua, Sở GD&ĐT có 2 văn bản liên quan đến công tác bồi dưỡng giáo viên. Theo đó, để triển khai bồi dưỡng giáo viên trực tuyến, sở đề nghị các phòng GD&ĐT (chỉ đạo các trường tiểu học, THCS), trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên chỉ đạo thực hiện rà soát lại số lượng và cập nhật đúng thông tin cá nhân của giáo viên, cán bộ quản lý phục vụ bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Giáo viên, cán bộ quản lý tham gia bồi dưỡng trực tuyến trên hệ thống LMS theo lịch cụ thể của Bộ GD&ĐT, dự kiến từ tháng 4/2020 đến tháng 7/2020. Sở sẽ tổ chức bồi dưỡng trực tiếp 3 ngày với sự hỗ trợ, hướng dẫn của giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán để thảo luận, thực hành mô đun bồi dưỡng… trong các nội dung bồi dưỡng trực tuyến.

Phú Thọ cũng đã triển khai cho hơn 6.000 giáo viên tiểu học trên toàn tỉnh về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học tại 13 huyện. Cách làm được ông Nguyễn Thúc Sinh, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học, Sở GD&ĐT Phú Thọ, chia sẻ: Cán bộ quản lý, giáo viên tự nghiên cứu, sau đó lãnh đạo, chuyên viên của sở đến các huyện trao đổi, làm rõ thêm về chương trình, mỗi huyện một ngày.

“Có thể nói, khâu bồi dưỡng chương trình cho đội ngũ tại Phú Thọ đã cơ bản xong. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung lựa chọn sách giáo khoa. Sau khi chọn được sách sẽ tập huấn sử dụng bộ sách đã chọn. Các khâu chuẩn bị đã sẵn sàng. Tâm thế của trường và đội ngũ giáo viên đều phấn khởi, nhất là khi nhận được các bản in sách giáo khoa”, ông Nguyễn Thúc Sinh cho hay.

Trước tình hình dịch bệnh, nhiều hoạt động phải tạm dừng, ông Nguyễn Thúc Sinh cho rằng: Việc tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới vẫn kịp, vì chỉ cần 2 tuần là có thể thực hiện xong; quan trọng là giáo viên nắm chắc về chương trình.

“Giáo viên cơ bản xác định được đổi mới lần này ở tiểu học chủ yếu là đổi mới về phương pháp dạy học và đánh giá học sinh, mà hai nội dung này đã được triển khai qua Mô hình VNEN và Thông tư số 22 của Bộ GD&ĐT. Tại Phú Thọ, Sở GD&ĐT đã giao cho các trường, sau khi chọn được sách phù hợp, tổ giáo viên lớp 1 tiếp tục nghiên cứu sách giáo khoa, và xây dựng kế hoạch bài học (giáo án) để dạy thử. Tới đây, khi có tài khoản, Sở GD&ĐT tiếp tục triển khai hình thức bồi dưỡng trực tuyến”, ông Nguyễn Thúc Sinh khẳng định.

Bảo đảm 100% giáo viên dạy học lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được bồi dưỡng trước khi thực hiện nhiệm vụ; 100% giáo viên có 1 tài khoản để nhận nội dung bồi dưỡng trực tuyến qua mạng Intrenet trong suốt quá trình thực hiện chương trình mới. - Ông Nguyễn Thúc Sinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ