Nguy cơ ngộ độc Paracetamol do... tự chữa Covid-19

GD&TĐ - Việc sử dụng Paracetamol liều cao có khả năng gây ngộ độc. Để sử dụng Paracetamol an toàn, người trưởng thành nên dùng 2 - 3 viên loại 500mg mỗi ngày.

Hiểm họa “kép” 

Trước bối cảnh số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng, không ít người “truyền tai” các phương pháp... tự diệt virus SARS-CoV-2. Bởi vậy, nhu cầu sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt tại các gia đình cũng tăng.

Trên mạng xã hội, không ít hướng dẫn không rõ nguồn gốc về cách tự chữa bệnh Covid-19 tại nhà. Đáng chú ý, trong một hướng dẫn, Paracetamol được khuyên sử dụng với liều tối đa.

Vừa qua, một tài khoản Facebook tại TPHCM chia sẻ đã được mẹ gửi cho “cả bọc thuốc” bao gồm Panadol, Paracetamol, kháng sinh các loại cho người lớn và trẻ em, C sủi đủ dùng cho gia đình cả tháng. Người này không quên nhắc nhở bạn bè nên mua thuốc để dành, đề phòng khi mắc Covid-19.

Trên mạng xã hội cũng chia sẻ về một bài viết tự chữa Covid-19 tại nhà với việc uống Tylenol. Đáng chú ý, bài viết này đã thu hút cả nghìn lượt chia sẻ. Bài viết cho biết, nếu mắc Covid-19, chỉ cần nấu nồi xông, giữ ấm cơ thể, dùng máy sấy để... làm ấm đầu, ngực và lưng. Thậm chí, bài viết khẳng định, khi bị sốt do Covid-19, chỉ cần uống Tylenol với liều lượng 6 tiếng một viên 500mg.

Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, việc sử dụng Paracetamol liều cao có khả năng gây ngộ độc.

Paracetamol (tên gọi khác là acetaminophen) là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình. Ngộ độc Paracetamol có thể do chủ động uống quá liều khi tự tử (thường được phát hiện sớm, điều trị kịp thời). Nguyên nhân khác có thể là do lạm dụng thuốc, dùng sai khi giảm đau, hạ sốt tại nhà.

“Trường hợp thứ hai này rất dễ xảy ra, thường với người sốt cao, kéo dài, đau nhiều, đau mạn tính... Các biểu hiện ngộ độc Paracetamol rất kín đáo. Thậm chí, vài ngày đầu nếu không xét nghiệm theo dõi thì không thể biết. Khi được phát hiện đã muộn, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong”, chuyên gia cảnh báo.

Cũng theo TS Nguyên, Paracetamol là thuốc thuộc diện không phải kê theo đơn. Người dân có thể tự mua ở các hiệu thuốc về để điều trị đau, sốt do các nguyên nhân thông thường hoặc xử trí ban đầu trước khi tới bệnh viện.

Trên thị trường mỗi nước có thể có hàng trăm biệt dược chứa thành phần chính là Paracetamol. Mặc dù có tên gọi khác nhau, nhưng về bản chất, những sản phẩm đó có thành phần tương tự.

Đây là nguyên nhân khiến người dân có thể dùng cùng lúc hoặc liên tục nhiều sản phẩm. Từ đó, dẫn tới tổng liều Paracetamol hàng ngày vượt quá quy định. Tình trạng này gây quá liều và ngộ độc.

“Bài thuốc” tự chữa Covid-19 được lan truyền trên Internet.
“Bài thuốc” tự chữa Covid-19 được lan truyền trên Internet.

Dùng liều thấp nhất có thể

Các biểu hiện ngộ độc ban đầu thường kín đáo. Thậm chí, người bệnh có thể không biểu hiện gì dù ngộ độc. Hoặc, triệu chứng có thể dễ nhầm với các biểu hiện của bệnh gây đau, sốt.

Tuy nhiên, xét nghiệm sẽ cho thấy, men gan tăng dần từ ngày thứ 2, thứ 3. Khi viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan. Khi đó, tỷ lệ tử vong có thể là 50% hoặc hơn.

Ngoài ra, khi lạm dụng các sản phẩm đó, người bệnh có thể bị quá liều và ngộ độc những thành phần khác kèm theo. Trong đó, các chất dạng thuốc phiện như codein, tramadol có thể gây ngộ độc.

Từ đó, ảnh hưởng khả năng thở, gây táo bón, run tay chân, gây nghiện… Ngoài ra, sử dụng quá liều các chất gây co mạch dẫn tới cơn tăng huyết áp, đau tim. Quá liều thuốc giảm ho dextromethorphan gây lẫn lộn, ảo giác, hôn mê, nhịp tim nhanh…

“Liều Paracetamol tối đa với người Việt Nam có thể trạng trung bình và không có các yếu tố nguy cơ là không quá 3 gam/24 giờ với người trưởng thành. Với trẻ em là 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần, không quá 6 lần/24 giờ. Tuy nhiên, nếu sử dụng liều này cho người có nhiều yếu tố và hoàn cảnh nguy cơ thì lại gây ngộ độc.

Trên thực tế, các bác sĩ khi kê thuốc cho người bệnh trưởng thành chỉ kê 1 - 1,5 gam Paracetamol cho mỗi 24 giờ (tương đương 2 - 3 viên loại hàm lượng 500mg). Tốt nhất là dùng liều thấp nhất có thể”, TS Nguyên giải thích.

Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, để sử dụng Paracetamol an toàn, người trưởng thành nên dùng 2 - 3 viên loại 500mg mỗi ngày. Người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng, cũng như sử dụng đúng hướng dẫn.

Ngoài ra, cần chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc Paracetamol.

“Luôn kết hợp các biện pháp khác an toàn hơn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, tắm nước ấm, uống đủ nước… Khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường thì cần tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương khẳng định, không có thuốc để chữa Covid-19 tại nhà. Người bệnh đã phải dùng đến thuốc, đến oxy tức là đã tới mức vào bệnh viện. Tuy nhiên, trong những trường hợp chưa cần chăm sóc tại cơ sở y tế, người dân cũng có thể chuẩn bị các thuốc thông thường như: Thuốc hạ sốt; các loại vitamin, nhất là vitamin C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Thậm chí, người dân có thể ăn thêm tỏi, sả… các sản phẩm tăng sức đề kháng… Cần chú ý bổ sung dinh dưỡng phù hợp, ăn đầy đủ, nhưng cũng không nên ăn quá nhiều. Bên cạnh đó, cần đảm bảo vận động, tập luyện để nâng cao sức khỏe.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.