Báo động dịch sởi bùng phát khắp thế giới

GD&TĐ - Ở Mỹ, tính đến đầu tuần này, hơn 270 người, chủ yếu là trẻ nhỏ, đã bị nhiễm mầm bệnh sởi – căn bệnh siêu truyền nhiễm và đôi khi gây tử vong. Đây chỉ là một trong các đợt bùng phát liên tục kể từ mùa Thu năm ngoái. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã xác nhận 101 trường hợp mắc sởi ở 10 tiểu bang trong năm 2019.

Bộ y tế Philippines đã tuyên bố bùng phát bệnh sởi ở Metro Manila và Central Luzon. Hầu hết những người bị ảnh hưởng là trẻ em, như em bé này, đang được điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Manila
Bộ y tế Philippines đã tuyên bố bùng phát bệnh sởi ở Metro Manila và Central Luzon. Hầu hết những người bị ảnh hưởng là trẻ em, như em bé này, đang được điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Manila

Những con số đáng lo ngại

Căn bệnh khá quen thuộc và phần nào đã bị xem thường này đang lan tràn nhanh chóng để trở thành một “cơn bão” dịch bệnh hoành hành khắp thế giới. Tại Anh, đã có 953 trường hợp mắc sởi trong năm 2018. Cơ quan y tế Pháp cũng đã cảnh báo về sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi tại khu nghỉ mát trượt tuyết Val-Thorens, một trong những điểm cao nhất trên dãy Alps và là điểm đến phổ biến cho cả khách du lịch Pháp và nước ngoài.

Ở Hy Lạp, hơn 2.600 trường hợp mắc sởi đã được xác nhận trong năm 2018. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật quốc gia (NCDC) và Sức khỏe Cộng đồng Georgia cho biết đã có 312 trường hợp mắc bệnh sởi được báo cáo trong năm 2019. Ở Ukraine, một báo cáo ngày 13/2/2019 cho biết, tám người đã chết vì bệnh sởi trong năm 2019. Dữ liệu của WHO cho thấy Ukraine đã ghi nhận 53.000 trường hợp mắc sởi trong năm 2018, chiếm hơn một nửa số trường hợp ở châu Âu.

Ở Hàn Quốc, tổng cộng có 30 bệnh sởi được xác nhận đã được báo cáo trong tháng 1/2019. Thái Lan có 285 trường hợp mắc sởi trong đó có 1 trường hợp tử vong đã được báo cáo trong năm 2019. CDC đã tái xác nhận Thông báo du lịch cấp 1 cho năm 2019. Đáng lo ngại nhất là Philippines, với 6,921 trường hợp mắc bệnh sởi và 70 trường hợp tử vong từ tháng 1/2019 đến ngày 13/2/2019.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã có báo động du lịch cấp 1 về bệnh sởi trong giai đoạn đầu năm 2019 này đối với các quốc gia nói trên, cũng như một số điểm đến khác như Indonesia, Israel, Italia, Kazaskhtan, Madagascar...

Vì đâu nên nỗi?

Tại thành phố New York, virus sởi đã lây lan từ tháng 9 vừa qua từ những người Do Thái chính thống từ chối sử dụng vắc xin cho con cái vì những lo ngại về an toàn vô căn cứ. Ở Washington, một số phụ huynh có những nghi ngờ bất thường đối với ngành y tế cũng như các công ty dược phẩm và từ chối tiêm chủng vắc xin cho con cái, dẫn đến 62 trường hợp mắc bệnh kể từ đầu năm nay tại các bang Texas, Oregon, và phía Tây và Nam bang New York.

Những vụ dịch này sẽ khiến các tiểu bang và chính phủ liên bang tốn hàng triệu dollar để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, đồng thời cản trở các chương trình y tế công cộng quan trọng khác. Quan trọng nhất là những người có thể được chủng ngừa sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao, nhất là những người dị ứng với vắc xin và trẻ sơ sinh.

Dịch sởi bùng phát mạnh mẽ ở Phillippines cũng có nguyên nhân từ việc từ chối tiêm chủng. Theo bà Lotta Sylwander, đại diện UNICEF tại Philippines, tỷ lệ tiêm chủng tại Philippines đã giảm mạnh từ 88% năm 2014 xuống 73% vào năm 2017, khiến 2,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi không được tiêm phòng sởi. Sau khi dịch bệnh bùng phát ở Philippines, UNICEF đang hỗ trợ cả chính quyền địa phương và quốc gia thực hiện một đợt tiêm chủng khẩn cấp quốc gia.

Đừng chết vì thiếu hiểu biết

Điều đáng nói nhất là: Đây là điều hoàn toàn có thể tránh được. Đến năm 2000, nhờ vắc xin sởi, loại virus này đã được loại bỏ ở Mỹ. Thật vô lý khi dịch bệnh đã xuất hiện trở lại, và đây là lý do duy nhất: Các bậc cha mẹ ở nhiều tiểu bang có thể dễ dàng từ chối sử dụng vắc xin cho con mình, do các chính sách miễn trừ vắc xin với các lý do tôn giáo, phi tôn giáo hoặc triết học. Khi độ bao phủ của vắc xin sởi giảm xuống dưới 95%, dịch bệnh bùng phát là không thể tránh khỏi.

Không có gì là quá đáng khi nói rằng, bệnh sởi là một trong những bệnh có khả năng lan truyền khủng khiếp nhất mà con người biết đến. Trong một quần thể chưa được tiêm phòng, một người mắc bệnh sởi có thể làm lây nhiễm 12 - 18 người khác, cao hơn nhiều so với các loại virus khác như Ebola (một lan truyền sang hai), HIV hoặc SARS (một lan truyền sang bốn).

Tại Mỹ, trước khi có vắc xin sởi vào năm 1963, đã có 4 triệu ca mắc sởi, với 48.000 ca nhập viện và 500 ca tử vong mỗi năm. Sởi cũng là một kẻ giết trẻ em hàng đầu trên toàn cầu.

Ngày nay, việc chích hai liều vắc xin sởi có hiệu quả 97%. Nhưng để vắc xin có thể có tác dụng bảo vệ dân số, cần phải tạo được trạng thái miễn dịch đám đông. Tùy thuộc vào loại virus mà một tỷ lệ nhất định người dân cần được chủng ngừa để tránh bệnh lây lan qua quần thể để đạt được khả năng miễn dịch đám đông. Vì bệnh sởi lây lan rất dễ dàng, tỷ lệ cần thiết để đạt khả năng miễn dịch đám đông là rất cao. Khi tỷ lệ này đạt dưới 95%, dịch bệnh bùng phát là không thể tránh khỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ