Rối bời giữa cuộc chiến của mẹ và vợ

Từ lúc vợ mang thai và sinh con, mọi chuyện trở nên căng thẳng. Vợ tính tình có phần thay đổi, hay cáu gắt, còn mẹ tôi thì hay giận và tủi thân.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Tôi lập gia đình được 6 năm. Vợ chồng sống chung với mẹ tôi. Bố tôi mất đã lâu nên mẹ muốn vợ chồng tôi ở cùng cho nhà đỡ quạnh. Thời gian đầu, cuộc sống cũng khá ổn vì chưa có mâu thuẫn gì nhưng bây giờ chỉ cần một chuyện nhỏ là đã xảy ra vấn đề. Cho dù vợ tôi không cãi hỗn với mẹ nhưng tôi biết cô ấy vẫn hậm hực.

Tôi đã nói với vợ là giờ mẹ già rồi đừng cãi mẹ nữa nhưng cô ấy nói không cãi, chỉ là cần chia sẻ quan điểm của mình. Mẹ tôi giờ cũng hay nói bóng gió. Bữa cơm gia đình chẳng còn được như xưa nữa. Vợ muốn tôi chuyển ra ngoài ở. Tôi không đành lòng vì mẹ giờ cũng đã già yếu. Tôi phải làm sao? (Đức Toàn)

Trả lời:

Chào bạn,

Tôi hình dung phần nào sự khó xử của bạn trước tình cảnh gia đình hiện nay. Bên tình bên hiếu luôn là nỗi ám ảnh của người đàn ông khi mẹ và vợ không hòa hợp. 

Khi mẹ chồng nàng dâu có mâu thuẫn, người chồng thường hết sức khó xử bởi họ không chỉ phải đứng giữa mẹ và vợ mà còn chịu cả sức ép sẽ phải xử lý làm sao cho mọi việc đều tốt đẹp. Nếu không khéo léo họ sẽ bị mang tiếng hoặc là bất hiếu khi bênh vợ hoặc bạc nhược khi đứng về phía mẹ.

Thông thường mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sẽ thiếu cảm giác thân thiện bởi giữa họ không có mối liên hệ ruột thịt, ngoài ra sự khác biệt về ý thức sống, tính cách và ứng xử khác nhau sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn giữa hai bên.

Như bạn nói, vợ chồng bạn thời gian đầu sống với mẹ không có mâu thuẫn gì đặc biệt, cho đến sau khi vợ bạn sinh con thì mọi thứ mới bắt đầu nảy sinh. Trong trường hợp này, tôi đoán có thể vì mấy lý do sau:

- Đầu tiên mâu thuẫn thường xảy ra do việc vợ bạn sinh con xong, tâm sinh lý có sự biến đổi nên cô ấy dễ cáu gắt và mệt mỏi. Còn mẹ bạn, sau khi bố bạn không còn, bà sẽ cô đơn và dễ tủi thân. Hai sự đối lập này gặp nhau nên sự nảy sinh bất đồng là điều có thể hiểu được

- Điều thứ hai là có thể tính đến sự tranh chấp về quyền quyết định trong gia đình. Có thể trước đây khi vợ bạn chưa về ngôi nhà này thì mọi công việc trong gia đình đều do mẹ bạn phụ trách, nhưng sau khi vợ bạn đến có thể tình hình đã thay đổi, quyền lực và địa vị của bà trong nhà không còn tối cao như trước. Vì vậy nên tâm lý bà sẽ có bất mãn và căng thẳng.

- Thứ ba, chuyện nuôi dạy giáo dục con cái cũng là một nguyên nhân. Sự khác biệt về thói quen sinh hoạt, ở môi trường nuôi dạy khác nhau nên khi hai thế hệ cùng sống chung với nhau sẽ nảy sinh vấn đề.

Vì vậy, với vai trò là người đứng giữa, bạn cần tìm hiểu rõ những nguyên nhân để có cách ứng xử phù hợp, tránh đứng ngoài cuộc hay im lặng bởi như vậy chỉ làm cho mâu thuẫn trầm trọng hơn và bạn giống như người không có trách nhiệm trong gia đình. Nhưng cũng không vì thế mà chọn cách bênh vợ hoặc mẹ để làm cho người còn lại cảm thấy bị tổn thương.

Trên thực tế, bạn là người sống với cả hai người phụ nữ nên sẽ hiểu rõ nhất cả vợ và mẹ mình, vì vậy bạn cũng phải nhận thức được rằng mình là người duy nhất có thể phá tan những khoảng cách giữa mẹ và vợ. 

Bạn nên có vai trò khách quan và có quan điểm riêng, cần phân biệt đúng sai lúc nào và thời điểm nào cần nói riêng với từng người, thời điểm nào cần nói chung trước mặt cả hai. Có như vậy họ mới thêm nể trọng bạn và có thể vì thế mà cảm thông chia sẻ với nhau hơn.

Với tâm lý của mẹ và vợ bạn hiện nay, nhu cầu lớn nhất của họ là được nói ra những bức xúc của mình về người còn lại. Vì vậy bạn nên cố gắng nghe cả hai, đôi khi họ cũng chỉ muốn được nói để giải tỏa chứ không nhất thiết phải bắt bạn phải phán quyết ai đúng ai sai. 

Bạn hãy chia sẻ để vợ hiểu rằng cho dù thế nào thì mẹ là người sinh ra và nuôi nấng bạn, bà cũng là người thiệt thòi bởi bố bạn không còn bên cạnh và chỉ còn bạn làm chỗ dựa. Hãy nhẹ nhàng nói để cô ấy hiểu rằng, với vai trò là con dâu, vợ đừng quá cố chấp để phân biệt đúng sai mà hãy học cách tôn trọng và hiểu bà hơn vì bà cũng đã nhiều tuổi.

Còn với mẹ bạn, bạn nên chia sẻ để giúp bà hiểu rằng bà cũng đã từng trải qua cảm giác làm dâu và sinh con nên cũng hiểu phần nào những khó khăn của con dâu. 

Hãy khơi gợi lại những tính cách tốt đẹp của vợ bạn để cho mẹ phần nào bớt đi những ác cảm về vợ và làm sao để mẹ cảm thấy bà vẫn luôn quan trọng đối với con trai. Chắc chắn bà cũng không muốn con trai mình bị rơi vào hoàn cảnh khó xử.

Chúc bạn sớm giải quyết được vấn đề này.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.