Tham dự có nhà khoa học, đại diện các viện, trường, doanh nghiệp, lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành trong vùng và hơn 160 nông dân các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh…
Theo ông Trần Văn Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Diễn đàn được mở ra nhằm thảo luận, trao đổi và đề ra những định hướng phát triển bền vững mô hình sản xuất lúa - tôm trong thời gian sắp tới…
Với chủ đề: “Giải pháp nâng cao tính bền vững của mô hình canh tác lúa - tôm vùng ĐBSCL”, diễn đàn đã thảo luận sôi nổi cùng đưa ra nhiều giải pháp mang tính bền vững như: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng tôm lúa ở vùng ĐBSCL đến năm 2020 - 2030, hướng tới việc quy hoạch phải mang tính chủ động, thích ứng kịp với những thay đổi do biến đổi khí hậu và tình trạng xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực sản xuất và quản lý tốt chất lượng tôm giống. Chọn ra và tạo được các giống lúa có khả năng chịu mặn ở môi trường cao hơn 5 phần ngàn và có thời gian sinh trưởng ngắn.
Đào tạo, tập huấn, cung cấp tài liệu kỹ thuật, xây dựng mô hình ương nuôi tôm giống đến người dân để nhân rộng, phát huy hiệu quả mô hình ương nuôi tôm giống trước khi thả nuôi.
Điều chỉnh, bổ sung một số chính sách liên quan đến hỗ trợ nông dân vùng sản xuất tôm bị thiệt hại do thiên tai; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Tăng cường đầu tư hạ tầng cấp - thoát nước, hệ thống quan trắc môi trường đảm bảo quản lý chất lượng nước phù cho con tôm, cây lúa…