Vĩnh Phúc: Bất thường việc áp thang điểm thi tuyển giáo viên

GD&TĐ - Việc áp thang điểm thiếu đồng nhất giữa các huyện trong tỉnh khiến nhiều thí sinh và dư luận nghi ngờ có tiêu cực trong kỳ thi tuyển giáo viên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều thay đổi

Tại huyện Bình Xuyên, kết quả công bố điểm thi và công bố câu trả lời đúng cách nhau 10 ngày. Nhiều thí sinh đạt hơn 50/100 điểm vẫn bị trượt.
Tại huyện Bình Xuyên, kết quả công bố điểm thi và công bố câu trả lời đúng cách nhau 10 ngày. Nhiều thí sinh đạt hơn 50/100 điểm vẫn bị trượt.

Năm 2020, nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức kỳ thi tuyển viên chức giáo viên các bậc mầm non, tiểu học và THCS. Đây là niềm vui lớn của các giáo viên hợp đồng và sinh viên ngành sư phạm vì sau nhiều năm, Vĩnh Phúc mới có kỳ thi tuyển với quy mô lớn như vậy. Kỳ thi cũng giúp cho nhiều trường sớm ổn định đội ngũ giáo viên, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Năm 2017, việc thi tuyển giáo viên được thực hiện thống nhất ở cấp tỉnh từ khâu ra đề, ngày thi, chấm thi đối với tất cả các địa phương. Nhưng năm 2020, việc tuyển dụng giáo viên được giao về cho các địa phương (UBND các huyện, thành phố) tự thực hiện.

Về nội dung thi, có sự giống nhau cơ bản giữa 2 năm. Thí sinh đều phải thực hiện các phần thi về kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học và thi nghiệp vụ chuyên ngành. Năm 2020, các thí sinh sẽ trải qua hai vòng thi. Vòng thứ nhất bao gồm các môn ngoại ngữ, tin học, kiến thức chung. Sau khi các thí sinh trải qua vòng 1 đáp ứng đủ các điều kiện mới được tiếp tục thi vòng 2. Vòng 2 gồm môn nghiệp vụ chuyên ngành.

Về cách tính thí sinh đỗ vòng thi điều kiện đã có sự thay đổi nếu so sánh giữa năm 2017 và 2020. Cụ thể, năm 2017, đối với các môn thi điều kiện bao gồm kiến thức chung, ngoại ngữ, tin học, thang điểm được tính là 100 cho từng môn thi. Thí sinh đạt 50 điểm trở lên ở tất cả các môn thì được gọi là đỗ.

Năm 2020, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã có hiệu lực.

Theo Nghị định 161, kết quả môn thi không phụ thuộc vào điểm số mà phụ thuộc vào số câu trả lời đúng trong từng phần thi. Thí sinh đạt từ 50% số câu trả lời đúng trong từng phần thi sẽ được tính là đạt và đủ điều kiện thi tiếp vòng 2.

Như vậy, khi công bố kết quả thi vòng điều kiện, các đơn vị bắt buộc phải công bố số câu trả lời đúng trong từng môn thi để thí sinh biết là mình trượt hay đỗ và có kế hoạch ôn tập thi tiếp vòng 2.

Có bất thường?

Năm 2017, kết quả thi tuyển dụng giáo viên so với chỉ tiêu được giao là 309/666 = 46,4%. Tỷ lệ trúng tuyển giáo viên tiểu học so với chỉ tiêu là 240/317 = 75,7%.  Tỷ lệ trúng tuyển giáo viên mầm non so với chỉ tiêu là 69/349 = 19,77%.
Đối với kết quả tuyển dụng giáo viên mầm non, một số đơn vị có tỷ lệ trúng tuyển so với chỉ tiêu tuyển dụng rất thấp. Cụ thể: Thành phố Vĩnh Yên 22 chỉ tiêu nhưng chỉ có 2 người trúng tuyển, tương đương với 9%. Huyện Tam Đảo 28 chỉ tiêu có 4 người trúng tuyển. Huyện Yên Lạc 42 chỉ tiêu, có 6 người trúng tuyển. Huyện Vĩnh Tường, 60 chỉ tiêu, có 12 người trúng tuyển…
Cá biệt, tại Hội đồng Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc lấy 16 chỉ tiêu giáo viên mầm non nhưng không có thí sinh nào trúng tuyển.

Do việc thi tuyển giáo viên năm 2020 được giao cho các huyện, thành phố thực hiện nên việc ra đề, chấm thi đều được các huyện thuê đơn vị độc lập đứng ra đảm nhiệm khâu này. Nhiều địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc đã chọn Trường CĐ Vĩnh Phúc là đơn vị ra đề và chấm thi.

Sau khi chấm thi, kết quả được Trường CĐ Vĩnh Phúc chuyển cho các địa phương công bố kết quả. Sẽ không có gì để nói nếu việc áp thang điểm các môn thi ở vòng thi điều kiện tại các địa phương là đồng nhất. Tuy nhiên, tại kỳ thi tuyển giáo viên mầm non của huyện Bình Xuyên, Trường CĐ Vĩnh Phúc đã chuyển kết quả điểm thi cho huyện có sự khác biệt với địa phương khác khiến nhiều thí sinh và dư luận đặt nghi vấn có tiêu cực tại kỳ thi này.

Cụ thể, kết quả thi đã được công bố ở một số huyện thì điểm thi được công bố cùng với số câu trả lời đúng. Thang điểm được tính là 100 cho từng môn thi, thí sinh đạt 50% số câu trả lời đúng sẽ tương ứng với 50 điểm của môn thi. Như vậy, nếu nhìn vào điểm số, không cần xem số câu trả lời đúng thì thí sinh cũng biết mình trượt hay đỗ.

Tuy nhiên, tại kỳ thi tuyển giáo viên mầm non huyện Bình Xuyên, ban đầu chỉ công bố điểm của các môn thi mà không công bố câu trả lời đúng. Nhiều thí sinh đạt trên 50 điểm thi đã tưởng rằng mình đỗ nhưng khoảng 10 ngày sau lại xác định là bị trượt do thời điểm này huyện công bố số câu trả lời đúng và những thí sinh này không đạt 50% số câu trả lời đúng.

Chính vì sự bất thường, thiếu đồng nhất trong áp thang điểm này mà dư luận đã đồn đoán rằng Trường CĐ Vĩnh Phúc đã cố tình dồn điểm vào các câu hỏi dễ để tăng tỷ lệ thí sinh đỗ vòng điều kiện.

Để làm rõ những bất thường này, Báo GD&TĐ đã nhiều lần liên hệ với ông Trần Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường CĐ Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần liên hệ, phóng viên chỉ nhận được những lời hứa hẹn làm việc từ ông hiệu trưởng này.

Có điều, trong một lần liên hệ qua điện thoại, ông Tùng cho biết: “Về cơ bản là không có vấn đề gì. Đó là lỗi kỹ thuật và anh đã làm bản gửi cho các đơn vị yêu cầu gỡ điểm thi xuống. Một số thí sinh ban đầu cũng có ý kiến nhưng đến giờ có gì nữa đâu...”. Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu được tiếp cận với văn bản này thì ông Tùng lại tiếp tục hứa hẹn, khất lần.

Báo GD&TĐ sẽ tiếp tục thông tin về nội dung này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.