Bốn cựu cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội bị khởi tố: Trách nhiệm của người đứng đầu?

GD&TĐ - Việc 4 cựu cán bộ của Bệnh viện Tim Hà Nội vừa bị khởi tố, bắt giam, dư luận cho rằng cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu bệnh viện này.

Bốn cựu cán bộ của Bệnh viện Tim Hà Nội vừa bị khởi tố, bắt giam.
Bốn cựu cán bộ của Bệnh viện Tim Hà Nội vừa bị khởi tố, bắt giam.

Giám đốc bệnh viện có buông lỏng quản lý?

Điều khiến dư luận quan tâm đó là, thời điểm xảy ra sai phạm, người đứng đầu Bệnh viện Tim Hà Nội là ông Nguyễn Quang Tuấn – giữ chức vụ Giám đốc từ năm 2012 đến tháng 3/2020. Hiện ông Tuấn đang là đương kim Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, và cũng là ứng cử viên nằm trong danh sách ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Do thời điểm xảy ra sai phạm, ông Tuấn đang là Giám đốc nên dư luận cho rằng, ngoài 4 người đã bị khởi tố, bắt giam thì cơ quan chức năng cũng cần làm rõ trách nhiệm quản lý của ông Tuấn khi để xảy ra những sai phạm này.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Bùi Thị An – nguyên ĐBQH khóa 13, nêu quan điểm: “Chúng tôi rất muốn cơ quan chức năng làm rõ, liệu có liên quan đến người đứng đầu của tổ chức trong giai đoạn ấy không? Vì nguyên tắc, ông là người đứng đầu bệnh viện phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, người ở dưới chỉ là người được phân cấp”.

Cũng theo bà An, qua thông tin báo chí bà được biết, giai đoạn xảy ra những sai phạm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, người đứng đầu là ông Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc.

“Hiện ông Tuấn đang nằm trong danh sách ứng cử ĐBQH khóa 15, nên cử tri mong muốn Bộ Công an cũng như Hội đồng bầu cử Quốc gia làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan, để không làm oan cán bộ cũng như để trước kỳ bầu cử người dân có sự lựa chọn đúng đắn hơn” – bà An cho biết.

Luật sư Bùi Phan Anh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cũng đưa ra quan điểm: Bệnh viện Tim Hà Nội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế Hà Nội. Do vậy, Giám đốc là người đứng đầu bệnh viện và chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách cũng như các khoản thu, chi trong bệnh viện nhằm đảm bảo tiết kiệm tốt nhất cho ngân sách sách nhà nước.

“Việc để xảy ra sai phạm trong công tác đầu thầu tại các gói thầu mua sắm trong bệnh viện, ngoài những người phải chịu trách nhiệm trực tiếp, Giám đốc bệnh viện cũng không thể không liên quan, ít nhất là trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý, mới để xảy ra những sai phạm nghiệm trọng trong đơn vị như vậy” - Luật sư Bùi Phan Anh phân tích.

Khởi tố, bắt giam 4 cựu cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội

Ngày 13/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, khám xét và bắt bị can để tạm giam đối với 7 người để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bồn đối tượng của Bệnh viện Tim Hà Nội bị khởi tố, bắt giam gồm: Hoàng Thị Ngọc Hưởng (SN 1961), nguyên Phó Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng mua sắm, Tổ trưởng Tổ thẩm định đấu thầu Bệnh viện Tim Hà Nội; Nguyễn Thị Dung Hạnh (SN 1969), nguyên Kế toán trưởng, Ủy viên Hội đồng mua sắm, Thành viên Tổ thẩm định đấu thầu Bệnh viện Tim Hà Nội; Đoàn Trọng Bình (SN 1960), nguyên Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Vật tư, Ủy viên Hội đồng mua sắm, Thành viên Tổ thẩm định Bệnh viện Tim Hà Nội; Nghiêm Tuấn Linh (SN 1980), nguyên Phó Trưởng phòng Vật tư, Thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu Bệnh viện Tim Hà Nội.

Ngoài ra, còn có Trần Phú Hưng (SN 1976), Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam; Nguyễn Hồng Dũng (SN 1982), Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng, Thẩm định viên; Nguyễn Trung Dũng (SN 1989), Chuyên viên thẩm định Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC-Việt Nam.

Theo cơ quan Công an, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can các đối tượng nêu trên xuất phát từ kết quả điều tra xác minh tin báo tố giác về một số hành vi có dấu hiệu tội phạm, xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị liên quan trong việc đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh.

Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan Công an xác định, một số lãnh đạo, cán bộ tại Bệnh viện Tim Hà Nội là Ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu, thành viên Tổ thẩm định đấu thầu và một số cán bộ Công ty Cổ phần Đầu tư và Định giá AIC - Việt Nam đã có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu trong việc mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội, làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của công tác khám chữa bệnh, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Trước đó, Cơ quan điều tra đã cử cán bộ đến làm việc với Bệnh viện Tim Hà Nội, đề nghị cung cấp tài liệu liên quan quy chế hoạt động làm việc, quy chế thu chi tài chính của đơn vị này. Bệnh viện Tim Hà Nội cũng được yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến việc thực hiện đấu thầu mua sắm thiết bị và quá trình thực hiện hợp đồng đối với gói thầu trang thiết bị y tế, vật tư y tế, trong đó có vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch từ năm 2015 đến nay. 

Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai vào tháng 3/2020, ông Nguyễn Quang Tuấn đã có gần 8 năm làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội (từ năm 2012-2020). Ngoài ra, ông Tuấn còn là ĐBQH khóa 14 thuộc đoàn ĐBQH TP Hà Nội, hiện ông cũng là ứng cử viên nằm trong danh sách ứng cử ĐBQH khóa 15.

Bệnh viện Tim Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 6863/QĐ-UB ngày 15/11/2001 của UBND TP Hà Nội. Là đơn vị sự nghiệp có thu, tự hạch toán toàn bộ chi phí hoạt động, hoạt động theo Quy chế hoạt động được ban hành theo Quyết định số 3251/QĐ-UBND ngày 20/5/2005 của UBND Thành phố Hà Nội. Ngày 3/12/2014, UNND Thành phố Hà Nội ban hành quyết định số 6438/QĐ-UBND về việc tổ chức lại Bệnh viện Tim Hà Nội trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Y tế công nghiệp Hà Nội vào Bệnh viện Tim Hà Nội. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ