Nhà thơ Lê Thanh My: Thơ là vòng tay rộng mở…

Nhà thơ Lê Thanh My: Thơ là vòng tay rộng mở…

Từ vẻ đẹp nơi sâu thẳm…

Lần đầu tiên gặp nhà thơ Lê Thanh My tại Hà Nội, chị tặng tôi một tập thơ cũng nhỏ bé và dễ thương như chính con người chị vậy. Tập thơ vỏn vẹn có hơn 70 trang, với đầu đề “Những người thương nhớ dắt nhau đi”, như một thông điệp muốn gieo vào thế giới này, như chính lối sống và phong cách thơ của chị.

“Sự tinh tế trong từng câu chữ ngày càng thể hiện rõ hơn trong thơ Lê Thanh My khi ta có trong tay một tập thơ trọn vẹn của chị và đọc. Những câu thơ nếu đọc vào buổi sáng hay chiều có thể ta sẽ thấy bình thường, nhưng khi đọc vào buổi đêm, bất ngờ lóe sáng trong một satna (ksana - tạm dịch: tích tắc - PV) nào đó. Đó là những lóe sáng của người phụ nữ ở vào độ tuổi trung niên.

Giống như ta nghe nhạc Trịnh Công Sơn vào giữa khuya ngày đông đang dần đến Giáng sinh, thấp thoáng đâu đó trong sự liên tưởng của ta là những nốt nhạc trắng, vô cùng thánh thiện.

Và có nhiều phụ nữ sẽ bắt gặp tâm trạng mình khi đọc được những trang thơ của Lê Thanh My, một nhà thơ nữ đã thành danh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung” – nhà văn Vũ Hồng đã viết về sắc màu thơ Lê Thanh My như thế.

Dù ở tuổi trung niên, nhưng tôi cho rằng trường thơ của Lê Thanh My đang ở độ sung mãn nhất, giống như sự bền bỉ và sức cuốn hút từ vẻ đẹp sâu thẳm nơi người phụ nữ ấm áp đó. Ấm áp và xiết bao nồng nhiệt từ một nguồn năng lượng chìm sâu. Không thế, thì sao có thể có những dòng thơ thế này:

“Hoa nở trong lồng ngực tuyết

Vẫn ngẩng cao đầu tươi xinh

Em nghĩ về ngày sau của chúng mình

Có nụ mầm nào vươn ra khi khát khao đã tắt?”…

Phụ nữ tuổi trung niên thường có xu hướng co lại trong cái tổ ấm áp để gìn giữ sự an toàn và yên ả trong cảm giác được bảo vệ. Nhưng vô hình trung, sự yên ổn đó có thể giết chết sức sáng tạo, ngăn chặn mọi cảm giác sung sướng của năng lượng được giải phóng khi can đảm đối diện với cái mới, cái chưa biết, cái rủi ro, để bóc vỏ chính mình và sống căng tràn từng giây phút.

Lê Thanh My không như thế, chị cởi mở, sẵn sàng đón nhận và cho đi tình cảm, thời gian của chị, để cùng tận hưởng những điều mới lạ mà cuộc sống mang lại mỗi ngày, chỉ dành cho người dám đối diện và dám sống.

Có lần, khi bạn văn từ nước ngoài đến Thành phố Hồ Chí Minh, dù đang ở tận An Giang, nhưng Thanh My vẫn lập tức lặn lội đường xa đến gặp bạn văn, đưa bạn đi khắp thành phố và tự hào giới thiệu với bạn những nét đẹp, nét đặc trưng của nơi này.

Những trải nghiệm với bạn văn nước ngoài, dù ở chính đất nước quê hương mình cho Thanh My những ý tưởng mới mẻ, để không gian thơ của chị được nới rộng kích cỡ.

Tập thơ “Những người thương nhớ dắt nhau đi” của nhà thơ Lê Thanh My.
 Tập thơ “Những người thương nhớ dắt nhau đi” của nhà thơ Lê Thanh My.

Tới không gian thơ rộng mở

Thơ chính là vòng tay yêu thương và tin tưởng mà Lê Thanh My mở ra với thế giới đầy sắc màu này. Mùa đông năm 2019, chị cùng 12 nhà thơ Việt Nam đã sang Busan (Hàn Quốc) để giao lưu và giới thiệu thơ Việt với bạn Hàn. Chuyến đi cho chị những kỷ niệm sâu sắc, và thôi thúc chị tiếp tục nới rộng kích cỡ không gian thơ mình.

Rất tiếc, chị và đa số các nhà thơ trong đoàn chưa có tập thơ nào trọn vẹn được dịch tiếng Hàn Quốc hoặc tiếng Anh để bạn thơ và độc giả Hàn Quốc có thể đọc và thưởng thức vẻ đẹp thơ ca Việt Nam. Bản thân Thanh My chỉ kịp in vội chừng dăm chục tập thơ mỏng với 10 bài thơ được dịch sang tiếng Anh để trao tặng cho bạn thơ và độc giả Hàn Quốc.

Lê Thanh My nhận thấy nỗi mong mỏi của bạn đọc Hàn Quốc khi tiếp xúc với nhà thơ Việt Nam, được hiểu, được thấm giọng điệu và ý tưởng thơ Việt Nam. Nhưng do ngôn ngữ bất đồng, việc dịch thơ hai bên còn hạn chế, nên nỗi khao khát này đành nén lại.

Khi về Việt Nam, Lê Thanh My đã có một quyết tâm, rằng chị sẽ tự đầu tư để dịch một tuyển thơ Lê Thanh My sang tiếng Anh, như một thẻ căn cước thơ của riêng chị, để ra với thế giới, để có thể tự hào rằng thơ tôi đây, thơ Lê Thanh My của Việt Nam.

Nhà thơ Hàn Quốc J.W.Song, đã trở thành bạn của Lê Thanh My sau chuyến chị thăm Busan và càng thân thiết với chị hơn khi ông đến Thành phố Hồ Chí Minh được chị dẫn đi thăm nhiều nơi thú vị. Nhà thơ J.W.Song đề nghị sẽ dịch thơ Lê Thanh My từ tiếng Anh sang tiếng Hàn để giới thiệu một “tinh tế thơ My” với độc giả Hàn Quốc trọn vẹn hơn.

Có lẽ, đây là một điều kỳ diệu dành cho nữ thi sĩ Lê Thanh My trong năm 2020 này. Thơ là vòng tay rộng mở với thế giới, và vòng tay ấm áp yêu thương của chị, tôi tin, sẽ được độc giả Hàn Quốc, cũng như ở bất cứ quốc gia nào nồng nhiệt đón nhận.

Nhà thơ Lê Thanh My sinh sống tại Châu Đốc, An Giang; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Chị đã xuất bản một số tác phẩm: “Mơ hoa” (1992); “Cho một người mãi xa” (2000); “Phận lá”((2002);“Trong ngôi nhà ký ức” (2005); “Trôi” (2007); “Lặng im lên tiếng” (2011); “Cúi nhặt”(2015); Trường ca “Từ sông ra biển” (2017); “Những người thương nhớ dắt nhau đi” (2018).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ