Nguyễn Đức Chiến: “Vũ khí hạng nặng” trong tay ông Park

Nguyễn Đức Chiến:  “Vũ khí hạng nặng” trong tay ông Park

Phát hiện bất ngờ

Chiến tích của đội U22 đã thỏa cơn khát vàng của bóng đá Việt Nam trên đấu trường khu vực. “Những chiến binh sao vàng” đã có một giải đấu quả cảm, nhưng điều mà tất cả phải thừa nhận, màn trình diễn đó là thành quả ngọt ngào của những gì ẩn bên trong khối óc của Park Hang Seo - người được mệnh danh là “Phù thủy”.

Thực ra, ông Park không phải là “Phù thủy” cho đến trước khi tới Việt Nam. Mà cũng phải sau một thời gian làm việc, biệt danh đó mới xuất hiện. Ít người biết được rằng, biệt danh của HLV 60 tuổi này là “Rice Dink”, với ý nghĩa là “Guus Hiddink của xứ sở mì gạo”. Park Hang Seo từng làm trợ lý cho HLV danh tiếng người Hà Lan tại World Cup 2002.

Chức vô địch SEA Games 30 chính là nấc thang nữa của HLV Park Hang Seo với bóng đá Việt Nam, trước đó ông dẫn dắt đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi. Với SEA Games thì xa hơn, 31 năm hay 60 năm, tùy theo đánh giá trong từng hoàn cảnh, nhưng đó chính xác là sự khẳng định phẩm chất của “Phù thủy”. “Phù thủy Park Hang Seo, huyền thoại bóng đá Việt Nam” là cách mà chính người Hàn Quốc gọi ông trong cuốn sách xuất bản hồi tháng 5 vừa qua. Lời giới thiệu của tác giả Lee Tae Woo có lẽ là đủ để hiểu “phép thuật” của thầy Park mang đến cho bóng đá Việt Nam.

“Phép thuật” của ông Park ở đây nhìn bề ngoài có vẻ rất đơn giản, song gần như các quyết định của ông luôn ẩn chứa sự màu nhiệm. Lựa chọn 2 cầu thủ quá tuổi cho đội hình U22 Việt Nam tham dự SEA Games 30, sao không phải là Đặng Văn Lâm danh tiếng, thi đấu chói sáng trong khung thành hay Văn Toàn, Công Phượng cho hàng công non trẻ, chịu nhiều điều tiếng như Đức Chinh? Thay vào đó lại là Hùng Dũng, cầu thủ sau đó thi đấu cực kỳ thành công trong vai trò tiền vệ trung tâm và Trọng Hoàng, người chơi như một chiến binh trong bất cứ vị trí nào, ở tất cả các trận chiến trên đất Philippines.

U22 Việt Nam đến SEA Games 30 với bộ khung khá ổn định, ngoài chút lo ngại trong khung thành, Tiến Dũng hay Văn Toản bắt chính. Ở giữa sân, Đỗ Hùng Dũng chắc chắn một suất nên việc chọn người đá cặp cùng tiền vệ của CLB Hà Nội tưởng như là bài toán thuộc hạng xoàng với ông Park. Thế nhưng, lần lượt Thanh Sơn, Việt Hưng hay Thái Quý đều không mang đến sự an toàn cần thiết cho khu vực giữa sân.

Trong tình thế không còn tiền vệ nào để gia cố tuyến giữa, một lần nữa, HLV Park Hang Seo cho thấy sự vĩ đại của mình khi đẩy Nguyễn Đức Chiến từ hàng phòng ngự lên đá tiền vệ trụ. Ngay lập tức, cầu thủ của Viettel nhanh chóng thích nghi với vai trò mới, trở thành mảnh ghép còn thiếu để làm nên sự hoàn hảo cho cỗ máy giàu tiềm năng U22 Việt Nam.

Thi đấu ngay trước bộ 3 trung vệ của U22 Việt Nam, cầu thủ thuộc biên chế của CLB Viettel có nhiệm vụ thu hồi bóng, đánh chặn từ xa đối với những tình huống tấn công trung lộ, đồng thời di chuyển theo chiều ngang sân, hỗ trợ các tình huống dâng cao vây hãm đối thủ của U22 Việt Nam.

Theo kết quả bốc thăm, U23 Việt Nam nằm bảng D VCK U23 châu Á 2020, cùng các đội CH DCND Triều Tiên, UAE và Jordan. Theo điều lệ, 3 đội xuất sắc nhất tại giải cùng chủ nhà Nhật Bản là 4 đại diện của châu Á tham dự Olympic 2020. Theo lịch công bố của BTC, VCK U23 châu Á 2020 diễn ra từ ngày 8/1 đến 26/1/2020 tại 4 SVĐ là Chang Arena (Buriram), SVĐ Rajamangala (Bangkok), SVĐ Thammasat (Pathum Thani) và SVĐ Tinsulanonda (Songkhla) ở Thái Lan.

Thực tế, Đức Chiến đã chứng minh mình hoàn toàn xứng đáng với niềm tin mà HLV Park đặt trọn. Anh phát huy được toàn bộ kỹ năng cản phá, thu hồi bóng và phát động tấn công, tham gia hầu hết vào các tình huống đánh chặn, cản phá thành công các tình huống tổ chức lên bóng của đối phương, trở thành lá chắn thép trước hàng phòng ngự của U22 Việt Nam.

Từ khi Đức Chiến đá chính trong vai trò tiền vệ phòng ngự, chính xác là từ vòng bán kết, lối chơi của U22 Việt Nam chắc chắn và mạnh mẽ hơn. Các học trò của ông Park bùng nổ với 7 bàn thắng và không để lọt lưới bàn nào trong 2 trận vòng knock-out. Sự chắc chắn ngay từ vòng tròn trung tâm, với một Đức Chiến mạnh mẽ và chính xác, đã giúp cho U22 Việt Nam phá vỡ gần như tất cả các ý đồ tấn công từ phía U22 Indonesia trong trận chung kết; Hùng Dũng không còn gánh trên hai vai trọng trách phòng ngự. Tiền vệ của Hà Nội FC có điều kiện dâng cao hỗ trợ tấn công, dứt điểm từ xa, tạo được sức ép đáng kể từ tuyến 2 lên hàng phòng ngự đối thủ. Nhờ đó, U22 Việt Nam dễ dàng phong tỏa và bóp nghẹt Indonesia trong trận chung kết bằng tỷ số 3-0.

Thực ra, đầu năm 2019, Đức Chiến đã được HLV Park Hang Seo triệu tập vào danh sách U23 Việt Nam tham dự vòng loại U23 châu Á 2020. Tuy nhiên, cầu thủ sinh năm 1998 không được thi đấu phút nào và phải đến SEA Games 30 với 2 trận đấu ấn tượng ở vòng knock-out, Đức Chiến mới thực sự bước ra ánh sáng nhờ quyết định tài tình của ông thầy người Hàn.

Đức Chiến mang đến lối chơi cơ bắp cho tuyến giữa vốn thường xuyên đánh mất sự chắc chắn do Hùng Dũng quá đơn độc. U22 Việt Nam từng đánh mất tuyến giữa, “run rẩy” trong những cuộc đối đầu Indonesia và Thái Lan (vòng bảng). Nhưng từ khi có Đức Chiến, đối thủ chỉ còn biết triển khai bóng cầu may, bất lực trong công cuộc tìm đường đến khung thành thủ môn Văn Toản.

Cầu thủ học Quản trị kinh doanh

Nguyễn Đức Chiến sinh ngày 24/8/1998 tại Hải Dương, cao 1m80 và nặng 77 kg, thi đấu ở vị trí trung vệ và thuộc biên chế CLB Viettel. 11 tuổi Chiến vô địch giải U11 toàn quốc; 14 tuổi được đào tạo tại Trung tâm Thể thao Viettel; 17 tuổi cùng đội 1 Viettel đá giải hạng Nhì; 18 tuổi đeo băng đội trưởng U19 Viettel dự VCK U19 Quốc gia; 19 tuổi cùng U20 Việt Nam chuẩn bị cho FIFA U20 World Cup 2017; 20 tuổi Chiến cùng Viettel vô địch hạng Nhất và giành quyền lên

V-League. Hành trình thuận lợi và suôn sẻ ấy khiến cho Đức Chiến là cầu thủ ít được nhắc đến, ngay cả khi anh có tên trong thành phần U23 Việt Nam tham dự vòng loại châu lục. Thậm chí, một năm trước, tìm kiếm Đức Chiến qua google còn rất khó, thông tin ít ỏi.

Ngay trong năm đầu tiên chơi ở V-League, Đức Chiến đã có màn trình diễn ấn tượng bên cạnh 2 tuyển thủ quốc gia là Bùi Tiến Dũng và Quế Ngọc Hải, góp phần đưa Viettel về đích ở vị trí thứ 6 chung cuộc. Không chỉ đá tốt trong vai trò trung vệ, khi Quế Ngọc Hải nghỉ thi đấu, Đức Chiến để lại dấu ấn sâu đậm khi được bố trí đá tiền vệ phòng ngự trong phần lớn giai đoạn 2.

Với chốt chặn Đức Chiến trẻ trung, khao khát thể hiện và bên dưới là cặp trung vệ tuyển thủ quốc gia, Bùi Tiến Dũng và Quế Ngọc Hải, đội bóng quân đội đã thi đấu hiệu quả trong giai đoạn lượt về để có mặt ở nửa trên bảng xếp hạng, cho dù trong mùa giải 2019, đội bóng Viettel đối mặt không ít bất ổn, từ việc thay tướng cho đến nhân sự cầu thủ.

Kết thúc V-League 2019, cầu thủ quê Hải Dương thi đấu 24/26 vòng, 2.135 phút thi đấu, 1 bàn thắng từ cú sút xa, 3 đường kiến tạo thành bàn cho các đồng đội, đó thật sự là thống kê ấn tượng về Đức Chiến khi anh mới chỉ 21 tuổi. Không chỉ đá bóng hay, Đức Chiến còn là mẫu cầu thủ ham học.

Nếu các cầu thủ khác bước vào trường đại học với chuyên ngành về thể dục thể thao thì chàng trai quê hương Hải Dương đã thi đỗ Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Đức Chiến hiện đang là sinh viên năm nhất của lớp đào tạo đặc biệt, đảm bảo vừa đá bóng vừa có thể học tập trong các ngày nghỉ.

U23 Việt Nam bước đến VCK U23 châu Á 2020 với rất nhiều thay đổi về nhân sự. Ông Park không còn được bổ sung những cầu thủ quá tuổi như ở SEA Games. So với đội hình làm nên lịch sử 2 năm trước ở Thường Châu (Trung Quốc), U23 Việt Nam hiện nay không còn Công Phượng, Văn Đức, Văn Thanh, Đức Huy…

Trong khi đó, về tính chất, VCK U23 châu Á 2020 sẽ khốc liệt và căng thẳng hơn nhiều so với năm 2018, bởi nó sẽ xác định 3 suất tham dự Olympic 2020 tại Nhật Bản. Chỉ trong thời gian ngắn, sau chiến tích HCV SEA Games 30, ông Park cần nhanh chóng hình thành bộ khung với rất nhiều mảnh ghép mới cho cuộc đua ở sân chơi châu lục.

HLV Park Hang Seo đặc biệt thích những cầu thủ đa năng và có tinh thần chiến đấu không biết sợ, không lùi bước trước khó khăn. Đức Chiến hội tụ cả hai điều phẩm chất và đặc biệt, anh đã thể hiện được khi cơ hội đến như tại SEA Games 30 vừa qua. Với kỹ năng tranh chấp tay đôi tốt, chuyền chính xác ở cả cự ly trung bình và dài, Đức Chiến được coi là vũ khí lợi hại, thậm chí có phần bí ẩn, của ông thầy người Hàn trong xây dựng chiến thuật và con người cho đội U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2020.

Video hỗ trợ trọng tài (VAR) đã trở thành công cụ quan trọng được FIFA và nhiều liên đoàn thành viên sử dụng để nâng cao chất lượng và sự công bằng cho các trận đấu. Theo thông tin mới được AFC xác nhận, VAR sẽ được sử dụng trong toàn bộ 32 trận đấu ở VCK U23 châu Á 2020. Đây là quyết định lịch sử bởi VCK U23 châu Á 2020 sẽ trở thành giải đấu đầu tiên ở châu Á áp dụng VAR trong tất cả các trận đấu. AFC muốn bảo đảm sự công bằng cao nhất bởi giải đấu này cũng sẽ xác định 3 tấm vé tham dự Olympic Tokyo 2020. Giống như các giải đấu lớn, VAR ở VCK U23 châu Á 2020 sẽ chỉ được sử dụng để kiểm tra 4 quyết định cơ bản là bàn thắng, phạt đền, thẻ đỏ và quyết định sai. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM tìm việc làm tại ngày hội tuyển dụng của các doanh nghiệp Hàn Quốc, tháng 4/2024. Ảnh: HUTECH

Doanh nghiệp 'săn' sinh viên giỏi dịp hè

GD&TĐ - Các trường đại học liên tục tổ chức ngày hội tuyển dụng với hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn vị trí việc làm hấp dẫn cho sinh viên trong dịp hè.