Nguy hiểm lớn từ rác vũ trụ

GD&TĐ - Các mảnh thiết bị do con người tạo ra trôi nổi trên quỹ đạo trở thành mối nguy hiểm không chỉ đối với các vệ tinh nhân tạo mà cả đối với con người trên Trái đất.  

Nguy hiểm lớn từ rác vũ trụ

Cùng với sự khởi đầu kỷ nguyên vũ trụ, khi ngày 4/10/1957, vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik 1 được đưa lên quỹ đạo, nhân loại có được không gian mới để…xả rác! Khi việc khai thác vũ trụ được đẩy mạnh thì quá trình làm ô nhiễm các quỹ đạo quanh Trái đất cũng tăng tốc theo.

Báo cáo mới đây của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy, số lượng, khối lượng và thể tích tổng cộng các đối tượng bị để lại trong vũ trụ tăng lên khá nhanh. Điều này dẫn tới sự gia tăng số lượng các vụ va chạm tình cờ giữa các thiết bị trên quỹ đạo và các mảnh rác bay lượn trên đó.

Rác vũ trụ di chuyển hỗn loạn. Các mảnh rác là mối đe dọa đối với Trạm Vũ trụ quốc tế ISS, vệ tinh viễn thông, tàu vũ trụ…

Trái đất bị nhiều rác vũ trụ bao quanh, trong đó có các vệ tinh ngừng hoạt động hoặc các mảnh vỡ tên lửa còn sót lại sau khi thực hiện các sứ mệnh có phi hành đoàn. Trên quỹ đạo còn có cả các mảnh vụn nhỏ còn lại sau khi nổ và va chạm của những thiết bị khác nhau.

Cả những mảnh rác nhỏ lẫn lớn đều rất nguy hiểm. Những mảnh rác lớn chiếm khá nhiều chỗ trong không gian và có nguy cơ vỡ ra thành nhiều mảnh. Những mảnh rác nhỏ thì khó theo dõi, định vị, do đó khó điều khiển tàu hay vệ tinh “luồn lách” an toàn giữa chúng.

ESA ước tính, hiện tại trên quỹ đạo có hơn 750 triệu mảnh rác vũ trụ có kích thước lớn hơn 1cm. Chúng có thể va chạm với các vệ tinh nhân tạo vào bất kỳ lúc nào, phá hủy hoặc làm thay đổi đường bay của vệ tinh. Thậm chí một va chạm nhỏ cũng rất nguy hiểm, chính vì vậy, Trạm Vũ trụ quốc tế ISS thường thay đổi vị trí của mình nhằm mục đích tránh va chạm với các mảnh rác vũ trụ nhỏ.

Câu trả lời cho những mối đe dọa này là Chương trình Nhận thức tình huống không gian (Space

Situational Awareness) do ESA thiết kế. Mục đích của chương trình là liên tục cung cấp các dữ liệu thực tế và chính xác về môi trường vũ trụ, đặc biệt là các mối đe dọa đối với cơ sở hạ tầng trên Trái đất và trên quỹ đạo quanh Trái đất.

ESA coi va chạm với rác vũ trụ là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất, có thể dẫn tới việc phá hủy tàu vũ trụ. Để giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ va chạm, các nhà điều hành các chuyến bay vũ trụ buộc phải nhận biết được tất cả trở ngại tiềm tàng trên quỹ đạo bay của con tàu. Tuy nhiên, họ không thể dự đoán được khi nào rác vũ trụ xuất hiện và xuất hiện ở đâu.

Với tốc độ khai thác không gian vũ trụ như hiện nay, một số nhà khoa học dự đoán sau khoảng 10 năm nữa, xác suất để một vệ tinh nhân tạo bay đến đích sẽ giống như xác suất trúng xổ số!

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Chuyên gia đào tạo chia sẻ với học sinh Trường THCS Thành Công.

Cha mẹ hạnh phúc, con thành công

GD&TĐ - Chuyên đề Cha mẹ hạnh phúc, con thành công với góc nhìn mới, tầm quan trọng của "tam giác vàng" gia đình - trẻ em - thầy cô với sự phát triển của trẻ.