Nguồn gốc bức tranh của Picasso "hét" giá 4.000 tỷ đồng ở Việt Nam

Cho rằng may mắn được sở hữu bức tranh độc đáo của danh họa Picasso, ông Công mong muốn giới chuyên môn cùng thẩm định lại giá trị chính xác của bức tranh.

Nguồn gốc bức tranh của Picasso "hét" giá 4.000 tỷ đồng ở Việt Nam

Đi tìm chủ nhân “báu vật”

Nhiều ngày nay, dư luận tại tỉnh Bình Dương và các tỉnh khu vực phía Nam xôn xao, bàn tán khi có thông tin ông Lê Thành Công (SN 1965, ngụ xã Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vừa mới công bố đang sở hữu bức tranh của danh họa Picasso trị giá 4.000 tỉ đồng?! 

Để làm rõ thực hư những thông tin liên quan đến bức tranh này, ngày 12/8, PV báo đã có mặt tại nhà riêng của ông Công. Tại đây, PV phải thuyết phục rất lâu ông Công mới mở lòng và giải thích về nguồn gốc của bức họa.

Nguồn gốc bức tranh của Picasso

Ông Công nói về quá trình có được bức tranh (ảnh Thơ Trịnh).

Trao đổi với PV về hành trình có được bức họa nói trên, ông Công cho hay: “Tôi vốn là người rất mê đồ cổ. Do đó, đi đến đâu thấy người ta bán đồ cổ là tôi lại ghé vào tìm mua. Theo đó, vào khoảng tháng 2/2015, tôi ghé vào một tiệm bán đồ cũ tại khu vực chợ Búng (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) để tìm xem có đồ vật nào ưng ý hay không. Tại đây, tôi gặp một người công nhân, cứ Chủ nhật là anh ta đi mua lại đồ cũ của người dân tứ xứ rồi mang đến cửa hàng này bán lại”.

Nhân duyên bất ngờ với anh công nhân tại cửa hàng bán đồ cũ, ông Công không rời mắt khỏi bức tranh cũ mà người này mang tới bán. Ông Công cho hay: “Một sức hút kỳ lạ, ngay khi nhìn thấy bức tranh, tôi đã rất hài lòng và mong muốn có được nó dù chưa hề biết đó là tranh gì. Đặc biệt, màu sơn và cách vẽ tranh rất đặc biệt, khó có thể diễn tả bằng lời. 

Ngay lập tức, tôi hỏi người công nhân đây là tranh gì, thì được biết đó là tranh của danh họa Picasso. Để chứng minh cho điều này, người công nhân đã chỉ vào góc trái của bức tranh có ghi rõ tên tác giả Picasso, ký ngày 14/6/1959. 

Dù hay sưu tập tranh cổ nhưng lúc nghe câu trả lời ấy, tôi vẫn chưa mường tượng ra tranh Picasso là như thế nào. Về phía người công nhân bán tranh, anh này cũng không biết gì về tranh của Picasso”.

Mặc dù vậy, vì quá mê bức tranh, nên ông Công quyết định trả giá để mua bằng được. Việc mua bán phải diễn ra suốt hai tuần thì ông Công mới sở hữu được bức tranh với giá 2.000 đô la (khoảng hơn 40 triệu đồng tiền Việt Nam). Ông Công nhớ lại: “Sau khi trả tiền xong xuôi, tôi có hỏi anh công nhân vì sao mà có bức tranh này. Lúc này, người công nhân cho biết mua của một bà cụ hơn 70 tuổi trên địa bàn tỉnh Bình Dương. 

Theo lời người bán tranh, năm 18 tuổi, bà cụ có nhìn thấy ba của mình được một người bạn thân ở nước ngoài mang tấm tranh này sang tặng. 18 năm sau, ba của người phụ nữ này mất nên bức tranh được cất trong phòng ngủ suốt 38 năm như một kỷ niệm. Cho đến khi người công nhân nói trên vào hỏi mua đồ cũ, thì bà cụ mới mang ra bán và không hề biết giá trị của bức tranh”.

Để làm rõ thông tin về bức tranh gây xôn xao dư luận này, PV ngỏ ý đề nghị ông Công cho địa chỉ nhà bà cụ đã bán bức tranh của ba mình. Tuy nhiên, ông Công cho biết, ông không có địa chỉ liên lạc của người công nhân bán tranh, và càng không biết bà cụ hơn 70 tuổi nói trên là ai và ở đâu.

Bức tranh đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam?

Sau khi mua được bức tranh nói trên, ông Công mang về trưng bày trong nhà như bao nhiêu món đồ cổ mà trước đó ông sưu tầm được. Khoảng hai tháng sau đó, ông Công mang bức tranh ra khoe với một người thân. Sau khi coi bức tranh, người thân của ông Công lên mạng kiểm tra thì cho rằng bức tranh này của danh họa Picasso. 

Ông Công chia sẻ: “Lúc biết được điều đó, tôi cũng không dám tin là sự thật nên đã vội vã nhờ nhiều bạn bè lên mạng tra cứu về tranh của Picasso. Sau đó, tất cả mọi người đều khẳng định bức tranh mà tôi may mắn sở hữu được chính là tác phẩm của danh họa tài ba người Tây Ban Nha này”.

Từ ngày ngầm nhận ra giá trị của bức tranh, ông Công bắt đầu tò mò, đi tìm hiểu về tranh của Picasso. Giải thích về điều này, ông Công cho hay: “Sau nhiều ngày tìm hiểu và quan sát, tôi nhận thấy bức tranh được vẽ rất siêu thực và không lẫn với ai. Bức tranh độc đáo này có chiều rộng 1,15m, chiều dài 0,999m. Với khổ tranh này, có thể nói đây là bức tranh cổ lớn nhất từ trước tới nay mà tôi biết. Tranh được vẽ trên nền vải và lồng vào một khung đen cũ kỹ, với đường viền hoa văn rất tinh xảo mà vào thời điểm năm 1959 thì Việt Nam khó mà làm được”.

“Đặc biệt, nước sơn dùng để vẽ tranh có khả năng làm từ bọt biển. Loại nước sơn này vốn được các danh họa thập niên 50-60 trong thế kỷ trước rất ưa chuộng. Do đó, mặc dù chất liệu vải đã ngả màu theo thời gian nhưng nước sơn vẽ trên nền vải vẫn còn rất tốt. Từ ngày nhận ra giá trị của bức tranh, tôi dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về nội dung, chất liệu vải, màu sơn và những điều đặc biệt trong bức tranh này”, ông Công chia sẻ.

Theo lời ông Công, nội dung của bức tranh mô tả một chai rượu và một bình rượu được đặt trên chiếc bàn. Trong đó, chai rượu được vẽ phân làm ba bố cục. Trên bình rượu được vẽ bằng nhiều hình ảnh ẩn ý mà không phải ai cũng cảm nhận được. Tất cả những hình ảnh trong tranh được tác giả vẽ theo cặp rất độc đáo. 

Tông màu chủ đạo của bức tranh là 1/3 màu xanh nước biển và 2/3 còn lại là màu vàng. Ông Công lý giải: “Sau nhiều ngày nghiên cứu, tôi đã nhìn được trên dưới 10 loại hình ảnh trong bức tranh. Những hình ảnh trong tranh không chỉ tinh tế mà rất hùng hồn. Với tất cả những đặc điểm như nói trên, tôi tin tưởng đến 80% rằng đây là bức tranh do danh họa Picasso vẽ”.

Để khẳng định chắc chắn đây là bức tranh của danh họa Picasso, ông Công cho biết: “Hiện tại, tôi đã đưa thông tin về bức tranh lên các báo mạng để cho cả thế giới xem. Nếu có tổ chức hoặc cá nhân nào trên thế giới quan tâm và muốn xem thì tôi sẽ cùng hợp tác để thẩm định lại bức tranh. Có người ở nước ngoài sau khi đọc được những thông tin này đã gửi cho tôi một bức họa tương tự. Thế nhưng, sau khi xem xét và nhờ nhiều bạn bè có chuyên môn thẩm định, mọi người cho rằng bức họa mà người này gửi sang là giả”. Qua đây, ông Công mong muốn các cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định minh bạch, để có kết luận chính thức về giá trị thực của bức tranh.

Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia chơi tranh có tiếng tại TP. HCM cũng cho biết, để biết đây có phải là bức tranh do danh họa Picasso vẽ vào năm 1959 hay không thì người sở hữu cần nhờ đến các chuyên gia, tổ chức có chuyên môn thẩm định lại bức tranh một cách minh bạch và kỹ càng nhất. Nếu đúng là tranh của Picasso thì đây là lần đầu tiên, duy nhất có ở Việt Nam.

Chỉ là bản sao chép?

Trao đổi với PV về bức tranh mà ông Công đang sở hữu, họa sỹ Phan Vũ Linh, chuyên gia nguyên cứu tranh tại Việt Nam, trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, chia sẻ: “Tôi đã thấy bức tranh mà ông Lê Thành Công đưa lên mạng. Tuy nhiên, việc thẩm định, đánh giá tranh thật hay sao chép như thế nào thì phải có một hội đồng hay cơ quan có thẩm quyền đứng ra giám sát. Việc một người Việt sở hữu được tranh của Picasso là điều hiếm thấy. 

Trong trường hợp của ông Công, tôi không loại trừ khả năng bức tranh này là bản sao chép lại. Để xác định bức tranh của ông Công có đúng là của danh họa Picasso hay không, ông Công cần mang tranh đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để thẩm định để có câu trả lời chính xác”.

Theo nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trích đoạn kinh điển 'Lý trưởng - mẹ Đốp' trong vở chèo cổ 'Quan Âm Thị Kính' biểu diễn tại sự kiện 'Phi hề bất thành chèo'. Ảnh: BTC.

'Phi hề bất thành chèo'

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Mercury (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức talkshow và biểu diễn nghệ thuật 'Phi hề bất thành chèo' tại Nhà hát Chèo Việt Nam.