Mùa hè nhàn nhạt

Mùa hè nhàn nhạt

(GĐ&TĐ) - Thời gian học sinh nghỉ hè đã sắp hết, thế nhưng nhiều nơi trên địa bàn Nghệ An vẫn chưa triển khai nội dung sinh hoạt hè đối với các em; những nơi làm được, đa số lại mang nặng tính hình thức, khô cứng nên không lôi cuốn được đông đảo thiếu nhi tham gia.

Chương trình Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Nam Đàn.
Chương trình Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Nam Đàn.

Những hoạt động đơn điệu, khô cứng

Nghỉ hè gần hai tháng rồi, thế nhưng thiếu niên, nhi đồng xã Thanh Ngọc (Thanh Chương, Nghệ An) mới chỉ được tham gia sinh hoạt đội một vài lần ở các nhà văn hóa xóm.

Em Lê Thị Hạnh ở xóm Yên Mỹ cho biết: Em nghỉ hè và được chuyển sinh hoạt hè về địa phương. Từ đầu hè đến nay, mới chỉ được tham gia sinh hoạt và hoạt động đội hai lần, một lần dọn vệ sinh đường đi trong xóm và một lần tập hát.

Mặc dù Đoàn xã Thanh Ngọc đã ban hành kế hoạch hoạt động hè 2013 và gửi về tận chi đoàn các xóm ngay từ đầu tháng 6, các chi đoàn có triển khai nhưng không tạo được phong trào. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thì nhiều: ở xóm thiếu sân chơi, thiếu cơ sở vật chất, thiếu kinh phí, cán bộ chi đoàn biến động liên tục và thiếu những hạt nhân nòng cốt,….

Ngay từ đầu tháng 5/2013, để đón đầu cho việc tiếp nhận học sinh về sinh hoạt đoàn, đội địa bàn dân cư, Huyện đoàn Thanh Chương đã ban hành quy định về “Đoàn viên, thanh niên, học sinh tham gia sinh hoạt tại địa bàn dân cư”; tiếp đó là hướng dẫn đẩy mạnh các hoạt động hè trên địa bàn dân cư với các nội dung: Tổ chức các giải bóng đá, văn nghệ, thể thao; tổ chức làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tuyên truyền và tổ chức tập bơi để phòng chống đuối nước;…

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ở cơ sở mới chỉ triển khai được nội dung tổ chức làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm và tổ chức một số số hoạt động văn nghệ, thể thao cho các em. Còn việc tổ chức các hội diễn, hội thi, dạy bơi thì vẫn nằm trên kế hoạch vì gặp phải nhiều cái khó, mà khó nhất là điều kiện coa sở vật chất và kinh phí.  

Ở một số nơi, hàng tuần, các chi đoàn tuy có tổ chức cho thiếu nhi sinh hoạt đội ở nhà văn hóa của xóm, nhưng không có nội dung gì khác ngoài việc tập vài bài hát nên không được mấy em đến tham gia. Các trường thì làm khá bài bản, đã cấp cho mỗi học sinh một phiếu sinh hoạt hè, yêu cầu sau ba tháng hè, các em phải nộp lại giấy cho nhà trường trong đó có xác nhận “đã tham gia sinh hoạt hè” của địa phương.

Những năm trước đây, nhiều em đã bằng cách này, cách khác nhờ tổ chức đoàn địa phương xác nhận là có đi sinh hoạt hè, nhưng thực tế thì chẳng tham gia lấy một lần. Khi được hỏi lý do, nhiều em thẳng thắn: Các buổi sinh hoạt thực chất là tập trung thiếu nhi trong xóm, hát vài bài, chơi vài trò chơi cũ rích… Năm nào cũng vậy, nhàm chán lắm, làm sao mà hào hứng để sinh hoat. Vì thế nên bọn em ngồi nhà xem phim, lên mạng đọc truyện, đọc báo còn bổ ích hơn.

Tại các cơ sở phường, xã, thị trấn còn nhiều khó khăn: trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động của thiếu nhi thiếu thốn. Điều này hạn chế rất nhiều đến việc tổ chức các chương trình, nội dung sinh hoạt cho các em.

Bên cạnh đó, với nhiều học sinh, thời gian hè lại trở thành “học kỳ ba” căng thẳng. Gọi là hè, nhưng hầu như các em chỉ được nghỉ khoảng vài tuần, sau đó lại lo học thêm. Và tất nhiên, với những em này, việc tham gia sinh hoạt hè là điều không thể.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, dù khách quan hay chủ quan thì một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho học sinh chán sinh hoạt hè là do việc tổ chức hoạt động hè còn quá đơn điệu, hình thức, nội dung nghèo nàn, không hấp dẫn để thu hút các em; kỹ năng tổ chức sinh hoạt của anh chị phụ trách còn nhiều bất cập.

Lớp học bơi do Huyện đoàn Nam Đàn tổ chức.
Lớp học bơi do Huyện đoàn Nam Đàn tổ chức.

Nhân rộng cách làm hay

Một số cơ sở, một số huyện đã có cách làm hay, linh hoạt để duy trì được hoạt động hè. Nam Đàn là một đơn vị được coi là “điểm sáng” trong hoạt động đội trên địa bàn dân cư.

Trước khi nhận bàn giao các em về sinh hoạt hè trên địa bàn, tổ chức đoàn của các xã, thị trấn đã phối hợp với nhà trường; phân công trách nhiệm cụ thể cho mỗi bên, đồng thời đưa kết quả sinh hoạt hè vào việc đánh giá hạnh kiểm của học sinh. Chi đoàn các xóm xây dựng kế hoạch sinh hoạt hè cụ thể, với nội dung phong phú; huy động lượng học sinh THPT, sinh viên về nghỉ hè tham gia phụ trách thiếu nhi. Các hoạt động vệ sinh môi trường, chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ; phong trào “Uống nước nhớ nguồn”; chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Nam Đàn”; giải bóng đá thiếu niên-nhi đồng được triển khai thực hiện đều khắp.

Đặc biệt, trong mùa hè năm nay, trước tình trạng đuối nước ở trẻ em gia tăng, Huyện đoàn Nam Đàn đã phối hợp với Lữ đoàn 414 (đóng quân trên địa bàn huyện) mở các lớp tập bơi cho trẻ em. Các em được trang bị phao bơi, áo bơi, lại có người hướng dẫn cụ thể nên thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia.

Hoạt động hè sẽ giúp thiếu nhi có thêm kỹ năng sống, góp phần hoàn thiện nhân cách của các em. Thiết nghĩ, không phải chỉ có tổ chức đoàn, mà còn rất cần sự ra tay của chính quyền cơ sở. Bởi không có chính quyền cơ sở, chắc chắn các khó khăn về cơ sở vật chất, về kinh phí sẽ không thể nào giải quyết nổi. Và để có nội dung hoạt động hè phong phú, hấp dẫn, cấp bộ đoàn cấp tỉnh và huyện không thể không coi trọng việc tổ chức tập huấn cho cán bộ đoàn cơ sở để nâng cao kỹ năng cho đội ngũ này.

Minh Thanh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ