Nhìn thấy những bài viết giải nghĩa thuật ngữ của tác giả PGS Đặng Quốc Bảo - một trong những cộng tác viên đầu tiên của báo, lại thêm tò mò về cái duyên của ông với tờ báo.
Báo - Mối tình đầu thời trai trẻ
PGS Đặng Quốc Bảo năm nay đã 77 tuổi, dáng người quắc thước, mái tóc bạc, giọng nói ấm áp và nụ cười hiền. Giữa những bộn bề của luận án, luận văn học trò, nhà thầy đặt trang trọng một kệ tủ để báo Giáo dục và Thời đại.
Chính bởi vậy, khi hỏi ông kỷ niệm với báo ngành, PGS Bảo như bắt đúng mạch vậy! Rót chén nước trà xanh mát, nhìn ra khoảng sân rộng trước nhà, nơi có cây khế to đong đưa tùng chùm quả chín mọng, thầy Bảo hồi tưởng:
Năm 1959, tôi là một chàng trai trẻ mới ra trường và được phân công về giảng dạy tại Kiến Xương (nay thuộc Hải Phòng). Khi biết ngành Giáo dục thành lập tờ báo Người giáo viên nhân dân (nay là Báo GD&TĐ), chúng tôi mừng lắm. Ai chẳng tự hào khi ngành của mình có riêng một tờ báo.
Lúc đó, ông Hoàng Xạ - Trưởng ti (Giám đốc Sở) động viên anh em chúng tôi viết bài cho báo. Là một giáo viên 22 tuổi nhưng tôi yêu nghề, yêu ngành của mình lắm. Từ tình yêu đó, tôi mê viết về những gì liên quan đến ngành Giáo dục.
Tôi đã viết nhiều bài về thành tích thi đua Hai tốt của các trường. Ngày đó, các địa phương có phong trào thi đua rất sôi nổi, tôi đã viết những tin bài về thành tích thi đua của địa phương mình, của trường mình. Khẩu hiệu tôi vẫn tâm đắc đến tận bây giờ là “Tất cả vì học sinh thân yêu”.
Khi bài đầu tiên được đăng lên báo, tôi không biết nói từ gì để tả cảm xúc lúc đó: Vui sướng, tự hào, hãnh diện…Số tiền nhuận bút 5 đồng nhận được đủ mua được 12 kg gạo trong những ngày còn khó khăn.
Nhưng vì niềm vui lớn và được bạn bè hỏi thăm, tôi đã mời đồng nghiệp của mình đi ăn phở. Đó là kỉ niệm đẹp, đầy cảm xúc mà cho đến giờ, khi đã 77 tuổi nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi.
Năm 1996, tôi là Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục. TS Trần Đăng Thao – Tổng biên tập của báo thời đó - đã đặt các bài viết của tôi với nội dung giải thích các thuật ngữ giáo dục học và kinh tế học giáo dục để phổ biến cho giáo viên.
Cứ một tuần, tôi lại viết để giải thích một thuật ngữ cụ thể .Ví dụ: Quản lý là gì? Một thuật ngữ sẽ được in trọn một trang trên báo số Chủ nhật.
Chính anh Thao là người biên tập cho tôi, và cứ khích lệ tôi viết, vừa phục vụ tờ báo, vừa là nguồn thông tin để phục vụ công tác giảng dạy cũng như quản lý giáo dục.
Hết chùm thuật ngữ này đến thuật ngữ khác, tôi cũng yêu nghề viết từ những ngày đó. Khi tôi viết về kinh tế học giáo dục, tôi đã cố gắng giải thích cụ thể dễ hiểu nhất cho giáo viên. Ví dụ : GDP (Gross Domestic Product) là tổng sản phẩm quốc nội, hay GNP (Gross National Product) là tổng sản phẩm quốc dân...
Khi đó, những thuật ngữ này giúp đông đảo những nhà giáo, những người làm công tác quản lý hiểu được những vấn đề trừu tượng và cụ thể.
Mỗi khi cầm bút cặm cụi viết, tôi lại thấy lòng lâng lâng niềm vui khi nghĩ rằng rồi những trang báo này sẽ có ích cho các giáo viên, cho ngành Giáo dục.
Chiếc xe đạp gắn bó với tôi thời đó nay vẫn còn - Chiếc xe hàng tuần cùng tôi lên tòa soạn báo gửi bài. Chiếc xe dù lọc cọc, khung sắt hoen gỉ theo thời gian, xích líp đã khô dầu…nhưng tôi vẫn muốn ngắm nghía, thỉnh thoảng “hỏi han” nó như trò chuyện với người bạn thân thiết vậy.
Tôi nghĩ nếu biết kể chuyện, chiếc xe đạp cũng có thể kểnhững điều nó được chứng kiến ở tòa soạn báo Giáo dục và Thời đại hồi đó, nơi tấp nập giáo viên, hiệu trưởng đến thăm hỏi, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng.
Báo GD&TĐ chính là mối tình đầu thắm thiết của tôi. Tình đầu thời trai trẻ nhiều xúc cảm, dư âm biết đến bao giờ quên!
Có báo - Có bạn!
Nhìn lại những thành công nhỏ của mình hôm nay, tôi không thể không nhắc tới bước ngoặt lớn trong đời mình. Khi tôi giải thích về thuật ngữ HDI (Human Developeman Index) là chỉ số phát triển con người. Đây là chỉ số quan trọng của một quốc gia.
May mắn cũng như là cái duyên, tên tác giả đã được lọt vào “mắt xanh” của Thứ trưởng thứ nhất Bộ GD&ĐT thời đó GS.VS Phạm Minh Hạc.
Thứ trưởng đã giao cho tôi làm đề tài cấp Nhà nước về chỉ số con người. Tôi cùng bạn của mình viết ra cuốn “Nghiên cứu chỉ số phát triển con người” được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2008.
Nhờ có báo GD&TĐ, lãnh đạo đã gửi gắm niềm tin vào tôi, nhờ có Báo mà những nghiên cứu khoa học đã được gần hơn với thực tiễn. Là một trong những cộng tác viên đầu tiên của báo, được học hỏi những kinh nghiệm viết lách, được gặp gỡ, trao đổi với những đồng nghiệp của mình trên khắp cả nước, có niềm vui nào bằng!
Tôi nhớ mãi những người biên tập chuyên nghiệp vừa biên tập cho bài tôi thêm hay, vừa luôn khích lệ, động viên tôi sau mỗi bài viết. Với tôi, họ vừa là người thầy, vừa là người bạn, vừa là học trò ưu tú…
Đến nay, khi tờ báo bước sang tuổi 55, tôi cũng đã đi được 77 mùa xuân cuộc đời. 55 năm trôi qua nhưng những bài báo của mình được in trên trang nào, số nào, khổ báo ra sao, tôi vẫn nhớ như in.
Khổ báo ngày xưa nhỏ hơn, tất cả đều là đen trắng. Tuy chất lượng giấy và mực không được như bây giờ nhưng khi tờ báo phát tận tay các trường, chúng tôi nâng niu truyền tay nhau đọc rất trân trọng.
Cho đến bây giờ, sức khỏe đã yếu đi nhưng tôi vẫn dõi theo từng bước đi của Báo GD&TĐ. Gần đây, ngoài số hằng ngày, số Chủ nhật, số Đặc biệt giữa tháng và cuối tháng, báo còn có thêm báo điện tử để phù hợp với xu thế thời đại. Tôi thấy yên tâm rất nhiều về sự phát triển này và càng tin tưởng vào thế hệ trẻ ngày nay.
Có thể nói, Giáo dục và Thời đại là tờ báo xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục của Đảng. Tôi không chỉ thành công nhờ báo, mà chính báo đã cho tôi những người bạn thân thiết nhất.
Một lời tôi muốn nói: Tôi cảm ơn và biết ơn chân thành tới những con người đang ngày đêm góp phần vào sự nghiệp giáo dục của cả nước – Những người không soạn giáo án, không cầm phấn đứng trên bục giảng nhưng họ đang miệt mài với sự phát triển giáo dục xây dựng nước nhà.