Minh bạch học phí online

Minh bạch học phí online

Mô hình dạy học này đã lan tỏa những hiệu ứng tích cực, không chỉ là giải pháp tốt, khắc phục tình huống bất khả kháng do dịch bệnh Covid-19 gây ra, mà còn mở ra những cơ hội mới hướng đến nền giáo dục 4.0. Tuy vậy, bên cạnh những điểm cộng, gần đây dư luận cũng nhiều ý kiến cho rằng học phí online là quá cao!

Có tổ chức dạy học thì đương nhiên phải có những đầu tư nhất định về hạ tầng, đội ngũ, công tác quản lý… Vì thế, vấn đề học phí đã được các cơ sở giáo dục, đặc biệt là khối công lập tự chủ tài chính, trường ngoài công lập đặt ra. Tại TPHCM, nhiều trường ngoài công lập được phép thu học phí trên cơ sở thỏa thuận giữa trường và phụ huynh. Có trường phụ huynh đóng thêm từ vài trăm đến một, hai triệu đồng, có trường quốc tế học phí vẫn giữ nguyên, có trung tâm thu đến 60%...

Ở Hà Nội, Sở GD&ĐT thành phố thoạt đầu yêu cầu “tuyệt đối không thu tiền của học sinh dưới mọi hình thức” nhưng sau đó đã gỡ lệnh cấm thu khi tổ chức dạy học online. Có trường thu 1,8 triệu đồng/tháng/học sinh nhưng có trường chỉ đề nghị hỗ trợ giáo viên soạn bài. Khối đại học, nhiều trường tư thục, công lập tự chủ tài chính đã thông báo giảm 8 - 20% học phí đối với học phần đăng ký học online.

Về mặt pháp lý, việc thu học phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Theo đó, về nguyên tắc, cơ sở giáo dục công lập thực hiện chương trình chất lượng cao được thu học phí tương xứng để bù đắp chi phí đào tạo, cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí. 

Tuy nhiên, dù là loại hình nào, các cơ sở giáo dục đều phải công bố công khai mức học phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cho từng năm học cùng với dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Đối với các dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa, phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau, không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm.

Như vậy, việc thu phí học online, dù là hình thức dạy học hỗ trợ như một dịch vụ tăng thêm hay như chính khóa đều phải căn cứ theo các nguyên tắc nói trên. Đặc biệt, các trường phải căn cứ trên cơ sở chi phí hợp lý, hạch toán cụ thể lấy thu bù chi, minh bạch thông tin chứ không phải muốn định giá bao nhiêu cũng được. Bởi thực tế đầu tư cho dạy học online và chất lượng của mỗi hình thức dạy học là khác nhau. Chẳng hạn, chi phí đầu tư cho dùng các phần mềm Zoom hoặc Skype giảng dạy và gửi file qua Zalo, Facebook hoặc email thì tiết kiệm hơn với đầu tư xây dựng phim trường, quay video bài giảng, tương tác trực tuyến.

Có lẽ, trong bối cảnh vừa tập trung phòng dịch, vừa gấp rút chuẩn bị về hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật, tập huấn hướng dẫn đội ngũ, chọn lựa các bài học để dạy học trực tuyến, nhiều đơn vị trường học chưa kịp có thời gian để xây dựng, tính toán một cách khoa học mức phí học online, thực hiện đúng quy trình để tạo sự đồng thuận. 

Thực tế mức học phí thấp hay cao, phù hợp hay không phù hợp không phải dựa trên đánh giá mang tính cảm tính, mà phải căn cứ trên quy định chung của pháp luật, mức độ đầu tư và chất lượng dịch vụ cung ứng, cũng như có đối sánh với học phí của các trường học 100% trực tuyến. Phụ huynh, người học đã ủng hộ mô hình dạy học online thì cũng sẵn sàng chia sẻ với nhà trường những khoản chi phí. Vấn đề quan trọng là nhà trường phải minh bạch thông tin để phụ huynh, người học cùng hiểu, chia sẻ và đồng thuận. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.