Loay hoay với khẩu trang

Loay hoay với khẩu trang

Trong bối cảnh đó, từ tổng thống cho đến một bộ phận lớn người dân vẫn còn lưỡng lự với biện pháp phòng dịch cơ bản nhất là đeo khẩu trang khi ra ngoài.

Khác với tại châu Á, đeo khẩu trang không phải là thói quen thường ngày của người Mỹ. Do đó, việc thay đổi để phòng dịch không hề đơn giản dù đeo khẩu trang đã được y tế Mỹ thừa nhận là biện pháp phòng dịch hiệu quả. Trước đó hồi tháng 4, sau vài tháng đại dịch hoành hành, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ mới đưa ra hướng dẫn mới về phòng chống Covid-19, trong đó khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang tại những nơi công cộng, nơi các biện pháp giãn cách xã hội không được tuân thủ đầy đủ.

Nhưng suốt hai tháng sau đó, hình ảnh người dân không đeo khẩu trang vẫn chiếm số đông trong làn sóng biểu tình rầm rộ sau vụ một người da đen bị cảnh sát ghì chết, hoặc khi tham gia các hoạt động trong chiến dịch vận động tranh cử. Ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng luôn từ chối đeo khẩu trang khi xuất hiện trước công chúng, bất chấp lời kêu gọi của giới y tế đề nghị ông làm gương để phòng dịch.

Chỉ duy nhất trong một sự kiện hồi tháng 5, khi tới thăm một nhà máy của hãng Ford, ông Trump mới chịu đeo một chiếc khẩu trang nhưng lại luôn tìm cách né tránh ống kính truyền thông. Ngay cả cánh tay phải của ông là Phó Tổng thống Mike Pence, người đứng đầu lực lượng chuyên trách chống dịch của Nhà Trắng, cũng không đeo khẩu trang ngay cả khi vào bệnh viện thăm bệnh nhân.

Mãi tới ngày 1/7 vừa qua, khi số ca nhiễm mới trong một ngày lập kỷ lục tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump mới chịu thay đổi quan điểm. Ông tuyên bố trước báo chí: "Tôi sẵn sàng đeo khẩu trang và không thấy vấn đề gì khi phải đeo nó tại nơi công cộng trong những trường hợp đặc biệt. Tôi nghĩ khẩu trang là tốt".

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng vẫn không quên thòng thêm quan điểm rằng không cần thiết phải quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên toàn quốc, vì theo ông "đến một ngày nào đó virus Corona sẽ biến mất". Dù vẫn còn miễn cưỡng chấp nhận việc đeo khẩu trang phòng dịch, nhưng động thái này vẫn được coi là sự thay đổi lớn của Tổng thống Mỹ.

Sự lưỡng lự trên thượng tầng chính trị nước Mỹ về biện pháp phòng dịch đơn giản nhất đã cho thấy mối lo ngại của giới y tế về dịch là hoàn toàn có cơ sở. Bác sỹ Anthony Fauci, chuyên gia đầu ngành của Mỹ về bệnh truyền nhiễm, cảnh báo số ca nhiễm Covid-19 mới tại nước này có thể lên tới 100.000 người mỗi ngày trong thời gian tới, nếu cả chính phủ và người dân không quyết tâm thực hiện các biện pháp phòng dịch cơ bản.

Sau khi mở cửa trở lại, người dân Mỹ đã thoải mái tham gia các hoạt động đông người như tiệc tùng, đi biểu tình và ít quan tâm đến các khuyến cáo về đeo khẩu trang hoặc giãn cách xã hội. Do đó, kỷ lục về số người nhiễm mới trong ngày tại Mỹ được dự đoán sẽ bị "phá sâu" ngay trong tuần này, khi người dân đổ xô đến các bãi biển và khu vực cắm trại để tiệc tùng, xem pháo hoa mừng Ngày Quốc khánh Mỹ 4/7.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ