Sâm Ngọc Linh và sâm Hàn Quốc: Kẻ tám lạng, người nửa cân?

GD&TĐ - So sánh hình thái và hoạt tính sinh học của các giống sâm Panax ginseng của Hàn Quốc với sâm Ngọc Linh, các nhà khoa học nhận thấy không có nhiều sự khác biệt.

Sâm Ngọc Linh và sâm Hàn Quốc có sự tương đồng về hoạt tính.
Sâm Ngọc Linh và sâm Hàn Quốc có sự tương đồng về hoạt tính.

Màu tím trên thân là đặc tính quý của sâm Ngọc Linh

TS Đinh Văn Phê, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, nghiên cứu đặc điểm hình thái và nguồn gốc giống sâm Panax ginseng của Hàn Quốc cho thấy nhiều thông tin thú vị. Panax là một trong những chi quan trọng của họ Araliaceae, bao gồm 17 loài dược liệu quý. Có thể kể đến một số loài như:

Chunpoong là dòng ưu tú do Viện Nghiên cứu nhân sâm và thuốc lá Hàn Quốc phát triển từ giống địa phương Jakyungjong theo tiêu chí năng suất, chất lượng và khả năng kháng bệnh thối rỉ. Giống Chunpoong điển hình có thân màu xanh ánh tím, hoa màu cam vàng, ra quả muộn.

Phần củ của cây 4 năm tuổi có chiều dài và đường kính rễ đạt 8,3 cm và 27,0 mm, tương đương khoảng 61,0 g, được sử dụng rộng rãi để sản xuất hồng sâm. Đây là giống sâm được trồng nhiều nhất ở Hàn Quốc.

Yunpoong có năng suất và có khả năng thâm canh cao từ giống Jakyungjong. Thời gian ra hoa của Yunpoong sớm hơn các dòng sâm Hàn Quốc khác và tạo nhiều hoa dạng bầu nhụy kép hơn. Năng suất củ của cây 4 năm tuổi Yunpoong vượt 27,3% so với Chunpoong nên được sử dụng rộng rãi để sản xuất hàng loạt.

Gopoong cũng là một giống được chọn tạo tượng tự như Chunpoong và Yunpoong. Điểm đặc trưng của Gopoong là thân, cuống lá và cuống hoa màu đỏ hoặc tím sẫm, quả đỏ đậm với chùm quả hình tam giác ngược, hình dáng củ đẹp, nồng độ saponin cao. Củ 4 năm tuổi của Gopoong có năng suất vượt 4,5% so với Jakyungjong, là nguyên liệu cao cấp để sản xuất hồng sâm.

Tại Việt Nam, sâm Ngọc Linh là loài cây bản địa, đặc hữu nổi tiếng của vùng núi Ngọc Linh, nằm trên địa phận 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Sâm Ngọc Linh là loại cây thân thảo, kích thước thân chính của cây trưởng thành có thể đạt 60 - 80 cm (chiều dài thân), 6 - 7 mm (đường kính thân).

Quan sát các cá thể cây sâm giống gốc cho thấy, hầu hết thân chính đều có màu tím hoặc xanh tím, tập trung ở phần thân trên. Những đặc điểm này trùng khớp với nhiều giống sâm của Hàn Quốc.

Sự xuất hiện của màu tím trên thân là một đặc tính quý của cây sâm Ngọc Linh, thể hiện mức độ tích lũy anthocyanin, một sắc tố thuộc nhóm flavonoid có khả năng chống oxy hóa cao.

Cây trưởng thành thường có 5 lá chét/thân (đôi khi vẫn xuất hiện những cá thể có 4/6/7 lá chét), lá chét trung tâm có hình bầu dục, hơi thuôn, có đặc điểm nhận diện đặc trưng là mép lá có khía răng cưa rất nhỏ, đều, bề mặt lá có lông mềm ở cả mặt trước và mặt sau. 

Sự khác biệt của sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh và sâm Hàn Quốc: Kẻ tám lạng, người nửa cân? ảnh 1

Các loài trong chi Panax từ lâu đã được sử dụng làm nguyên liệu để chiết xuất các loại thuốc và thực phẩm chức năng. Tác dụng của Panax spp. liên quan đến điều hòa trao đổi chất, chức năng miễn dịch và điều hòa tim mạch đã được ghi nhận với vai trò của nhóm hợp chất trao đổi thứ cấp, điển hình như ginsenoside. Các loài Panax khác nhau, thậm chí một loài trồng ở các vùng riêng biệt, có hàm lượng ginsenoside rất đa dạng, vì vậy tác dụng dược lý cũng khác nhau.

TS Khuất Thị Mai Lương, Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, ginsenoside có rất nhiều cấu trúc hóa học, với các chức năng sinh học riêng biệt. Đến nay, ít nhất 289 loại ginsenoside đã được phân lập từ 11 loài Panax spp.

Vì vậy, sự đa dạng về thành phần ginsenoside và non-ginsenoside giữa các giống/loài Panax đã đặt ra một bài toán về các chương trình chọn tạo nhằm nâng cao chất lượng của củ sâm.

Trong khi đó, sự khác biệt của sâm Ngọc Linh với các loài trong chi Panax là có một số thành phần saponin dạng ocotillol, bao gồm M-R1, M-R2 (hàm lượng >5%), vina-ginsenoside-R1, V-R2 và VR-11.

Các thành phần này đã được chứng minh có tác dụng chống oxy hóa, giảm stress, ngăn ngừa sự phát triển ung thư, bảo vệ gan. Gần đây, các saponin dạng ocotillol từ sâm Ngọc Linh cũng được ghi nhận có thể ngăn chặn hình thành sắc tố melanin, ngăn ngừa tổn thương thượng thận.

Saponin là một loại Glycosyd tự nhiên phổ biến trong thành phần của nhiều loại thực vật. Saponin là các chất hoạt quang. Nhiệt độ để các saponin nóng chảy cao. Saponin bị thủy phân khi chịu tác động của axit hay enzym thực vật tạo thành các phần gồm genin gọi là sapogenin và phần đường. Sâm Ngọc Linh dẫn đầu về hàm lượng saponin so với các loại sâm khác đến từ Hàn Quốc, Mỹ hay Triều Tiên. Chính hàm lượng hoạt chất này cũng khiến cho sâm Ngọc Linh có những công dụng vượt trội đối với sức khỏe so với những loại sâm khác.

Ở Việt Nam, sâm Ngọc Linh có 3 giá trị đặc hữu quan trọng, đó là bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe và làm giàu cho xã hội. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất để bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn sâm giống gốc.

Việc mô tả đặc tính của các bộ phận trên mặt đất nêu trên là rất có ý nghĩa trong việc tách dòng cá thể sâm Ngọc Linh ưu tú. Thông qua mô tả hình thái các giống P. ginseng và cây sâm Ngọc Linh giống gốc có thể nhận thấy rằng màu tím trên thân (giàu anthocyanin) là một đặc tính quý cần được quan tâm khi tách và chọn dòng sâm.

Quả sâm Ngọc Linh nổi bật với chấm đỏ, đặc điểm này tương đối đặc trưng và dễ phân biệt so với các loài Panax khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc trồng và giao dịch sâm Ngọc Linh tràn làn cũng là cơ hội để trà trộn các loại sâm khác.

Chính vì vậy, kiểm định về mặt hình thái, hóa sinh và đặc biệt là phân tử đối với những cây và sản phẩm từ sâm được xem là những công cụ hiệu quả nhằm kiểm soát chất lượng đối với quốc bảo này.

Song song với đó, công tác di thực (hạ độ cao) cây sâm Ngọc Linh ra những vùng núi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng ở độ cao 1.000m trở lên là một trong những chiến lược cần được chú trọng.

Điều này cần phải có căn cứ khoa học và thực tiễn, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật (như sử dụng nhà màng, xử lý nảy mầm, chế phẩm sinh học...) nhằm đánh giá hiệu quả trong thực tế rồi mới nhân rộng mô hình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.