Khám phá tiểu hành tinh phủ đầy kim loại quý trị giá trên 10 tỉ tỉ USD.

Đồ họa hình dung về thiên thạch Psyche 16. Ảnh: NASA
Đồ họa hình dung về thiên thạch Psyche 16. Ảnh: NASA

Theo tờ Daily Mail, các  nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã bắt tay vào chế tạo con tàu vũ trụ có thể giúp họ thám hiểm tiểu hành tinh Psyche, có cấu tạo từ nhiều kim loại quý, trong đó có sắt, nickel, vàng, ước tính trị giá tới trên 10 tỉ tỉ USD. 

Số kim loại quý trên thiên thạch khổng lồ này có thể biến mỗi người dân trở thành tỉ phú đôla nếu chúng được đưa về Trái đất.

NASA hiện đã hoàn tất giai đoạn thiết kế và bắt đầu hợp tác với các công ty tư nhân để chế tạo con tàu, đảm bảo lịch trình dự kiến sẽ phóng vào tháng 8/2022 nhờ tên lửa Falcon Heavy do tập đoàn SpaceX chế tạo. 

Tiểu hành tinh giống lõi Trái đất

Không chỉ giàu kim loại, Psyche còn là một thiên thể quan trọng giúp các nhà khoa học hành tinh tìm hiểu về lõi của một hành tinh sơ khai đã bị mất đi các lớp vỏ bên ngoài. 

NASA cho biết thiên thạch Psyche tương tự như lõi của Trái đất, giàu quặng sắt và nickel, sẽ giúp họ tìm hiểu sâu hơn về cách thức thế giới của chúng ta hình thành ra sao ở buổi ban đầu.

Cái tên Psyche được đặt theo tên nàng Psyche trong thần thoại La Mã, là người đã kết hôn với thần Cupid nhưng bị thần Venus giết chết. Theo lời cầu xin của Cupid, thần Jupiter đã làm cho Psyche trở thành bất tử.

Sứ mạng của NASA cũng sẽ nhằm thu thập dữ liệu thành phần và địa hình của những lớp kim loại nhằm hiểu rõ hơn về lõi của một hành tinh, mà trước nay chúng ta không thể tiến hành nghiên cứu trực tiếp.

Là một trong những mục tiêu hấp dẫn nhất trong Vành đai Tiểu hành tinh, Psyche 16 là một thiên thạch kim loại khổng lồ, nằm cách xa Mặt trời gấp khoảng 3 lần so với khoảng cách giữa Trái đất với Mặt trời. Đường kính trung bình của nó là khoảng 226km, tương đương 1/6 đường kính Mặt trăng hoặc bằng khoảng cách giữa hai thành phố Los Angeles và San Diego của Mỹ. 

Không giống như các thiên thạch khác có cấu tạo từ đá hoặc băng, các nhà khoa học cho rằng thiên thạch nhóm M (kim loại) như Psyche 16 cấu tạo chủ yếu từ quặng kim loại và nickel, giống như lõi Trái đất. 

Họ băn khoăn Psyche liệu có phải là lõi của một hành tinh sơ khai, có thể có kích thước tương đương sao Hỏa, nhưng đã bị bong mất các lớp vỏ do một loạt va chạm dữ dội từ hàng tỉ năm trước.

Tiểu hành tinh Psyche được cho là có cấu tạo giống phần lõi của Trái đất. Ảnh: The Conversation.

Psyche 16 được phát hiện lần đầu tiên từ năm 1852. Giới nghiên cứu cho rằng đây là dấu tích của một tiền hành tinh bị phá hủy bởi va chạm khi hệ Mặt Trời đang hình thành. 

Nhà khoa học hành tinh Lindy Elkins-Tanton tính toán chỉ riêng lượng sắt của Psyche 16 đã trị giá tới 10.000 triệu tỉ USD (hay 10 tỷ tỷ USD). Psyche 16 cũng chứa nhiều kim loại quý khác, bao gồm vàng, bạch kim và đồng.

Các nhà thiên văn học đã nghiên cứu Psyche 16 qua các bước sóng khả kiến và hồng ngoại cũng như hệ thống radar, cho thấy tiểu hành tinh này có hình dạng giống như củ khoai tây. Các quan sát cũng chỉ ra rằng, kích thước của nó là khoảng 279km x 189km.

Psyche quay quanh Mặt trời giữa quỹ đạo của sao Hỏa và sao Mộc, ở khoảng cách dao động từ 378 triệu - 497 triệu km so với Mặt trời. Khoảng cách đó tương đương 2,5 – 3,3 đơn vị thiên văn (AU), mà 1 AU chính là khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời. Psyche mất khoảng 5 năm (theo thời gian trên Trái đất) để hoàn thành một quỹ đạo quanh Mặt trời, nhưng chỉ mất hơn 4 tiếng một chút để tự quay quanh trục của mình (gọi là một “ngày Psyche”).

Sứ mạng Psyche

Tiểu hành tinh đầy hấp dẫn này hiện là mục tiêu chính của sứ mạng Psyche mà NASA theo đuổi. NASA lên kế hoạch phóng tàu thăm dò Psyche vào tháng 8/2022, con tàu dự kiến đến tiểu hành tinh vào đầu năm 2026, sau khi vượt qua sao Hỏa vào năm 2023 và được hỗ trợ bởi lực hấp dẫn của "hành tinh Đỏ" để đi tiếp đến Psyche. 

Trong vòng 21 tháng quay quanh quỹ đạo của Psyche, con tàu sẽ lập bản đồ và nghiên cứu các thuộc tính của thiên thạch bằng cách sử dụng một máy chụp ảnh đa hình, một máy bay quang phổ kế và tia neutron, một từ kế và dụng cụ vô tuyến (để đo trọng lực). Một trong những mục tiêu của sứ mạng là xác định xem Psyche có thực sự là phần lõi của một thiên thể ban đầu có kích cỡ hành tinh hay không.

Sứ mạng Psyche sẽ là nhiệm vụ đầu tiên nhằm thám hiểm một thế giới bằng kim loại thay vì bằng đá và băng như những thiên thể thông thường. Sâu bên trong các hành tinh bằng đất đá – như Trái đất, các nhà khoa học suy luận về sự hiện diện của phần lõi kim loại, nhưng điều này không được chứng thực bởi cho tới nay chúng ta vẫn chưa có cách  nào tiếp cận được phần lõi của Trái đất. 

Cũng bởi vậy, Psyche hứa hẹn sẽ mang đến một cửa sổ độc đáo để nhìn sâu vào lịch sử cực kỳ dữ dội với các vụ va chạm và bồi đắp tạo nên những hành tinh như Trái đất.

Tên lửa Falcon Heavy rời khỏi Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ngày 6/2/2018. Ảnh: SpaceX.

Hoàn tất thiết kế tàu vũ trụ 

Sứ mạng trị giá 117 triệu USD cuối cùng đã đi tới việc ký phê duyệt thiết kế của con tàu. Việc thông qua thiết kế có nghĩa từ nay công đoạn thi công chế tạo tàu vũ trụ thám hiểm tiểu hành tinh Psyche có thể bắt đầu.

Việc lắp ráp và thử nghiệm tàu vũ trụ hoàn chỉnh sẽ được tiến hành vào tháng 2/2021. Các thiết bị sẽ được chuyển tới phòng vô trùng của Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPK) vào tháng 4/2021. Phần thân chính của tàu vũ trụ gọi là bộ khung Solar Electric Propulsion (SEP) Chassis, đang được chế tạo tại công ty Maxar Technologies ở Palo Alto, California. 

Theo dự kiến, tàu vũ trụ sẽ cất cánh vào tháng 8/2022 tại Cape Canaveral (bang Florida) trên tên lửa Falcon Heavy, sau đó sử dụng trợ lực từ lực hấp dẫn của sao Hỏa vào tháng 5/2023 và bay tới Psyche 16 vào đầu năm 2026.

Sau khi được phóng đi, tàu vũ trụ Psyche sẽ vượt qua sao Hỏa, tới Vành đai Tiểu hành tinh nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc khổng lồ. Nó sẽ sử dụng từ kế để đo từ trường của tiểu hành tinh và một máy chụp ảnh đa hình sẽ chụp ảnh bề mặt Psyche. 

Psyche 16 được cho là chứa một lượng lớn vàng và các kim loại như sắt, nickel.

Mặc dù Psyche 16 được cho là chứa đầy kim loại quý, trong đó có vàng, nhưng cả NASA và công ty SpaceX cho biết, họ tiến hành cuộc thám hiểm này cho mục đích khoa học chứ chưa có bất cứ kế hoạch khai thác nào. Tuy vậy, tiểu hành tinh trị giá tỉ tỉ USD này có khả năng trở thành động lực hình thành một cuộc đua khai khoáng trong vũ trụ giữa các cường quốc thế giới.

Theo Báo Tin tức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ