Khai mở nhiều con đường học tiếng Anh giúp sinh viên nâng chuẩn

GD&TĐ - “Nếu cứ giữ nguyên cách tổ chức dạy học truyền thống thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, hàng ngàn sinh viên của Trường sẽ không thể tốt nghiệp được vì chuẩn tiếng Anh”.

Khai mở nhiều con đường học tiếng Anh giúp sinh viên nâng chuẩn

PGS.TS Phan Quang Thế - Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên - một trong những trường ĐH dẫn đầu khối không chuyên của cả nước về triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020 chia sẻ khi nói về việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường.

Từ bài toán hơn 5.000 SV chưa đạt yêu cầu tiếng Anh...

Theo PGS.TS Phan Quang Thế, từ năm học 2014 - 2015, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên bắt đầu triển khai Đề án Ngoại ngữ 2020 cho sinh viên hệ đại học chính quy dài hạn. Hiện toàn trường có hơn 5.000 sinh viên đang còn nợ điểm hoặc chưa hoàn thành các học phần tiếng Anh trong chương trình đào tạo.

Học kỳ I năm học này, trường đã tổ chức cả một học kỳ chủ yếu là tiếng Anh với 20 tín chỉ, trong đó có 10 tín chỉ tích lũy trong chương trình đào tạo và 10 tín chỉ tiếng Anh tăng cường (miễn phí) cho 700 tân sinh viên, mục tiêu đầu ra là TOEFL-ITP 390 và một số yêu cầu khác.

Cho đến nay, dù chưa tổ chức cho sinh viên thi TOEFL-ITP nhưng các giảng viên của nhà trường cũng không cam kết được tỷ lệ sinh viên sẽ đạt yêu cầu.

... đến lời giải "mở nhiều đường" cho SV 

Đề án “Đánh giá kết quả tiếng Anh sinh viên hệ đại học chính quy dài hạn theo chuẩn quốc gia từ năm 2015” của Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học có thể vừa hoàn thành các học phần tiếng Anh trong chương trình đào tạo, vừa đạt chuẩn tiếng Anh khi tốt nghiệp.   

Từ thực trạng này, PGS.TS Phan Quang Thế cho rằng, nếu không có những giải pháp đột phá, mở ra nhiều con đường cho sinh viên, vừa đạt kết quả của các học phần đã học, vừa đạt chuẩn tiếng Anh khi tốt nghiệp, thì chỉ một thời gian ngắn nữa, hàng ngàn sinh viên của trường sẽ không thể tốt nghiệp vì chuẩn tiếng Anh.

Bên cạnh đó, cũng theo PGS.TS Phan Quang Thế, việc dạy và học tiếng Anh trong trường ĐH hiện nay theo các nội dung có trong chương trình đào tạo nói chung chưa đáp ứng được chuẩn đầu ra cho sinh viên, và cách thông thường để khắc phục là tăng thời lượng dạy học.

Nhưng sinh viên khối không chuyên không chỉ học tiếng Anh nên việc tăng thời lượng này quá một giới hạn nào đó sẽ làm các em chán nản và làm tăng thời gian học đại học trong nhà trường, gây lãng phí cho gia đình và xã hội.

Với Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, vấn đề khó khăn trong việc sinh viên đạt chuẩn tiếng Anh sau khi tốt nghiệp là một năm, lượng sinh viên tuyển vào trường gấp 4 -5 lần số lượng giảng viên. Do đó, nhà trường không thể áp dụng các biện pháp đối với sinh viên như với giảng viên được. 

Trong khi đó, chỉ cần 1 năm học, nếu sinh viên thất bại trong học tiếng Anh, lòng tin của xã hội với nhà trường sẽ bị giảm sút và việc tuyển sinh có thể gặp nhiều khó khăn.

“Để giải quyết vấn đề cấp bách nêu trên là sinh viên phải đạt chuẩn tiếng Anh khi tốt nghiệp, đồng thời ổn định được tinh thần học tập của sinh viên thì nhà trường phải thay đổi căn bản cách thức tổ chức, đánh giá trong dạy và học tiếng Anh truyền thống” - PGS.TS Phan Quang Thế khẳng định.

Quyết tâm không để sinh viên bị “treo” bằng vì chuẩn tiếng Anh, PGS.TS Phan Quang Thế cho biết, nhà trường đã có một kế hoạch với những cách làm hoàn toàn mới. 

Tất cả thể hiện ở Đề án “Đánh giá kết quả tiếng Anh sinh viên hệ đại học chính quy dài hạn theo chuẩn quốc gia từ năm 2015”, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học có thể vừa hoàn thành các học phần tiếng Anh trong chương trình đào tạo, vừa đạt chuẩn tiếng Anh khi tốt nghiệp.

Theo Đề án, con đường học tiếng Anh cho sinh viên của trường hoàn toàn rộng mở. Ví dụ với những sinh viên sẽ học tiếng Anh từ học kỳ II năm học này có thể chọn một trong hai phương án:

Phương án thứ nhất là học như bình thường bằng cách đăng ký học theo chương trình 20 tín chỉ do khoa Quốc tế tổ chức giảng dạy. Để được xét tốt nghiệp, sinh viên phải trình điểm TOEFL-ITP 450 trở lên do đại diện Viện Khảo thí Hoa kỳ tại Việt Nam tổ chức.

Phương án thứ hai, cũng là cách làm mới, đó là sinh viên có thể tự học ở nhà hoặc tham gia học các lớp tiếng Anh do Khoa Quốc tế, Trung tâm đào tạo theo nhu cầu xã hội, Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế tổ chức. Việc tham gia là hoàn toàn tự nguyện và nộp học phí theo quy định của trường.

Cũng giống như phương án một, để được xét tốt nghiệp, sinh viên phải trình điểm TOEFL-ITP 450 trở lên do đại diện Viện Khảo thí Hoa kỳ tại Việt Nam tổ chức.

Nhà trường khuyến khích đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tiếng Anh miễn phí cho sinh viên do các giảng viên tình nguyện giảng dạy.

“Triết lý, tinh thần căn bản của Đề án này, chúng tôi học theo phong trào Bình dân học vụ của Hồ Chủ tịch. Đó là: Người giỏi dạy cho người chưa giỏi, người biết dạy cho người chưa biết. Từ đó, huy động sức mạnh của toàn xã hội; không thể chỉ dựa vào đội ngũ giảng viên mà mong triển khai thành công Đề án Ngoại ngữ 2020 trong các trường ĐH.” - PGS.TS Phan Quang Thế.