Tiêu chí nào để xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng?

GD&TĐ - Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định sẽ dành 2692 biên chế để xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng theo đúng chỉ đạo của Bộ Nội vụ. Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn chưa thể yên tâm vì chỉ tiêu là một chuyện, còn tiêu chí để xét tuyển lại là chuyện khác.

Giáo viên hợp đồng có cơ hội được xét tuyển đặc cách?
Giáo viên hợp đồng có cơ hội được xét tuyển đặc cách?

Ngày 5/12/2019 trong kỳ họp thứ 11 khoá 15 HĐND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời một số vấn đề nóng của Hà Nội đang được dư luận quan tâm, trong đó có vấn đề xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng

Theo ông Nguyễn Đức Chung, trong thời gian vừa qua, thành phố đã tổ chức xong các kỳ thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục. Hiện nay còn 2730 giáo viên hợp đồng từ 2015 trở về trước, trong đó có 1190 giáo viên mầm non, 514 giáo viên tiểu học và 1017 giáo viên THCS.

Ngày 1/11/2019, UBND TP đã có báo cáo Bộ Nội vụ, ngày 5/11/2019, Bộ Nội vụ đã có công văn đồng ý để thành phố tiếp tục xét tuyển đối với số hợp đồng này, tổng số là 2692.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay Giám đốc Sở Nội vụ đã báo cáo chỉ tiêu biên chế này với Hội đồng Nhân dân thành phố. Trong thời gian tới, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo sát sao các quận, huyện và các sở, ngành hoàn thành mục tiêu này vào quý I/2020. “Có chậm hơn so với lời hẹn với các giáo viên hợp đồng 1 quý, nhưng chắc chắn, đảm bảo quyền lợi, chính xác” – Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

Ngay sau tuyên bố của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, đại diện Sở Nội vụ, Hà Nội cho biết đang xây dựng kế hoạch để triển khai theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Dự kiến sẽ xong trước tháng 3/2020. Trong tuần tới, Sở Nội vụ sẽ họp với tất cả các quận, huyện của Thành phố để thống kê và lên phương án.

Trong kế hoạch sử dụng biên chế năm 2020 tăng 2692 biên chế để bố trí cho giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách theo Công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ và một phần dự phòng phát sinh năm 2020, tạm thời đưa vào quỹ dự phòng biên chế và sẽ phân bổ cho các trường trên cơ sở định mức và kết quả thực tế tuyển dụng đối với các giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách còn phải tiếp tục giải quyết.

Đón nhận thông tin về 2692 suất biên chế mà TP Hà Nội có thể dành cho mình, các giáo viên hợp đồng đều không tỏ ra quá vui mừng. Bởi lẽ nhiều lần họ đã hi vọng rồi cũng gặp thất vọng lớn bởi những phát ngôn bất nhất của lãnh đạo TP.

Thầy Nguyễn Viết Tiến- giáo viên TX Sơn Tây bày tỏ: Thông qua báo chí và truyền hình, tôi được biết ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP Hà Nội có nói TP sẽ dành 2692 chỉ tiêu biên chế để xét đặc cách cho GVHĐ đủ điều kiện theo công văn số 5378/BNV- CCVC và TP sẽ hoàn thành việc xét tuyển trong quý I/2020.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn không biết TP sẽ giải quyết việc xét đặc cách theo tiêu chí nào? Không biết đến bao giờ TP ra quyết định xét đặc cách GVHĐ đủ điều kiện theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ vì TP đã nhiều lần hứa với GVHĐ chúng tôi, nhưng đến giờ vẫn thất hứa.

Bên cạnh đó, sau khi thi tuyển, hầu hết các quận, huyện, thị xã đều hết chỉ tiêu vị trí việc làm. TP sẽ bổ sung chỉ tiêu vị trí việc làm như thế nào để xét đặc cách chúng tôi vào viên chức giáo dục?

TP hẹn sẽ xét đặc cách đến quý I/2020, nghĩa là gần hết năm học mới xét đặc cách cho chúng tôi. Vậy thì gần cả năm học, các giáo viên hợp đồng đã bị đơn phương chấm dứt hợp đồng, luôn trong tâm trạng lo lắng, gần năm học bị mất việc ai chịu trách nhiệm với giáo viên hợp đồng chúng tôi?

Tới đây nếu TP xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng theo công văn 5378 của Bộ nội vụ có tiêu chí đang giảng dạy trong các trường công lập thì TP sẽ giải quyết với chúng tôi như thế nào để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của giáo viên hợp đồng chúng tôi vốn đặc chịu biết bao nhiêu ấm ức, thiệt thòi bấy lâu nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.