Những thầy cô không ngừng sáng tạo, truyền năng lượng cho các em học sinh

GD&TĐ - Ngày 7/10, Hội đồng xét duyệt Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo” tiếp tục nghe báo cáo, sáng kiến trong giảng dạy của các nhà giáo tiêu biểu cấp Tiểu học.

Giáo viên trình bày báo cáo trước Hội đồng
Giáo viên trình bày báo cáo trước Hội đồng

Để lại ấn tượng đặc biệt cho Hội đồng chuyên môn trong ngày xét giải dành cho khối Tiểu học là cô Đặng Hoàng Hà - Giáo viên trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) – người đã sở hữu kho tàng bài giảng điện tử phong phú với hàng trăm trò chơi khởi động tạo hứng thú cho các em học sinh và củng cố kiến thức trong các tiết dạy.

Năng động và sáng tạo, cô Hà đã áp dụng phương pháp dạy học tích cực, phát huy tốt năng lực học sinh. Cô còn tự tìm tòi, nghiên cứu làm các bộ phim, các clip tình huống, gắn với thực tế học sinh của mình để đưa vào bài dạy, tạo sự hấp dẫn, cuốn hút các em vào tiết học, giúp cho hiệu quả giờ dạy được nâng cao.

Cô Đỗ Thị Hoàng Mai - Giáo viên trường Tiểu học Nông nghiệp (huyện Gia Lâm) nhiều năm nay đã có ước mơ xây dựng lớp học của mình thành “Lớp học hạnh phúc” và đã tạo dựng được nhiều giờ dạy hạnh phúc, truyền năng lượng cho các em học sinh.

Thông qua các hoạt động, cô đã giúp các em học sinh “Xây dựng mục tiêu cá nhân”, đặc biệt cô giáo đã có những giây phút “Chia sẻ điều em muốn nói” để từ đó giáo viên thấu hiểu học trò của mình và đặc biệt các em cảm thấy “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Cô Bùi Bích Phượng- Giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình)
Cô Bùi Bích Phượng- Giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình)

Cô Bùi Bích Phượng- Giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình) luôn chủ động tìm hiểu các kỹ thuật dạy học và học tập những phương pháp tiên tiến vào quản lý, giảng dạy và giáo dục học sinh.

Cô đã tìm kiếm tư liệu, hình ảnh, thông tin trên mạng và làm các clip để bài học được sinh động, hấp dẫn hơn. Dạy các em học sinh cách soạn bài chuẩn bị bài theo sơ đồ tư duy để các em dễ học, dễ nhớ.

Ngoài ra, cô còn tổ chức cho các em đóng kịch, chơi trò chơi, làm việc nhóm dự án theo tổ, theo cá nhân. Từ đó giúp các em nắm vững kiến thức, phát triển tư duy, khả năng tự học, tự nghiên cứu và hứng thú say mê với bài học hơn.

Cô Nguyễn Thị Thúy Vân- Giáo viên Trường Tiểu học An Hưng (quận Hà Đông) luôn xác định rõ trọng tâm vấn đề, tìm ra các phương pháp dạy học tích cực nhất để giờ học diễn ra nhẹ nhàng mà hiệu quả, trong các phương pháp đó, tiêu biểu là phương pháp sơ đồ tư duy.

Bên cạnh đó, để khuyến khích các con phấn đấu, cô đã tạo ra một “Siêu thị phần thưởng” nho nhỏ với những món quà nho nhỏ, sau mỗi ngày học tập, hoặc mỗi tuần học tập, các con chăm ngoan, tiến bộ sẽ được đi siêu thị lựa chọn món đồ mà mình yêu thích.

Thầy Đặng Thế Hiếu- Giáo viên Trường Tiểu học Hữu Bằng (huyện Thạch Thất)
Thầy Đặng Thế Hiếu- Giáo viên Trường Tiểu học Hữu Bằng (huyện Thạch Thất)

Nhận thức được tầm quan trọng của việc cần thiết phải trang bị kỹ năng sống cho học sinh, thầy Đặng Thế Hiếu- Giáo viên Trường Tiểu học Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) đã sáng lập Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống toàn cầu, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh.

Tại đây, hàng trăm học sinh đã được học tập, rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống như: Kỹ năng sinh tồn, kỹ năng phòng chống hỏa hoạn, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, kỹ năng giáo tiếp….

Ngoài ra, nhằm giúp trẻ tự học và sử dụng máy tính, internet hiệu quả, thầy Hiếu đã tập hợp đội ngũ các thầy cô giáo giỏi, tâm huyết xây dựng website học trực tuyến hochieuqua.vn, tạo kênh học tập chất lượng cho các em học sinh. Website này đã được sử dụng hiệu quả trong đợt các em học sinh nghỉ học do dịch bệnh Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ