Huyền bí Thanh Mai cổ tự giữa thâm sơn

Huyền bí Thanh Mai cổ tự giữa thâm sơn

Ngôi chùa cổ kính, uy nghi với nhiều di sản, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ.

Phế tích quý

Cách quốc lộ 18A chừng 12km, qua nhiều đoạn đường rừng quanh co, uốn lượn khách mới tìm được điểm đến tâm linh bao phủ màu sắc huyền bí này. Chùa Thanh Mai ẩn mình giữa bạt ngàn cây lá, bảng lảng khói sương.

Dù đông chưa qua, hè chưa tới nhưng tiếng côn trùng râm ran trên khắp tán lá, hòa cùng tiếng chuông chùa ngân xa. Tiếng tụng kinh, gõ mõ khiến lòng khách thăm bừng tỉnh, dừng chân khi biết đã tìm đến chốn cửa Phật.

Chùa xây dựng trên sườn núi, bên một con suối nhỏ, nhìn về phía Nam. Ở trước chùa chính là núi Bái Vọng, nơi có phần mộ cụ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.

“Đừng lấy đi gì ngoài những bức ảnh. Đừng để lại gì ngoài những dấu chân”, dòng chữ được gắn ngay trên cây cổ thụ gần khe suối lối lên chùa. Như nhắc khách hãy lưu lại những kỷ niệm nơi chốn tâm linh bằng tình cảm thiêng linh khi về nơi cõi Phật.

Kiến trúc ngôi chùa gồm các hạng mục chính như tam quan, lầu bia, điện Phật, nhà Tổ, nhà mẫu, nhà khách, tăng đường và các công trình phụ trợ. Toàn bộ tượng đều được tạc bằng gỗ.

Chùa có nhiều cây cổ thụ như đại, nhãn, quéo, vải, thị… đặc biệt, lối lên chùa và xung quanh có cả rừng dẻ nguyên sinh, rừng phong chuyển mùa thay màu lá mới, xanh ngát vào xuân – hạ và nhuộm vàng khi thu đến, đỏ rực khi đông về.

Cụ Phạm Thị Hiển, chấp tác tại chùa Thanh Mai kể chuyện: Chùa Thanh Mai nằm trong hệ thống những ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, trên lộ trình Thăng Long – Chí Linh – Yên Tử. Đây cũng là nơi tu thiền, thuyết pháp, trụ trì của các vị tổ Trúc Lâm.

Lịch sử ghi chép lại, chùa được khởi dựng từ thế kỷ XIV trên sườn núi Thanh Mai. Đệ nhị tổ Pháp Loa và Đệ tam tổ Huyền Quang từng trụ trì chùa. Đặc biệt, sau khi được Đệ nhị tổ Pháp Loa tu tạo và mở rộng, chùa Thanh Mai phát triển và trở thành chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm.

Đây cũng là một trong những trung tâm Phật giáo nổi tiếng của nước ta dưới thời nhà Trần và còn là nơi gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ, khi ngài tu hành, biên soạn kinh, sách về đạo Phật lúc sinh thời.

Người dân nơi đây cho biết, trước kia chùa còn có những cây tùng, cây bách lớn. Nhưng trải qua các biến cố lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên, con người, cùng với đó, nhiều cổ vật bị mất và hư hại gần hết, di tích trở thành hoang phế.

Năm 1980, với những chứng tích còn lưu lại, chính quyền địa phương xác định, chùa Thanh Mai là một di tích lịch sử quan trọng, nên đã đầu tư khôi phục dần dần theo từng hạng mục.

Sau thời gian trùng tu, năm 1992, chùa được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nhưng quy mô còn nhỏ hẹp, lại ở nơi heo hút, đường sá đi lại khó khăn nên ngôi chùa vẫn bị chìm trong lãng quên.

Bình yên giữa rừng sâu

Cụ Phạm Thị Hiển quê Hải Phòng, có duyên với nhà Phật, hơn chục năm nay theo sư thầy lên trông nom, hương khói tại chùa. Theo cụ Hiển, 26 năm trụ trì, Đại đức Thích Chí Trung có nhiều đóng góp cho việc gìn giữ giá trị văn hóa ngôi chùa cổ Thanh Mai góp phần làm phong phú thêm cho nền văn hóa Phật giáo xứ Đông.

Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, năm 2005 gian chùa chính được xây lại nhưng toàn bộ kiến trúc, hiện vật còn lại trong khuôn viên chùa Thanh Mai vẫn giữ được nét uy nghi của thời Trần.

Đặc biệt ở chùa Thanh Mai ngày nay vẫn còn lưu giữ được nhiều di sản, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh như: Tháp Phổ Quang được xây dựng năm 1702 và tháp Linh Quang được xây dựng năm 1703, cùng 7 tấm bia thời Trần, Lê ghi lại quá trình trùng tu, tôn tạo chùa.

Trong đó, tấm bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” khắc, dựng năm 1362 được đánh giá là vô cùng quý giá. Có thể nói, đây là một bảo vật của quốc gia với cách viết văn ngắn gọn, hàm ý sâu xa và giàu hình tượng.

Bia được tạc bằng đá xanh nguyên khối, đặt trên lưng rùa đá. Hai mặt bia được khắc khoảng 5.000 chữ, ghi lại chi tiết, thân thế, sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa.

Nhưng qua đó có thể thấy được tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm Tam tổ như: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Văn bia còn cho thấy thời gian xây dựng những công trình lớn, địa danh và hành trạng của nhiều nhân vật đương thời.

Ngày hội chùa vào mùng 1 - 3 tháng 3 (âm lịch) rất đông khách đến chiêm bái, lễ Phật. Du khách về đây, sẽ được tham dự nhiều nghi lễ tôn nghiêm trong ngày hội như: Giảng kinh, mộc dục, chay đàn… Dịp hè, nhiều thanh niên tìm đến với chùa thắp hương khấn Phật, và chiêm bái cảnh đẹp nơi rừng sâu trong không gian tĩnh lặng hoang sơ cùng vẻ đẹp của rừng cây nguyên sinh trong lành. Cụ Phạm Thị Hiển

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ