Giáo viên - nhân tố quyết định sự thành bại của đổi mới giáo dục

Một lớp học của Trường THCS Thị trấn Sông Thao (Cẩm Khê, Phú Thọ). Ảnh: Trung Toàn
Một lớp học của Trường THCS Thị trấn Sông Thao (Cẩm Khê, Phú Thọ). Ảnh: Trung Toàn

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các ban, ngành đoàn thể liên quan tới công tác giáo dục, các nhà giáo chia sẻ những vấn đề liên quan đến giáo dục.

Đây cũng là cơ hội để các đại biểu, các nhà giáo trao đổi về những khó khăn, thuận lợi trong công tác quản lý, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, công tác huy động các nguồn lực của xã hội cho giáo dục; công tác phối hợp giữa nhà trường gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh.... Từ đó xây dựng các giải pháp khả thi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục huyện Cẩm Khê.

Trên tinh thần ấy, Hội thảo đã nhận được trên 30 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, quản lý, các nhà giáo dục trên địa bàn trong và ngoài huyện. Các bài viết đều thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của những người làm công tác quản lý, các đơn vị liên quan, các nhà giáo, trong đó tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính đó là:

Các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học; Các giải pháp về tổ chức các hoạt động giáo dục của các trường học để nâng cao chất lượng giáo dục; Các giải pháp tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học và các giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong phối hợp giáo dục học sinh.

Toàn cảnh hội thảo
 Toàn cảnh hội thảo

Trao đổi kinh nghiệm từ thực tế của trường mình, cô Nguyễn Thị Ngọc Lan – Hiệu trưởng Trường THCS Thị trấn Sông Thao chia sẻ: Hiện nay, nhà trường vừa thực hiện bồi dưỡng học sinh giỏi, vừa phải nâng cao chất lượng đại trà.

Theo đó, nhà trường luôn xác định không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, trước hết đội ngũ cán bộ quản lý là những người tiên phong, gương mẫu.

Đồng thời phải biết phát huy nội lực nhà trường, sức mạnh tập thể, tích cực bồi dưỡng, phát huy năng lực giáo viên, đẩy mạnh phong trào tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ. Đồng thời luôn tranh thủ sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, vận động tuyên truyền tạo được sự ủng hộ của cha mẹ học sinh.

“Vì vậy, trong những năm qua, nhà trường không ngừng phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, thành tích của trường được giữ vững và nâng cao, chất lượng giáo dục mũi nhọn, chất lượng đại trà luôn dẫn đầu huyện Cẩm Khê” – cô Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết.

Các đại biểu tham dự hội thảo
 Các đại biểu tham dự hội thảo

Còn theo kinh nghiệm của cô Hiệu trưởng Trường Mầm non Thị trấn Sông Thao Đặng Bích Thủy, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đó là: Xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm. Theo đó, các lớp học đều tạo môi trường giáo dục thân thiện nhằm cuốn hút trẻ tham gia vào các hoạt động học tập.

Ngoài ra, nhà trường đã xây dựng khu vui chơi và trải nghiệm ngoài trời để trẻ được thể hiện mình thông qua các hoạt động học tập. Qua đó các em có thể phát huy được sự sáng tạo của mình.

CBQL là yếu tố then chốt

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê, cho biết: Trong những năm qua, sự nghiệp GD&ĐT của huyện có nhiều khởi sắc: Quy mô trường lớp ổn định, cơ sở vật chất trang thiết bị được củng cố, tăng cường đầu tư theo hướng chuẩn hóa, từng bước hiện đại; diện mạo các nhà trường được đổi mới khang trang hơn, tạo đà cho GD&ĐT phát triển, đến nay toàn huyện có 64/95 trường đạt chuẩn Quốc gia. Đội ngũ giáo viên ngày càng đáp ứng đủ về số lượng, trình độ trên chuẩn cao.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Đỗ Thanh phát biểu tại hội thảo
 Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Đỗ Thanh phát biểu tại hội thảo

Chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững, tỉ lệ học sinh yếu kém năm học sau giảm đáng kể so với năm học trước; 100% học sinh Mầm non và Tiểu học hoàn thành chương trình giáo dục; tỉ lệ tốt nghiệp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Giáo dục thường xuyên hằng năm đạt trên 99%.

Chất lượng học sinh giỏi các cấp đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 luôn xếp thứ 5, thứ 6 trong 13 huyện, thành, thị, thi chọn học sinh giỏi lớp 12 luôn xếp tốp đầu trong 44 trường trung học phổ thông trong toàn tỉnh; Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được triển khai có hiệu quả; công tác phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì và giữ vững.

Các cán bộ quản lý giáo dục tham dự hội thảo
Các cán bộ quản lý giáo dục tham dự hội thảo

Cũng tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ Đỗ Thanh khẳng định: Chất lượng đội ngũ CBQL, GV là nhân tố có ý nghĩa quyết định tới sự thành bại của đổi mới giáo dục. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục điều quan trọng nhất phải phát triển được đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

“Giáo viên giỏi phải là người có năng lực sư phạm, có kiến thức và phương pháp luôn được cập nhật, có tình thương, trách nhiệm và đặc biệt phải tạo ra được môi trường học tập để trường học là nơi tập hợp và nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão học trò và vun đắp cho những ước mơ đó trở thành sự thật” – ông Đỗ Thanh nhấn mạnh.

"Trong công tác phát triển đội ngũ thì việc chọn lựa CBQL là yếu tố then chốt. Hiệu trưởng giỏi phải là người có tinh thần trách nhiệm cao, có năng lực quản lý, có tư duy khoa học giáo dục và đặc biệt cần phải truyền lửa đam mê cho đội ngũ của mình" - Ông Đỗ Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ