Xây nền cho chất lượng

GD&TĐ - Công tác giáo dục dân tộc là dấu ấn nổi bật, góp phần giúp Thái Nguyên trở thành một trong những đơn vị xuất sắc trong toàn quốc trong năm học 2013 - 2014.

Vui múa sạp trong ngày hội đến trường năm học 2013 - 2014 tại Trường PTDT Nội trú THCS Phú Lương (Thái Nguyên)
Vui múa sạp trong ngày hội đến trường năm học 2013 - 2014 tại Trường PTDT Nội trú THCS Phú Lương (Thái Nguyên)

Những nỗ lực của ngành Giáo dục Thái Nguyên trong công tác giáo dục dân tộc góp phần quan trọng vào việc duy trì số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục và góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh - quốc phòng vùng dân tộc thiểu số, miền núi; đưa giáo dục miền núi bắt kịp với vùng xuôi.

Chia sẻ về thành quả giáo dục dân tộc với báo Giáo dục và Thời đại, ông Bùi Đức Cường - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho biết:

Cuộc thi giải Toán qua mạng cấp quốc gia vừa qua, trường PTDTNT Thái Nguyên đã đạt 3 giải nhất, 4 giải nhì, 3 giải ba và 6 giải khuyến khích; trường PTDTNT Nguyễn Bỉnh Khiêm có 2 giải khuyến khích; trường PTDTNT THCS Đại Từ có 1 giải ba, 5 giải khuyến khích; trường PTDTNT THCS Phú Lương có 1 giải khuyến khích.

Ông Bùi Đức Cường - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên

Với cuộc thi tiếng Anh qua mạng (IOE) cấp quốc gia, trường PTDTNT Thái Nguyên mang về 2 giải nhì, 3 giải ba và 8 giải khuyến khích; trường PTDTNT Nguyễn Bỉnh Khiêm có 1 giải ba và 2 giải khuyến khích; trường PTDTNT THCS Phú Lương có 1 giải ba.

Trường PTDTNT Thái Nguyên cũng đã tích cực tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh với 3 học sinh dự thi và 1 dự án; kết quả, đạt giải khuyến khích cấp tỉnh...

Kết quả các cuộc thi thể hiện khá rõ chất lượng giáo dục khả quan của các trường PTDTNT. Đâu là chìa khóa then chốt giúp Thái Nguyên đạt được kết quả này?

- Công tác nâng cao chất lượng dạy và học đối với các trường PTDTNT được Thái Nguyên đặc biệt coi trọng. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo chuyên môn bám sát nhiệm vụ trọng tâm trong năm học theo Công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, kế hoạch hoạt động của năm học.

Các trường thực hiện nghiêm túc kế hoạch giảng dạy giáo dục phổ thông theo hướng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT với thời lượng 37 tuần, học kỳ I (19 tuần), học kỳ II (18 tuần).

Đồng thời, thực hiện tốt chương trình và kế hoạch giáo dục trong các trường PTDTNT về dạy học 2 buổi/ngày hoặc quản lý học sinh tự học buổi chiều; dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông; dạy học tự chọn theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT (đối các trường THCS, THPT chủ yếu với các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh); có kế hoạch và thực hiện kế hoach bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu.

Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số để thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy và học được chú trọng. 100 % các trường PTDTNT đã tổ chức khảo sát phân loại năng lực học tập của học sinh ngay từ đầu năm học để xây dựng kế hoạch dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng đúng đối tượng học sinh.

Bên cạnh đó, các nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học bộ môn phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên phù hợp tình hình thực tế để nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh.

Bên cạnh thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn; đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định, các trường PTDTNT đều tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lí dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh. Các trường PTDTNT Thái Nguyên, THPT Bình Yên... đã quản lý điểm bằng phần mềm máy tính, đảm bảo chính xác, khách quan.

Với các trường PTDTBT, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức khảo sát phân loại năng lực học tập của học sinh ngay từ đầu năm học để có kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng đúng đối tượng học sinh.

Đồng thời, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học bộ môn phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên phù hợp tình hình thực tế để nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh.

Tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số để thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy và học.

Kết quả chất lượng giáo dục hai mặt đã được nâng cao hơn so với năm học 2012 - 2013 đặc biệt về học lực của các trường PTDTBT (các trường PTDTBT THCS xếp loại yếu về học lực chỉ còn 36/1261 em; trường PTDTBT tiểu học xếp loại yếu về học lực có 6/191 em).

Trong năm học trường PTDTBT THCS Tân Long đã có 1 học sinh đạt giải khuyến khích cuộc thi tiếng Anh qua mạng (IOE) cấp quốc gia.

Điểm khác biệt tại các trường PTDTNT, PTDTBT là các hoạt động giáo dục đặc thù. Cần có những lưu ý như thế nào để thực hiện tốt các hoạt động này, thưa ông?

- Tại các trường PTDTNT, PTDTBT, ngoài công tác giảng dạy còn có việc tổ chức công tác học sinh nội trú. Để làm tốt công tác này, cần xây dựng và giáo dục học sinh thực hiện tốt nội quy khu nội trú, nội quy phòng ở, quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường...

Tại Thái Nguyên, những công việc trên được thực hiện rất tốt. Cùng với đó, các trường cũng chú trọng nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc và kiến thức địa phương, hoạt động văn nghệ, thể thao để nâng cao đời sống tinh thần và giáo dục toàn diện cho học sinh. 

Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề truyền thống và phân luồng cho học sinh các trường PTDTNT; tăng cường hoạt động lao động sản xuất cải thiện cuộc sống như trồng rau xanh; tổ chức sinh hoạt hướng nghiệp, tư vấn nghề, tham quan, ngoại khoá...

Một trong những yếu tố luôn gắn liền với chất lượng, đó là đội ngũ nhà giáo. Thái Nguyên có những việc làm cụ thể như thế nào nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi?

- Sở GD&DT, các phòng GD&ĐT tại Thái Nguyên đã chủ động bố trí, sắp xếp hợp lí đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các trường PTDTNT, PTDTBT. Các trường PTDTNT mới được thành lập đã có những tiêu chí cụ thể để lựa chọn những giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi, có tâm huyết với giáo dục dân tộc cho các trường PTDTNT.

Năm học 2013 - 2014, Sở GD&ĐT đã tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ trong đó có việc chỉ đạo việc đổi mới sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn.

Về phía các nhà trường đã tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn của tổ/nhóm chuyên môn thông qua hoạt động nghiên cứu bài học. Tăng cường vai trò của tổ trưởng chuyên môn trong công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, chú trọng ý thức tự bồi dưỡng chuyên môn của giáo viên; tích cực đổi mới phương pháp dạy học...

Các trường PTDTNT, PTDTBT cũng đã chủ động tổ chức hội nghị, hội thảo, hội thi về nghiên cứu, trao đổi sáng kiến kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong từng trường PTDTNT, PTDTBT. 

Tổ chức thao giảng, dự giờ thăm lớp và sinh hoạt chuyên môn trong các trường PTDTNT, PTDTBT với các trường phổ thông trên địa bàn...

Năm học tới, Thái Nguyên đặt ra nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục như thế nào đối với giáo dục dân tộc?

- Năm học 2013 - 2014, Sở GD&ĐT Thái Nguyên tiếp tục chỉ đạo việc đổi mới phương pháp dạy học, chỉ đạo việc thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng cấp THCS, THPT để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.

Chỉ đạo tích cực việc đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh để thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học.

Tăng cường các hoạt động giáo dục đặc thù trong trường PTDTNT, PTDTBT và ở vùng núi nơi điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh

Về giải pháp, Sở GD&ĐT sẽ bám sát theo quy định tiêu chuẩn trường phổ thông, tăng cường công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo cho học sinh có học lực yếu kém.

Tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp ở các cấp học đáp ứng nhu cầu học tập. Làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đủ năng lực tham mưu, điều hành nhà trường trong điều kiện mới.

Tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên tâm huyết, trách nhiệm để thu hút sự học tập của học sinh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đặc biệt trong giáo dục dân tộc.

Năm học 2013 - 2014, Thái Nguyên có 1 trường PTDNNT cấp THPT với sĩ số 357 học sinh. Cấp THCS, toàn tỉnh có 5 trường, số học sinh là 909 em. 

Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú. Toàn tỉnh có 9 trường PTDTBT; trong đó 8 trường PTDTBT THCS và 1 trường PTDTBT tiểu học.

Tuyển sinh vào trường PTDTNT Thái Nguyên (cấp THPT) theo hình thức thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Tuyển sinh vào trường PTDTNT cấp THCS theo hình thức xét tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ