Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng): Nhiều đổi mới có tính bước ngoặt

GD&TĐ - Ngày lễ khai giảng năm nay đã không chỉ trở thành mốc dấu ấn cuộc đời đối với hàng ngàn tân sinh viên, mà còn đánh dấu bước chuyển mình phát triển mới của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). 

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng): Nhiều đổi mới có tính bước ngoặt

Khi bước sang năm học 2018-2019, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) thực hiện đổi mới đồng loạt về chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra; môi trường học tập, chính sách mới; tạo dựng cơ hội việc làm, khởi nghiệp dành cho sinh viên, … với cam kết lấy người học làm trung tâm, đảm bảo chất lượng đào tạo.

Đổi mới đáp ứng nhu cầu và quy luật phát triển tất yếu của xã hội

Bước vào năm học mới với tâm thế, tinh thần hứng khởi, thầy và trò Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) mang trong mình niềm tự hào được thực hiện sứ mạng “… đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trên các lĩnh vực khoa học giáo dục, khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn; phục vụ cộng đồng với cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục, hội nhập quốc tế”.

Như điều mà PGS.TS Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cam kết với toàn thể sinh viên, phụ huynh trong buổi lễ khai giảng: “Trong cuộc sống, nhất là trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai, mỗi người chúng ta đều có lí do và được cân nhắc kĩ lưỡng. Với những thành tựu mà Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đạt được trong những năm qua, với các giá trị cốt lõi mà Nhà trường cam kết thực hiện từ sứ mạng, tầm nhìn của mình, tôi khẳng định rằng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) sẽ không đi ngược lại với mong đợi của gia đình và bản thân các tân sinh viên”.

Nói về những đổi mới, thay đổi trong hoạt động đào tạo, PGS.TS Lưu Trang, cho hay: Hiện nay, các chương trình đào tạo mới của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đã và đang mở theo nhu cầu và quy luật phát triển tất yếu của xã hội: đào tạo cử nhân chất lượng cao, đào tạo giáo viên mới giảng dạy các bộ môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay giảng dạy các hoạt động trải nghiệm...

Bên cạnh đó, Nhà trường còn mạnh dạn tạm dừng đào tạo các ngành mà xã hội đã bão hòa về nhu cầu nguồn nhân lực. Ngoài ra, với việc mở rộng lựa chọn chuẩn đầu ra ngoại ngữ không chỉ là tiếng Anh, tiếng Trung, mà còn có cả tiếng Pháp, Nga, Nhật, Hàn. Với sự mở rộng đó chắc chắn sinh viên sẽ có nhiều cơ hội hơn để tích lũy đủ điều kiện tốt nghiệp, đồng thời, sẽ có cơ hội được trau dồi năng lực ngoại ngữ để có thể nắm lấy những cơ hội làm việc, đặc biệt đối với những môi trường cần giao tiếp quốc tế. Năm học 2018-2019, là thời điểm của những thay đổi của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng phục vụ học tập và rèn luyện cho sinh viên.

Đặt quyền lợi người học làm đầu

“Và cũng có thể gọi đây là năm học của nhiều chính sách mới đối với sinh viên đạt thành tích cao trong học tập. Nhà trường sẽ tổ chức những đợt đưa sinh viên giỏi, xuất sắc (ưu tiên cho sinh viên các ngành chất lượng cao) đi thực tế, học tập tại Nhật Bản với kinh phí hoàn toàn do Nhà trường cung cấp. Trường còn phối kết hợp với các trường đại học ở Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản… để các em được tham gia các chương trình đào tạo ngắn hạn và tạo việc làm cho các em sau khi ra trường. Qua đó, cũng là bước khởi đầu để đưa các em tiệm cận với khuynh hướng công dân toàn cầu.

Những ưu đãi, phần thưởng xứng đáng dành trao cho các sinh viên nghiên cứu khoa học; những đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nghiên cứu hiện đại; những hoạt động khởi nghiệp của sinh viên được quan tâm, với quan điểm sinh viên sẽ tự tạo việc làm cho mình và mang lại cơ hội việc làm cho người khác chứ không chỉ trông chờ vào các nhà tuyển dụng… Và những quyết sách này, nhằm thực hiện mục tiêu vì người học là trung tâm và vì sự phát triển của Nhà trường”, PGS.TS Lưu Trang cho biết.

Gửi trọn niềm tin vào các thế hệ sinh viên Nhà trường, PGS.TS Lưu Trang mong muốn: Trúng tuyển vào đại học mới chỉ là bước khởi đầu, là kết quả của một quá trình tích lũy tri thức của 12 năm bậc học phổ thông, song để trở thành một sinh viên có thể thích nghi với giảng đường đại học, phía trước các em là một hành trình đòi hỏi nhiều hơn sự tích lũy đó. Nhất là trước thời đại của cách mạng công nghệ 4.0; thời đại của toàn cầu hóa và quốc tế hóa, sinh viên phải là những người biết làm chủ tri thức, sáng tạo ra tri thức, làm chủ kĩ năng, chủ động hội nhập và có khả năng khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi ở ghế giảng đường đại học.

Để thực hiện được điều đó, các em vừa phải tham gia vào một không gian học tập theo những mô hình tương tác và đảo ngược; vừa phải học tập, rèn luyện tư duy nghiên cứu khoa học, chủ động sáng tạo. Nhưng hơn hết, đó là môi trường học tập, ở đó các em được trình bày chính kiến, được trao đổi, phản biện và được kiểm tra, đánh giá khách quan. Nếu có ý thức, có tinh thần tự chủ, cầu thị, có niềm say mê và lòng tự trọng, thành công và cả cơ hội việc làm sẽ đến với các em ngay sau khi ra trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ