Giảng dạy trí tuệ nhân tạo trong trường phổ thông: Chiến lược dài hơi

GD&TĐ - Thực hiện đề án GD thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2021 - 2030, năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT TPHCM triển khai thí điểm giảng dạy trí tuệ nhân tạo (AI) trong chương trình chính khóa ở bậc THCS và THPT.

Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong lĩnh vực đào tạo tại một số cơ sở giáo dục ở Việt Nam. Ảnh minh họa
Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong lĩnh vực đào tạo tại một số cơ sở giáo dục ở Việt Nam. Ảnh minh họa

Những nền tảng thuận lợi

Theo ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, thực hiện Đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, TPHCM nói chung và ngành GD-ĐT nói riêng đã triển khai nhiều kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung của đề án. Thời gian qua, một số trường trung học trên địa bàn bước đầu đưa AI vào giảng dạy cho học sinh. Tuy nhiên, tất cả mới dừng ở chương trình nhà trường hoặc hình thức câu lạc bộ.

Thông tin tại Hội nghị trực tuyến triển khai nội dung trí tuệ nhân tạo (Al) vào hoạt động giáo dục và dạy học trong trường phổ thông do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức, bà Trần Thị Kim Phụng - chuyên viên Tin học, Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TPHCM) cho hay: Kết quả khảo sát 388 trường trung học trong năm học 2021 - 2022 cho thấy, có 62 trường đã tổ chức hoạt động ngoại khóa, sân chơi công nghệ cho học sinh; 83 trường thành lập câu lạc bộ có nội dung sinh hoạt liên quan đến bộ môn Tin học. Ngoài ra, kết quả khảo sát đối với 569 giáo viên đang dạy tin học ở cấp trung học, có 46 người là thạc sĩ thuộc các ngành liên quan bộ môn Tin học; 319 người đã tham gia các khóa học trí tuệ nhân tạo và một số môn học liên quan như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, học máy, xử lý hình ảnh/thị giác máy tính…

“Đặc biệt, có 95 giáo viên đã tìm hiểu và lồng ghép các thông tin liên quan đến Al vào bài dạy cho học sinh. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng thể hiện sự quan tâm của đội ngũ nhà giáo đối với ứng dụng Al…”, bà Trần Thị Kim Phụng thông tin.

Ngoài ra, cuộc thi Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2021 - 2022 có 887 đề tài tham dự. Trong đó có 124 đề tài thuộc lĩnh vực hệ thống nhúng, phần mềm, Robot và máy tính thông minh. Đặt biệt có một số đề tài về AI, như: Hệ thống phân tích cảm xúc thông minh hỗ trợ giáo dục trẻ tự kỷ; Phần mềm hệ thống nhận biết tin giả; Jammox - ứng dụng cảnh báo kẹt xe tự động cho lộ trình quen thuộc; Ứng dụng máy học xây dựng phần mềm tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT; Thuật toán giao hàng drone và việc tích hợp Jetson Nano (máy tính nhúng) lên drone…

Thầy Phạm Văn Tú - Tổ trưởng chuyên môn Tin học, Trường THPT Hùng Vương (TPHCM) cho rằng: Mục tiêu của dạy học Al là giới thiệu và giúp học sinh tìm hiểu, trải nghiệm, thực nghiệm các sản phẩm trí tuệ nhân tạo, qua đó góp phần phát triển phẩm chất và năng lực, ôn tập và củng cố kiến thức môn Tin học cho học sinh, giúp các em biết vận dụng kiến thức đã học giải quyết vấn đề của cuộc sống.

Hiện nay, theo chương trình giáo dục hiện hành, học sinh được học lập trình trong chương trình tự chọn lớp 8 và chương trình chính khóa lớp 11. Trong đó, kế hoạch bài dạy gồm 3 bước: Chuẩn bị (bộ câu hỏi định hướng, thiết kế chủ đề và giao nhiệm vụ cho học sinh, chuẩn bị tài liệu), Thực hiện (theo dõi, hướng dẫn và đánh giá học sinh, chuẩn bị và hỗ trợ cơ sở vật chất, định hình sản phẩm cho các nhóm) và Kết thúc hoạt động (thông qua buổi báo cáo, đánh giá sản phẩm).

Hội nghị trực tuyến triển khai nội dung trí tuệ nhân tạo (Al) vào hoạt động giáo dục và dạy học trong trường phổ thông. Ảnh: C.Chương
Hội nghị trực tuyến triển khai nội dung trí tuệ nhân tạo (Al) vào hoạt động giáo dục và dạy học trong trường phổ thông. Ảnh: C.Chương

Triển khai ra sao?

Theo đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, thành phố sẽ triển khai thí điểm mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh theo phạm vi mỗi quận, huyện chọn 1 đơn vị thí điểm, riêng cấp THPT chọn 5 trường để thực hiện. Qua đó xây dựng nền tảng tích hợp liên thông, đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục.

“Hiện Al được đưa vào các trường học ở nhiều mức độ. Do đó, các trường cần lựa chọn hình thức phù hợp để triển khai cho học sinh. Trong đó, nhu cầu xây dựng kho học liệu mở đáp ứng nhu cầu về trí tuệ nhân tạo, cung cấp tư liệu phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của học sinh và giáo viên chiếm giữ vai trò quan trọng…”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc đưa ra đánh giá.

Ngoài ra, chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tạo điều kiện triển khai Al đồng bộ hơn trong các trường học. Đồng thời, ngành Giáo dục TP cũng phối hợp với các trường sư phạm đào tạo đội ngũ giáo viên tin học phục vụ nhu cầu giảng dạy của  trường phổ thông. Trong đó, ngoài đội ngũ giáo viên tin học có thể mở rộng thêm đối tượng giáo viên vật lý, công nghệ… nhằm tạo lực lượng hùng hậu, đảm bảo triển khai chuyên sâu và hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên - Trưởng phòng GD&ĐT TP Thủ Đức, đơn vị dự kiến phối hợp với Trung tâm AI - Khu công nghệ phần mềm, ĐH Quốc gia TPHCM triển khai giảng dạy AI cho học sinh tiểu học, THCS từ năm học 2022 - 2023. Đến thời điểm này, Phòng GD&ĐT TP Thủ Đức đã tổ chức cho các cán bộ quản lý trường tiểu học, THCS trên địa bàn đến tham quan và tìm hiểu về chương trình giảng dạy tại Trung tâm AI. Đồng thời, một số trường cũng tổ chức cho học sinh đến trung tâm để tham quan và tìm hiểu về lập trình cho robot.

“Chúng tôi xin phép và Sở GD&ĐT TP có văn bản cho phép Thủ Đức triển khai chương trình này dưới dạng câu lạc bộ hoặc chương trình nhà trường. Tuy nhiên, để thực hiện, các trường phải nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của phụ huynh…” - ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên chia sẻ.

Từng cho học sinh làm quen với AI, thầy Đỗ Quốc Anh Triết - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) cho rằng: Để triển khai Al thành công trong các trường học cần tầm nhìn, quyết tâm hỗ trợ và phối hợp triển khai của nhà trường, kết hợp với đầu tư chương trình giảng dạy, giáo án, đội ngũ, hệ thống học tập và yếu tố say mê ham học hỏi của học sinh.

“Sở GD&ĐT TPHCM  đã “đặt hàng”  Trường ĐH Sài Gòn để nghiên cứu khoa học Xây dựng chương trình giảng dạy AI cho học sinh TP. Khi đề tài này được nghiệm thu và các cấp có thẩm quyền phê duyệt để áp dụng vào thực tế, sở sẽ thực hiện giảng dạy AI đại trà ở tất cả trường THCS, THPT trên địa bàn TPHCM”. - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ