Có hay không một nền giáo dục miễn phí?

GD&TĐ - Trường học miễn phí xuất hiện vào thế kỷ XIX ở Mỹ, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Anh.

Học sinh Phần Lan được học tập trong những điều kiện tốt nhất.
Học sinh Phần Lan được học tập trong những điều kiện tốt nhất.

Nhưng ở đây người ta không nói về một nền giáo dục toàn diện, tương lai nghề nghiệp và nhu cầu cá nhân, mà về việc xóa nạn mù chữ. Nghĩa là, các trường tiểu học miễn phí phải cung cấp cho học sinh một khối lượng kiến ​​thức tối thiểu, cần thiết để các em có thể sống trong xã hội…

Phần Lan: Không được đuổi học sinh

Tỷ lệ ngân sách nhà nước Phần Lan dành cho giáo dục là 17%. Nhưng tiền không phải là món quà của số phận, mà là kết quả của một nền kinh tế phát triển và mức thuế thu nhập cao (36%) đối với tất cả công dân. Gần đây, Phần Lan còn chi thêm hơn 20 tỷ euro cho cải cách giáo dục. Học sinh Phần Lan được ăn uống, đi lại, sử dụng sách giáo khoa, thậm chí máy tính bảng miễn phí.

Ở Phần Lan không học sinh nào bị đuổi học, những em học kém được phụ đạo riêng. Vì mật độ dân cư thấp, lớp học ở Phần Lan có quy mô nhỏ, tối đa là 15 học sinh. Đặc điểm dân tộc cũng góp phần tạo nên bầu không khí hiểu biết lẫn nhau tuyệt vời giữa giáo viên và học sinh. Người Phần Lan không quen vội vàng, họ thích làm việc tập thể, không phải ganh đua cá nhân.

Trung Quốc: Kỷ luật và cạnh tranh

Tại các trường công ở Trung Quốc, quá trình giáo dục chịu ảnh hưởng thống nhất của Nhà nước. Học sinh được cung cấp một khối lượng kiến ​​thức cơ bản cho cuộc sống trong xã hội.Ngoài học kiến thức, học sinh được rèn luyện quân sự cơ bản, tham gia lao động sản xuất.

Ở Trung Quốc, cứ 17 học sinh thì có 1 em học trường tư. Bởi học phí trường tư rất đắt - từ 3.000 USD/ tháng trở lên (gần 70 triệu đồng). Học sinh trường tư được ăn, ở trong khu nội trú, mỗi lớp có 20 em, học theo những phương pháp hiện đại và có nhiều cơ hội vào đại học.

Số còn lại được bảo đảm một nền giáo dục miễn phí (đến cấp THCS). Ở nhiều thành phố của Trung Quốc có điều kiện học tập rất khó khăn. Mỗi lớp có 40 – 80 học sinh, vì vậy giáo viên phải dùng micrô để giảng bài. Kỷ luật giống như trong quân đội: Đi muộn phải đứng học, chứ không ngồi và phải vệ sinh lớp. Các nhà giáo dục tìm ra những biện pháp cứng rắn để “thuần hóa” một số lượng lớn học sinh như vậy.

Trong bối cảnh đó, học sinh cạnh tranh với nhau rất quyết liệt. Nếu khi kết thúc trường THPT, học sinh đạt điểm thấp thì con đường vào đại học xa vời vợi. Chỉ có 10% học sinh tốt nghiệp THPT ở Trung Quốc trong chỉ tiêu vào đại học và đó là cơ hội duy nhất để có được một công việc lương cao.

Học sinh Trung Quốc luôn luôn ở trong trạng thái căng thẳng. Ngay từ tiểu học, mỗi năm các em đã phải trải qua hai kỳ thi quốc gia. Trước đại dịch Covid-19, có những học sinh phải đến lớp ngay cả khi bị sốt cao, vì bỏ học nghĩa là mất tiền. Để đuổi kịp chương trình, học sinh phải mời thầy dạy kèm với học phí cao.

Buổi học ở trường kéo dài 8 - 9 giờ/ngày, sau đó học sinh phải tham gia các nhóm theo sở thích, làm bài tập về nhà, học thêm đến tận khuya. Phần lớn học sinh Trung Quốc học thêm tại các trung tâm giáo dục để nâng cao kiến ​​thức. Bởi trường công không cung cấp đủ kiến thức cơ bản để vào học đại học.

Học sinh Trung Quốc cạnh tranh nhau rất quyết liệt.
Học sinh Trung Quốc cạnh tranh nhau rất quyết liệt.

Bulgaria: Tìm cách vào trường chuyên, lớp chọn

Bulgaria là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của nền giáo dục miễn phí ở Liên Xô cũ. Từ năm 1980 của thế kỷ trước, Bulgaria quyết định cải cách chiến lược đào tạo: Học sinh được học các môn khoa học và nghệ thuật để sau này có thể làm việc trong các ngành nghề khác nhau. Trước đây chỉ một phần ba số học sinh được vào học THPT, nay chính phủ thực hiện phổ cập giáo dục trung học miễn phí. Tuy nhiên, chủ trương này đã gây ra rất nhiều khó khăn. Năng lực của giáo viên không đáp ứng yêu cầu giáo dục, nhiều học sinh bị điểm kém. Động cơ học tập của học sinh biến mất, giáo dục đại học không còn là mơ ước.

Ở Bulgaria có loại hình các trường phổ thông chuyên, được gọi là “tinh hoa bí mật”. Học sinh rất khó để được vào học các trường phổ thông chuyên này nếu không có học lực giỏi. Do đó, nhiều phụ huynh đã đưa hối lộ để con được vào học trường chuyên, lớp chọn.

Theo thống kê, hiện ở Bulgaria, các bậc phụ huynh phải chi 200 - 400 USD/ tháng (4,6 - 9,2 triệu đồng) cho con học các lớp dự bị để thi vào các trường trung học tốt nhất.

Ukraina: Các khoản thu không công khai

Học sinh trường công Ukraina phải đóng góp rất nhiều khoản phí.
Học sinh trường công Ukraina phải đóng góp rất nhiều khoản phí.

Ở Ukraina, chỉ 1% học sinh học tại các trường tư, bao gồm trường tư mini (học phí từ 300 USD/tháng), trường tư trung bình (từ 500 USD) và trường tư tinh hoa (từ 1.000 USD).

Tuy nhiên, theo tính toán của một số phụ huynh, tổng chi phí trong các trường công lập “miễn phí” cũng không thua kém gì học phí của các trường tư. Bao gồm các khoản: Văn phòng phẩm, vở bài tập và “bộ dụng cụ học sinh” hàng năm cộng với các khoản mua không thường xuyên như cặp sách: Ít nhất là 1.000 hryvnia/năm (khoảng 900.000 đồng).

Các khoản thu thường xuyên (không phải lúc nào cũng hợp pháp) gồm: Bảo vệ, vệ sinh trường, nước uống, điện, quà tặng, tham quan, sửa cơ sở vật chất trường học… mỗi học sinh phải đóng 3.000 - 6.000 hryvnia/năm (khoảng 2,5 - 5 triệu đồng).

Do nhu cầu học tập của con, nhiều phụ huynh sẵn sàng trả lệ phí một lần để con được nhận vào học trái tuyến với số tiền không nhỏ, khoảng 2.000 - 10.000 hryvnia (khoảng 4,5 - 10 triệu đồng).

Ngoài ra, học sinh phải đóng phí tham gia học các nhóm lớp năng khiếu với số tiền 6.000 hryvnia/năm (khoảng 5 triệu đồng).

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh phải thuê gia sư dạy kèm cho các con, bởi không phải học sinh nào cũng có thể thi đỗ trường đại học mong muốn. Thời gian gần đây, ngoài các môn học thông thường, việc mời các chuyên gia tâm lý tư vấn cho học sinh trước khi học sinh thi đại học đã trở nên phổ biến. Mỗi lần tư vấn mất ít nhất 10.000 hryvnia (khoảng 8 triệu đồng).

Ước tính, mỗi năm một học sinh trường công ở Ukraina phải chi khoảng từ 5.000 - 6.000 USD (115- 140 triệu đồng).

Theo báo Ukraina

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.