Ngôn ngữ tuổi teen: Để không có những ngôn từ phản cảm

GD&TĐ - Trẻ nói bậy nhằm thể hiện cảm xúc tiêu cực của bản thân như đau đớn, bực bội. Hoặc đơn giản, trẻ tự cho rằng làm vậy vì muốn phù hợp với tập thể, môi trường xung quanh.

Cha mẹ không nên quát, mắng hay đánh con khi trẻ nói bậy. Ảnh minh họa.
Cha mẹ không nên quát, mắng hay đánh con khi trẻ nói bậy. Ảnh minh họa.

Quan trọng là, cha mẹ cần giải thích, không dùng bạo lực để chấm dứt hành vi này.

Khi bắt gặp con nói bậy, phụ huynh cần cho trẻ thấy, hành vi đó là rất xấu xí. Khi nhận thức được nói tục không tốt và không thú vị, mới mẻ, hấp dẫn, trẻ sẽ chấm dứt tình trạng đó.

Lỗi không của riêng con

Hành vi sử dụng những từ ngữ mang tính phỉ báng, xúc phạm, thô lỗ hoặc lăng mạ đối với người khác được gọi là nói tục. Tuy nhiên, bản chất nói tục của người lớn khác với trẻ em. Trẻ nói tục, thô lỗ do bắt chước, quan sát thấy người xung quanh sử dụng những từ ngữ thể hiện cảm xúc hoặc phỉ báng người khác.

Vì vậy, trước hết, trẻ nói tục là để thử nghiệm từ ngữ mới, cũng như cách sử dụng những từ đó. Thậm chí, trẻ rất hứng thú muốn thử xem từ ngữ đó được sử dụng với mục đích ra sao.

Người xưa nói “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Lời tốt đẹp khích lệ người khác sẽ mang đến thiện lành. Trái lại, những lời nói “xấu xí” có thể làm tổn thương người khác và gây ra những hậu quả khôn lường. Vì vậy, cha mẹ nên giúp con hiểu giá trị của câu nói hay và sự tồi tệ của lời tục. Nhờ vậy, giúp con có nhận thức rõ hơn.

Bất cứ ông bà, bố mẹ nào cũng đều thương con, cháu hết mực. Tuy nhiên, điều quan trọng là, khi con nhỏ phạm sai, người lớn cần nghiêm khắc chỉ ra lỗi của trẻ. Nhờ đó, giúp con biết nhận lỗi. Con nói tục phải làm sao chắc hẳn là câu hỏi của nhiều ông bố, bà mẹ thời nay.

Đơn cử như trường hợp bé Bông (4 tuổi) nhà chị Mỹ Hương (Đống Đa, Hà Nội). Gia đình chị Hương chia sẻ, không biết con đã bắt chước ai, nhưng sau giờ học, Bông nói tục với mẹ một cách “tỉnh queo”. Đáng nói là, gia đình chị Hương thường chú trọng tới lời nói và không bao giờ nói bậy trước mặt con.

“Khi nghe con nói tục, tôi vô cùng bất ngờ. Đôi khi do không kiềm chế được, tôi đã đánh vào tay con. Tuy nhiên, một thời gian sau, tình trạng này lại tiếp diễn. Thậm chí, có lần tôi phạt con úp mặt vào tường vì không chịu thu dọn đồ chơi. Nhưng, khi bố đến gần dỗ dành, Bông bất ngờ quát “Cút đi!”. Sau đó, tôi đã mất rất nhiều thời gian để giảng giải cho con”, chị Hương chia sẻ.

Trẻ chưa ý thức được nói tục là hành vi xấu. Ảnh minh họa.
Trẻ chưa ý thức được nói tục là hành vi xấu. Ảnh minh họa.

ThS.BS Nguyễn Lan Hải - chuyên gia tâm lý, chia sẻ: “Cha mẹ nào cũng muốn con mình ngoan. Tuy nhiên, khi trẻ bắt đầu nhận thức cũng là lúc chúng bắt chước những lời nói, hành động của người xung quanh.

Một trong những điều dễ học nhất là nổi giận, thậm chí nói tục, chửi bậy. Nhiều cha mẹ cho rằng, con bức xúc quá mới thốt ra những lời này nên bỏ qua. Ngược lại, có phụ huynh bị bất ngờ và phản ứng gay gắt, thậm chí đánh con. Một số bất lực buông tay thở dài “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”.

Theo chuyên gia này, gia đình là nơi giáo huấn đầu tiên, trước khi trẻ tiếp nhận sự giáo dục của nhà trường và chịu ảnh hưởng phức tạp từ xã hội. Do đó, môi trường nuôi dạy con vô cùng quan trọng. Bởi, sẽ rất khó để dạy trẻ nên người trong một gia đình hay xung đột, hay khu phố đầy tệ nạn.

“Ai đó đã nói rằng: Thói quen lúc đầu như mạng nhện, càng về sau nó trở nên như cuộn dây thừng. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy bé có thể thành đứa trẻ hư. Thường xuyên cáu giận từ nhỏ, trẻ cho rằng mình có quyền gây chú ý và không thể tự nguôi ngoai khi yêu cầu không được đáp ứng, tính nết hung hăng, dễ nổi cáu, không biết nhường nhịn, bất trị”, ThS Lan Hải nói thêm.

Nếu phụ huynh bỏ qua, có thể, con sẽ trở thành người thô lỗ, thách thức, ngang ngạnh, mất kiểm soát, thiếu tôn trọng bạn bè, thầy cô giáo và người lớn. Kết quả từ một cuộc điều tra xã hội học cho thấy, tỉ lệ nói tục, chửi bậy và nói dối cha mẹ ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và sinh viên là 80%.

Theo một số chuyên gia tâm lý, cha mẹ cần ngay lập tức ngăn con lại, giải thích để con không bắt chước thói xấu của người khác, đặt ra một số nguyên tắc trong nhà và nhắc nhở thường xuyên. Nhờ đó, giúp con hiểu mình có thể và không nên làm gì.

“Không bao giờ thỏa hiệp với con. Điều đó chỉ khiến kết quả tồi tệ hơn. Cha mẹ không thỏa hiệp lợi ích ngắn hạn để hình thành thói quen xấu cho con. Chẳng hạn, khi con cáu kỉnh “nhỡ miệng” nói tục, phụ huynh lờ đi giả vờ như không nghe thấy gì, hoặc tỏ ra “ngoại giao”, thanh minh với người khác trước mặt con trẻ”, ThS Lan Hải dẫn chứng.

Cũng theo chuyên gia này, các thói xấu của con thường bắt nguồn từ sự lệch lạc trong nhận thức và cách ứng xử từ cha mẹ, hoặc những người lớn khác.

Tuy nhiên, những thói xấu này hoàn toàn không phải do ngẫu nhiên hoặc “Trời sinh”. “Một số học sinh có hành vi lệch chuẩn như: Nói tục, chửi thề, xả rác bừa bãi… hoặc có thái độ ngông nghênh, ngạo ngược, thích đua đòi, sống buông thả, không nỗ lực học hành, rèn luyện… Những trẻ này thường lớn lên trong gia đình nơi cha mẹ có lối sống thiếu chuẩn mực, hoặc tác động sai lầm với con. Vì vậy, người lớn nên nhận lỗi và tự trách mình khi con trẻ sai trái, hơn là đổ lỗi cho nơi khác”, ThS Lan Hải nhấn mạnh.

Trẻ cần phát triển trong môi trường lành mạnh. Ảnh minh họa: Thế Đại.
Trẻ cần phát triển trong môi trường lành mạnh. Ảnh minh họa: Thế Đại.

Không dùng bạo lực

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Lanh cho biết, không ít trẻ nói bậy, nói tục hoặc có những ngôn từ không văn hóa. Tuy nhiên, thực tế, đó chỉ là hành vi của trẻ. Nhiều cha mẹ cố gắng ngăn cản hành vi đó bằng cách mắng, chửi, quát, thậm chí là đánh vào miệng con.

“Ngay lúc đó, trẻ sẽ không nói bậy vì sợ bị mắng, đánh. Tuy nhiên, đó không phải là vì trẻ đã phân biệt được những từ ngữ xấu như vậy là đúng hay sai, là tốt hay xấu. Thực tế, khi trẻ nói tục, cha mẹ không nên chỉ nhìn vào hành vi đó của trẻ. Thay vào đó, phụ huynh cần để ý xem con đang nghĩ gì? Vì sao con lại thốt ra những lời lẽ như vậy?”, bà Lanh nhấn mạnh.

Bởi, khi nói tục, có thể trẻ không phân biệt được những từ ngữ đó là đúng hay sai, thế nào là bậy và không bậy. Thậm chí, trẻ cũng chưa thể phân biệt được đâu là những lời nói “tử tế”. Do đó, cha mẹ cần tìm hiểu xem con đang nghĩ gì. Và, thứ cần điều chỉnh ở trẻ không phải là hành vi nói bậy. Thay vào đó, phụ huynh cần hướng dẫn suy nghĩ đúng đắn ở con. Như vậy, trẻ sẽ không nói tục, vì sự hiểu biết, thay vì sợ cha mẹ.

Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền nhận định, nói tục là một hành động không đẹp, là thói quen xấu. Nhiều khi, nói tục thể hiện đó là một người không được giáo dục, dạy dỗ một cách chu đáo. Nhưng đối với trẻ nhỏ, đó đơn giản là hành động bắt chước. Và, trẻ chưa đủ lớn để ý thức được hậu quả của nó. Chính vì thế, người lớn cần hiểu bản chất của việc nói tục ở trẻ em và có cách ứng xử phù hợp.

“Đôi khi phim, sách báo, truyện hay chính những câu chuyện hằng ngày của người lớn có sử dụng từ tục. Điều đó khiến trẻ nhớ rất nhanh. Trẻ luôn tò mò, khám phá, học hỏi thế giới xung quanh và chúng nhìn vào người lớn để học hỏi.

Trẻ em dưới 5 tuổi thường nói tục để đáp trả lại, mặc dù chúng không hiểu nghĩa của từ đó là gì. Thế giới bên ngoài rất lạ lẫm và bí ẩn với trẻ. Do đó, trẻ em cần được học những từ ngữ, hành động thích hợp để sử dụng khi cảm thấy thất bại hoặc tức giận”, chuyên gia này giải thích.

Vậy, cần làm gì khi con nói tục? Đây chắc hẳn là “bài toán khó” đối với không ít ông bố, bà mẹ. Theo chuyên gia Phạm Hiền, khi trẻ bắt đầu có hiện tượng nói tục, cha mẹ cần chỉnh đốn ngay lập tức. Như vậy, trẻ sẽ không sử dụng từ ngữ như vậy nữa.

Nếu để tình trạng này kéo dài, vô tình, cha mẹ đã để trẻ hình thành thói quen xấu rất khó từ bỏ ở trẻ. Bởi, khi đó, chúng đã ăn sâu vào tiềm thức của con. Do đó, phụ huynh hãy chỉ cho trẻ biết rằng, con không được phép sử dụng những từ ngữ thô tục. Trẻ cũng cần hiểu rằng, nói tục sẽ bị mọi người chê cười. Và, như thế là không tốt nên con cần phải sửa.

“Đôi khi trẻ nói tục để thể hiện cảm xúc một cách mạnh mẽ, chứ không hề để ý đến ý nghĩa của từ đó. Hãy nhẹ nhàng nghe con nói và giải thích lý do trẻ không nên dùng từ tục để thể hiện cảm xúc”, chuyên gia này khuyến cáo.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần cho con thấy, hành vi nói tục là rất xấu xí. Khi nhận thức được nói tục hoàn toàn là một hành vi xấu và không thú vị, mới mẻ, hấp dẫn, trẻ sẽ chấm dứt tình trạng đó.

“Khi không muốn con nói tục hay bực bội, cha mẹ đừng tạo nên tình huống buộc trẻ cáu gắt. Khi cấm trẻ nói tục bằng cách nói “câm ngay”, “im mồm”, “mất dạy”…, phụ huynh chỉ càng khiến trẻ thêm bức xúc và muốn sử dụng những từ ngữ thô tục để đối phó.

Hãy hạn chế tất cả mọi người nói tục trước mặt trẻ và cho con thấy giới hạn của việc sử dụng từ ngữ”, chuyên gia Phạm Hiền gợi ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.