Muôn cách giữ chồng: Cách nào cũng... bất cập?

GD&TĐ - Trường tôi dạy có quá nửa là đồng nghiệp nữ. Nhiều cô có bạn đời công tác trong ngành và cả chung một trường. Các cô hay truyền cho nhau bí kíp giữ chồng…

Muôn cách giữ chồng: Cách nào cũng... bất cập?

Tuyệt đối không cho chồng giữ tiền

Điều đầu tiên là tuyệt đối không cho chồng giữ tiền. Thẻ ATM các cô phải quản lý. Muốn tiêu xài gì phải báo cáo. Các cô cho rằng, để chồng có tiền trong túi dễ sinh “hư”. Nào là bia bọt, tiệc tùng, tăng hai, tăng ba. Nào là tiền bo, quà tặng cho tiếp viên…

Phụ nữ sinh ra để quản lý tiền bạc trong nhà. Có cô tự hào khoe, chồng muốn mua gì, giao lưu với bạn bè ra sao… phải chờ cô duyệt! Thế cho nên có thầy tâm tư rằng, từ hồi nhà trường làm thẻ ATM cho giáo viên, em chưa hề biết cách rút tiền như thế nào. Mọi thao tác bà xã làm hết. Em cũng chẳng thèm học làm gì vì bà xã lo hết rồi!

Một lần đi rút tiền, nhường cô giáo cùng trường vào trước, nhưng mãi mười phút trôi qua mà cô giáo vẫn chưa xong. Tôi sốt ruột không biết cô rút bao nhiêu tiền mà lâu quá vậy. Nào ngờ cô xô cửa bước ra, mặt tái xanh, cô nói:

- Thầy ơi, thẻ của em bị “nuốt rồi” làm sao bây giờ?

Tôi nhắc chồng cô giải quyết xem sao. Anh bảo:

- Em có biết gì đâu mà giải quyết. Em chưa bao giờ bước vào trong đó! Thầy giúp tụi em với.

Tôi hỏi cô về những thao tác mà cô đã làm. Cô vừa nói vừa chìa xấp tiền cho tôi xem: - Thì có gì đâu, cũng như mọi lần. Em nhập mã pin rồi rút tiền là xong. Không ngờ lần này mất thẻ luôn. Tính rút tiền mua xe cho con gái đó.

Tôi nhìn thấy trên tay cô có đến hai thẻ ATM, tôi hỏi:

- Cô rút tiền mấy lần?

Cô trả lời:

- Thì rút tiền ở thẻ của em xong. Em rút tiền bằng thẻ của chồng. Mà không hiểu sao nhập mã ba lần, lần nào cũng từ chối rồi không trả thẻ lại cho em.

Suy nghĩ hồi lâu, tôi nói:

- Thầy biết vì sao thẻ của em bị từ chối rồi. Có lẽ do vội vàng, em sử dụng thẻ của chồng mà vẫn nhập mã thẻ của em phải không?

Cô giáo ngớ người:

- Thôi chết, đúng là em quen tay nhập mã của em vào đấy. Mã pin do chồng đặt nhưng thẻ này em quản lý lâu rồi. Hèn gì tiền không rút ra được. Bây giờ phải chờ sáng mai mới liên hệ ngân hàng lấy thẻ lại chứ bây giờ đã tối rồi..

Hai vợ chồng dẫn nhau ra về. Hôm sau khi nhân viên ngân hàng giao lại thẻ, cả hai mới vui. Nhưng cô giáo vẫn quyết giữ thẻ chứ không giao lại cho chồng vì “em giữ mới yên tâm”.

Quản lý chi tiêu của chồng: Càng chặt càng tốt

Câu chuyện khác gây cảm xúc cho người nghe. T là giáo viên dạy mỹ thuật. Ngoài giờ dạy, T được phụ huynh, đồng nghiệp nhờ trang trí, vẽ vời cho gia đình, cơ quan nên cũng có đồng ra đồng vào.

T, trong một bữa tiệc có chia sẻ rằng vợ T cũng là cô giáo cùng trường, thu nhập của anh vợ biết hết. Việc làm ngoài giờ của T, T không nói đúng thu nhập, luôn giữ lại một phần để sinh hoạt.

T nói: Mỗi ngày vợ phát cho 30 ngàn. Một tháng là 9 trăm ngàn. Thêm 1 trăm ngàn đổ xăng là tròn một triệu. Mà lương em trên tám triệu. Nghĩa là đúng 1/8. Nếu có phát sinh, phải báo cáo vợ mới chi.

Em mà không giữ lại một phần, làm sao có tiền cà phê với bạn. Vậy mà vợ vẫn nghi em lập quỹ đen, hay nói gần nói xa. Chẳng lẽ cãi nhau hoài coi cũng kỳ. Xăng lên giá, vợ vẫn tính đúng 20 ngàn một lít, thế mới ghê!

Nhóm các cô giáo trường tôi luôn cho rằng, nam giới thì không nên giữ tiền nhiều trong người. Có tiền dễ sanh tật!

Không biết tật như thế nào nhưng vợ chồng hay va chạm. Những ngày lễ, kỷ niệm của gia đình, thấy bạn bè được tặng hoa, tặng quà, có cô cảm thán:

- Sao chồng không như người ta?

Các cô quên rằng chồng có tiền đâu mà mua quà, mua hoa. Các cô quản lý hết rồi. Nghe vậy các cô chỉ cười.

Khi chồng quản tiền của vợ

Cá biệt có đức ông chồng quản lý hết tiền bạc của vợ. Lý do là có tiền, vợ sẽ tiêu xài phí phạm vào ăn diện, mua sắm. Quý cô có chồng như thế khổ không kém.

Chi tiêu gì cũng dè dặt đợi ý kiến của chồng cho dù là mua để phục vụ sinh hoạt gia đình. Tiệc tùng xin vắng, cà phê xin thôi, bạn bè không tiếp xúc, ăn mặc sao cũng được miễn cho vừa lòng chồng, giữ được hạnh phúc gia đình.

Hạnh phúc đâu chẳng thấy chỉ thấy các cô ngày một héo tàn, năng suất làm việc không cao, thu mình lại không còn niềm vui.

Thật ra giữ hết tiền không thể là phương pháp giữ được chồng. Ngân sách gia đình nên công khai phần đóng góp của mỗi người.

Ngoài những mục chi tiêu lớn cho cả nhà cũng phải nghĩ đến khoản chi riêng cho thăm viếng cha mẹ, giao lưu với bạn bè… Kiểm soát quá kỹ tiền bạc của chồng, vợ lắm khi không giữ được hạnh phúc gia đình mà còn ngược lại điều đó sẽ trở thành lý do để vợ, chồng vin vào khi đã có ý khác.

Không nên cho rằng khoản tiền vợ hay chồng giữ lại là để chi tiêu riêng mà nên gọi đó là quỹ dự phòng cho mỗi người thì hay hơn. Một khi vợ chồng không còn trân trọng hạnh phúc của gia đình thì việc quản lý tiền bạc như thế không còn ý nghĩa gì nữa!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ