Khoe con cái trên mạng xã hội: Dùng giấy khen, hành tích của con để… “câu like”?

Khoe con cái trên mạng xã hội: Dùng giấy khen, hành tích của con để… “câu like”?

Cứ vào thời điểm hết một học kỳ hay cuối năm học, mạng xã hội lại tràn ngập các bảng điểm, giấy khen, thành tích của con. Hầu hết đó là những điểm 9, điểm 10 cùng những lời tung hô, tán dương hết cỡ của cộng đồng mạng.

Thành tích của con hay của cha mẹ?

“Điểm Học kỳ 1: Ngữ văn 9 - 8; Toán 10 - 10; Vật lý 10 - 10; Sinh học 10 - 10; Lịch sử 10; Địa lý 10; GDCD 10; Tiếng Anh 6 - 9,5; tin học 9 - 10; Công nghệ 7 - 10. Các môn Âm nhạc/Mỹ thuật/Thể dục: Đ. Học lực: Giỏi/ Hạnh kiểm: Tốt/ Xếp hạng: 3”.

Thông tin được một phụ huynh có con học lớp 9 tại TPHCM chia sẻ sau khi có điểm học kỳ của con. Và đây cũng dạng thông tin hết sức quen thuộc được đăng tải trên trang cá nhân của nhiều phụ huynh, khi mùa vụ “khoe điểm” của con lại đến.

Tiếp đó là những phản hồi của mọi người với nhiều trạng thái như ngỡ ngàng, khen ngợi hay có chút tiếc nuối cho một vài con điểm chưa thật tròn trĩnh.

Mới đây, cơn mưa chúc mừng cũng được gửi đến phụ huynh có con học tại Trường THCS nổi tiếng ở quận 1, TPHCM khi con xếp hạng thứ 2 lớp với điểm trung bình học kỳ đạt 9,7. Trong niềm tự hào của mình, người mẹ cũng nhấn mạnh đây là một ngôi trường điểm, nhiều học sinh giỏi nên để đạt được kết quả này con mình phải thật sự có tố chất.

Hay có bà mẹ, sau khi khoe kết quả điểm của con san sát là 10, chỉ có một môn 9,5 liền lên mạng “động viên” con trước bàn dân thiên hạ đầy khiêm tốn: “Mẹ vui nhưng mẹ chưa hài lòng. Con sẽ còn phải cố gắng thêm vì còn rất nhiều bạn giỏi hơn”.

Nhiều phụ huynh thấy bạn bè khoe thành tích của con cũng cố khoe bằng được để chứng minh con mình giỏi hơn, ngoan hơn. Hành động này lan truyền nhanh không kém bất cứ phong trào nào của giới trẻ.

Mặc dù không ai nói ra nhưng ai cũng biết ngoài sự tự hào vì con học giỏi thì khen con chính là khen cha mẹ, nên khi khoe con đồng nghĩa với cha mẹ tự khoe mình. Trào lưu “cuồng” khoe điểm số, phô trương thành tích của con ra đời là vì như thế.

Cứ mở mắt ra, lướt mạng xã hội là hàng trăm “con người ta” với bảng thành tích chi tiết, rõ ràng đập vào mắt khiến nhiều phụ huynh có con em học kém chạnh lòng.

Không ít phụ huynh ngoài sự ngưỡng mộ “con người ta” còn tỏ rõ sự tiếc nuối, so sánh với “con nhà mình” kiểu như: “Con anh/chị giỏi quá, ước gì con nhà em cũng thế”, hay “bé nhà em rất lười, phải được như con của anh/chị muốn gì em cũng chiều”…

Phần lớn các post khoe điểm này đều trưng ra những bảng điểm ngập tràn điểm 9, 10, hầu như không có điểm 7, 8 với những lời nhận xét “Chăm, ngoan, học giỏi” của giáo viên. Ngoài những lời khen cho đứa trẻ thì cũng có không ít bình luận khen bố mẹ nuôi con giỏi, dạy con giỏi khiến các bậc phụ huynh này không khỏi mãn nguyện.

Tuy nhiên, thực tế việc cha mẹ tung hình ảnh kết quả học tập của con cái lên mạng phần lớn chỉ để thỏa mãn sự tự hào cá nhân chứ không bắt nguồn từ nhu cầu khoe khoang của đứa trẻ. Các chuyên gia tâm lý cho biết, con cái học tập tốt, rèn luyện tốt là điều hết sức tự hào đối với bất kỳ ai.

Tuy nhiên, không phải cứ khoe con cái chăm ngoan, học giỏi sẽ là động lực cho con tiếp tục học giỏi, chăm ngoan. Vô hình chung, điều đó lại tạo nên áp lực cho các con.

Đặt thêm gánh nặng cho con cái

Tiến sĩ Trần Thành Nam - giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, về mặt cảm xúc, việc khoe con lên Facebook có ý nghĩa tích cực, thể hiện sự tự hào của bố mẹ.

Song yếu tố nguy cơ tiềm tàng xảy đến với con mình có lẽ nặng hơn. Khen để tạo động lực là tốt nhưng cách thức khen mới quan trọng. Việc khen rầm rộ khiến đứa trẻ kiêu căng, nếu khen không đúng năng lực càng tạo nên áp lực.

Những đứa trẻ cố gắng để năm nay có giấy khen bằng năm trước chỉ vì “được khoe”. Đó không phải động lực mà là áp lực. Khoe giấy khen là hướng đến tư duy thành tích. Thực tế, có những trẻ ngoan học không giỏi và ngược lại.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Minh Triết, khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM cho biết, ngày càng có nhiều trường hợp bệnh nhi đến khám và điều trị tâm lý do bị áp lực thành tích học tập từ phía gia đình.

Có những đứa trẻ, trước đó rất ngoan ngoãn, vui vẻ học hành, nhưng càng về sau càng chán ghét việc học. Cha mẹ càng tạo áp lực trẻ lại càng chống đối, có trẻ trở nên buồn bã, sợ lớp học, sợ hãi và xa cách cha mẹ. Nặng nề nhất là rơi vào trạng thái trầm cảm và có thể dẫn đến những hành động tự huỷ hoại bản thân.

Khi một đứa bé, được quá nhiều người xung quanh biết đến với thành tích học tập tốt, cha mẹ lẫn chính đứa trẻ ấy đều sẽ bị đóng khung vào mức thành tích đó. Luôn tự cho rằng con mình sẽ mãi giỏi giang như thế, mà không hề chấp nhận sự thật, là sức học của trẻ sẽ thay đổi, cũng như càng học lên cao việc đạt đều các môn lại càng khó khăn gấp bội.

Khi điểm số không được như mong đợi, mà trước đó đã được tung hô quá nhiều, cộng thêm việc hỏi han của quá nhiều người xung quanh sẽ tạo nên một áp lực khác, khiến cha mẹ và cả các con bị hụt hẫng.

Nếu trước đây học sinh chỉ phải chịu áp lực từ thầy cô thì nay chính cha mẹ các em đã “hiệp lực” với nhà trường và xã hội biến trẻ con thành nạn nhân khốn khổ của “căn bệnh thành tích” qua việc khoe bảng điểm, giấy khen của con trên mạng xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.