Đuối nước, đến hè… lại lo!

Mới vào đầu mùa nắng nhưng trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, nạn nhân phần lớn là trẻ em. Sắp tới dịp nghỉ hè, nỗi lo đuối nước ở trẻ lại tăng thêm… 

Đuối nước, đến hè… lại lo!

Liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm

Nghệ An là địa phương có tuyến đường thủy nội địa lớn với 13 con sông lớn nhỏ, tổng chiều dài trên 1.000km; bờ biển dài 82km với 6 cửa lạch nối ra biển. Hệ thống kênh, ao, hồ nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn đuối nước, đặc biệt đối với trẻ e..

Đuối nước, đến hè… lại lo! - 1

Trẻ em nông thôn Nghệ An tắm mát trên các kênh mương tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước.

Tình trạng trẻ em bị thiệt mạng do đuối nước có chiều hướng gia tăng. Trung bình mỗi năm vào dịp hè, tỉnh Nghệ An có khoảng 30 - 40 em bị tử vong do đuối nước. Riêng từ đầu năm 2019 tới nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 23 vụ đuối nước, khiến 26 học sinh thiệt mạng.

Mới đây nhất, vào chiều 29/4, một nhóm 5 em học sinh rủ nhau ra sông Hiếu đoạn qua địa bàn phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa (Nghệ An) để tắm.

Trong lúc tắm, cháu Trần Kim X. (SN 2006), Trần Văn L. (SN 2008, trú tại xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn) và cháu Phùng Thị M. (SN 2011, trú tại phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa) bị đuối nước, tử vong. Trong đó, hai cháu Trần Thị Kim X. và Trần Văn L. là hai chị em ruột, con anh Trần Văn Tình và chị Phùng Thị Hường. Còn cháu Phùng Thị M. là cháu bên vợ anh Tình.

Đuối nước, đến hè… lại lo! - 2

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đưa 1 thi thể học sinh bị đuối nước lên bờ. Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 23 vụ đuối nước khiến 26 học sinh tử vong.

Trước đó, sau trận đá bóng chiều ngày 20/4, một nhóm học sinh cấp 3 rủ nhau xuống sông Sơn Hải (xã Sơn Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An) tắm. Do xuống vùng nước sâu, chảy xiết nên em Phan Văn H. (SN 2000) và Trần Văn C. (SN 2001, học sinh hai trường THPT trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu) bị đuối nước. 

Vào ngày 20/3, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 2 học sinh tử vong. Cụ thể, chiều 20/3, em Nguyễn Khánh Q. (SN 2004, trường THCS Đồng Hợp, Quỳ Hợp) cùng 6 bạn trong trường rủ nhau ra sông Hiếu để tắm.

Ba em không may sụt xuống hố cát sâu nhưng người dân gần đó chỉ kịp cứu 2 em, riêng em Q. phải hơn 1 tiếng sau mới được tìm thấy.

Đuối nước, đến hè… lại lo! - 3

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An (người thứ 3 từ phải sang) thăm hỏi, động viên gia đình anh Phan Văn Tình có 2 con tử vong vì đuối nước vào cuối tháng 4 vừa qua.

Cũng trong ngày 20/3, một em học sinh ở xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp) tử vong khi trượt chân, rơi xuống đập nước trong xã.

Cấp tập triển khai các biện pháp phòng chống đuối nước

Sắp tới, học sinh trên toàn tỉnh được nghỉ hè, đồng nghĩa với việc nguy cơ đuối nước cao hơn khi các em thiếu vắng sự quản lý của nhà trường, trong khi đó, gia đình bận bịu công việc đồng áng, mưu sinh cũng khó để mắt tới con 24/24h.

Đuối nước, đến hè… lại lo! - 4
Không nhiều trẻ em, đặc biệt là ở khu vực nông thôn đi tắm mát, tập bơi ở các ao hồ, sông suối có sự hướng dẫn, giám sát của cha mẹ.

Để đảm bảo an toàn cho các em học sinh, phòng tránh tai nạn thương tích và đuối nước, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ tổ chức tập huấn cho tất cả các trường, từ tiểu học đến THPT với sự tham gia của 1.058 người.

Theo ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, phòng chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích, trong đó có phòng chống đuối nước ở trẻ em không phải chỉ là trách nhiệm của ngành giáo dục và gia đình mà cần sự vào cuộc phối hợp của các cơ quan, ban ngành, chính quyền các địa phương cũng như các tổ chức đoàn thể xã hội.

Sắp tới Sở GD&ĐT sẽ ký quy chế phối hợp với Tỉnh đoàn Nghệ An, cơ quan an ninh, chính quyền các địa phương, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh… xây dựng và giám sát môi trường lành mạnh cho các em sinh hoạt, vui chơi.

Đuối nước, đến hè… lại lo! - 5

Trẻ em ở huyện Diễn Châu tham gia môt lớp học bơi vào dịp nghỉ hè (ảnh do Tỉnh đoàn Nghệ An cung cấp).

“Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường học trong toàn tỉnh dành 3 - 5 phút các tiết chào cờ, ngoại khóa hàng tuần để quán xuyến, nhắc nhở khuyến cáo các em học sinh trên đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà và thời gian nghỉ Hè tuyệt đối không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, tự ý hoặc rủ nhau tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng.

Nếu để xảy ra tình trạng đuối nước khi đang trong thời gian các cháu lên lớp, Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm”, ông Thái Văn Thành nhấn mạnh.

Về vấn đề này, ngay từ tháng 3/2019, Tỉnh đoàn Nghệ An đã có kế hoạch cụ thể gửi tới các Huyện đoàn, Hội đồng Đội các địa phương và tổ chức Đoàn, Đội các trường học trong toàn tỉnh.

Đuối nước, đến hè… lại lo! - 6
Hơn 500 biển cảnh báo khu vực nguy hiểm đã được Tỉnh đoàn Nghệ An cắm tại các sông, suối, kênh mương tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước.

“Chúng tôi đã phát 3.000 tờ rơi tuyên truyền phòng chống đuối nước đến tận các địa phương. Bên cạnh cắm biển cảnh báo khu vực sông, suối, ao hồ nguy hiểm, Tỉnh Đoàn chỉ đạo các tổ chức Đoàn cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống đuối nước bằng nhiều cách khác nhau để nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh trong công tác phòng, chống đuối nước”, anh Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nghệ An cho biết.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ phối hợp với Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, các hoạt động vui chơi giải trí, hướng dẫn thanh thiếu nhi tham gia các lớp học bơi, học kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian học sinh nghỉ Hè để các em có môi trường vui chơi lành mạnh, tránh xa tệ nạn xã hội và các nguy cơ gây thương tích.

Theo Dân trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ