Dạy học, ôn tập từ đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT: Lưu ý từ thầy cô

Dạy học, ôn tập từ đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT: Lưu ý từ thầy cô

Đặt mục tiêu ôn tập phù hợp

Đưa ra lời khuyên cho học sinh từ đề thi tham khảo môn Tiếng Anh, cô Trần Thị Thúy Nga (Trường THCS - THPT Ban Mai, Hà Nội) cho rằng: Ngoài nắm rõ dạng bài, nội dung, học sinh cần đặt cho mình mục tiêu ôn tập phù hợp. Phân tích đề thi có thể thấy, kiến thức cơ bản dạng nhận biết chiếm khoảng 40%, kiến thức thông hiểu vận dụng chiếm 50% và kiến thức nâng cao chiếm 10%. Vì vậy, thí sinh nên làm thử đề tham khảo, xác định ưu - nhược điểm của bản thân và đặt mục tiêu phù hợp với năng lực.

“Nếu dừng lại ở mức điểm trung bình, các em cần nắm được từ vựng, ngữ pháp cơ bản của 3 năm THPT. Lúc này, việc làm đề kết hợp với ôn tập các đề mục ngữ pháp, từ vựng trong sách Tiếng Anh 10, 11, 12 là điều cần ưu tiên. Nếu mong muốn mức điểm 7, 8, ngoài việc xem lại các chuyên đề ngữ pháp, thí sinh cần có vốn từ vựng để đọc hiểu. Vì vậy, hãy kết hợp ôn lại chủ điểm ngữ pháp, từ vựng qua luyện đề và tăng cường làm bài đọc hiểu. 

Với những bạn mong điểm 9, 10, cần nắm rất vững kiến thức ngữ pháp và vốn từ vựng phong phú, đặc biệt lưu ý sự tỉ mỉ cẩn thận. Các em có thể sử dụng đề thi thử của nhiều năm, làm trong khoảng thời gian xác định và kiểm tra kết quả. Sau khi kiểm tra, ghi rõ câu sai và lý do mình mắc sai lầm. Như vậy, khi gặp lại dạng bài tương tự, các em sẽ rút kinh nghiệm để đạt điểm số cao hơn. Cuối cùng, dù không chắc chắn hãy cứ chọn một đáp án, không nên để trống ô khoanh” – cô Thúy Nga đưa ra lời khuyên.

Với môn Vật lý, cô Lưu Quỳnh Trang, giáo viên Trường THPT Bình Minh (Hoài Đức, Hà Nội) khuyên học sinh học kỹ cả phần lý thuyết lẫn công thức phục vụ cho bài tập tính toán. Lượng câu hỏi lý thuyết trong đề chiếm khoảng 50% nên không thể chủ quan. Đối với thí sinh có nguyện vọng vào trường đại học, cao đẳng, cần ôn luyện và giải các bài tập ở mức độ cao hơn so với đề thi này.

Nhấn mạnh cần nắm chắc kiến thức cơ bản, kiến thức nền, thầy Nguyễn Văn Hà, Trường THPT Yên Dũng số 2 (Bắc Giang) cho biết, đây là điều cốt lõi giúp học sinh vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo kinh nghiệm của thầy Hà, bám sát đề tham khảo là cần thiết, vì đây là định hướng quan trọng để thầy cô và học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Trong đề có một số câu hoặc tình tiết về câu chữ, giáo viên cần phân tích và đưa ra lưu ý có thể gây hiểu lầm để học sinh luôn chủ động trong các tình huống.

Cơ sở xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo, ông Trần Xuân Trà, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Nam Định) cho biết đã chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn tổ chức nghiên cứu kỹ đề; phân tích cấu trúc, xác lập lại ma trận đề để xác định rõ tỷ lệ phần trăm kiến thức ở các khối lớp; số lượng chủ đề trong đề thi; trọng số điểm ở các cấp độ tư duy: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

“Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ chương trình giảm tải để xác lập rõ những kỹ năng, kiến thức cơ bản cần tập trung giảng dạy, hướng dẫn ôn tập cho học sinh. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch dạy học và ôn tập cho phù hợp; bảo đảm bám sát nội dung chương trình đã giảm tải, cấu trúc đề tham khảo; Chú trọng phương pháp dạy học phân hoá hướng tới 2 đối tượng xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Nhà trường cũng dành thời gian tổ chức thi thử ít nhất 2 lần cho học sinh để nắm bắt tình hình, rút kinh nghiệm và điều chỉnh phương pháp dạy học, tổ chức ôn tập cho phù hợp” – ông Trần Xuân Trà thông tin.

Tại An Giang, theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Sở thường xuyên cập nhật tình hình và chỉ đạo kịp thời công tác dạy học, ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Yêu cầu các trường THPT và cơ sở giáo dục căn cứ hướng dẫn điều chỉnh của Bộ GD&ĐT để chủ động trong việc thực hiện chương trình, bảo đảm giảng dạy đầy đủ nội dung kiến thức và yêu cầu kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đối với lớp 12. 

Bên cạnh lưu ý không tùy tiện cắt xén chương trình cơ học, thiếu cơ sở khoa học, Sở GD&ĐT An Giang cũng chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch để bổ sung, hệ thống kiến thức còn hạn chế sau thời gian học sinh học qua Internet và truyền hình. Sau đó tiến hành giảng dạy nội dung còn lại của chương trình học kỳ II, đồng thời có thể tiếp tục áp dụng dạy học qua Internet để ôn tập cho học sinh.

Thông qua đề thi tham khảo, nhà trường định hướng công tác dạy và học của từng môn cụ thể, có kế hoạch điều chỉnh nội dung dạy học, giảm tải, ôn tập phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, bảo đảm đủ kiến thức, kỹ năng để học sinh có thể làm tốt bài thi. Trên cơ sở đó, nhắc nhở giáo viên tư vấn, hỗ trợ, động viên, đôn đốc, hướng dẫn các em cách giải và cách tiếp cận với kỹ năng giải đề thi để ôn tập tốt hơn. - Ông Trần Tuấn Khanh 

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.