Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, các giáo viên ngoại ngữ, các nhà hoạch định chính sách trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai các hoạt động cộng đồng, các mô hình cộng đồng trong học tập, giảng dạy và nghiên cứu ngoại ngữ trên toàn quốc.
Các tham luận tại Hội thảo xoay quanh những vấn đề lí luận về xây dựng xã hội học tập, xây dựng cộng đồng giáo dục, giáo dục ngoại ngữ trong cộng đồng; Chủ trương, đường lối hoạch định chính sách về xây dựng xã hội học tập, xây dựng cộng đồng giáo dục, giáo dục ngoại ngữ trong cộng đồng; Công tác lãnh đạo, quản lí trong các khu vực giảng dạy ngoại ngữ ở các cấp, các cơ sở đào tạo;
Cùng với đó là vai trò của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 trong việc xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ; Các vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn trong việc xây dựng các cộng đồng học tập ngoại ngữ;
Việc triển khai xây dựng các mô hình nòng cốt và điển hình của cộng đồng học tập ngoại ngữ tại các các cấp, các cơ sở đào tạo và các bài học kinh nghiệm cụ thể của một số đơn vị về một số mô hình cụ thể đã và đang được triển khai hiệu quả.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Lân Trung – Phó Hiệu trưởng ĐHNN (ĐHQG Hà Nội), Trưởng ban tổ chức - cho biết: Đây là một Hội thảo quan trọng và nhiều ý nghĩa, được tổ chức vào thời điểm hợp lý với các điều kiện chín muồi.
Trên bước đường hội nhập và phát triển, để nâng cao năng lực ngoại ngữ, cần phải thực hành ngôn ngữ mọi lúc mọi nơi. Theo đó, phải có một cộng đồng học tập ngoại ngữ để mỗi thành viên tham gia có thể phát huy được hết tiềm năng ngôn ngữ, đồng thời tận dụng tối đa sự giúp đỡ, hỗ trợ của các thành viên khác trong cộng đồng, qua đó tăng cường sự tương tác giữa các thành viên để xây dựng, duy trì và phát triển cộng đồng.
GS. Nguyễn Quốc Hùng – Nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ Hà Nội nhấn mạnh: Năm học này, ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Chính sách này sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho việc học tiếng Anh trong giới học sinh và từ đó lan tỏa, nhân rộng đối với cộng đồng.
Tại Hội thảo, TS. Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ GD Trung học (Bộ GD&ĐT), Phó Trưởng ban Thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 - cho biết: “Việc tổ chức Hội thảo nằm trong lộ trình chung của việc triển khai thực hiện Đề án.
Xây dựng các cộng đồng học tập ngoại ngữ chính là một nỗ lực quan trọng góp phần cá thể hoá các chiến lược học tập của người học dựa trên những sự tương đồng phổ biến về phong cách học của một nhóm người học cụ thể trong những không gian, thời gian cụ thể.
Trên thực tế các cộng đồng học tập ngoại ngữ, với những nét đặc trưng phong phú, hấp dẫn về nội dung, chương trình hoạt động cũng như cách thức tổ chức triển khai đã tạo nên một sự bổ sung cần thiết bên cạnh các cách thức tổ chức dạy học và phương pháp xây dựng chương trình, tài liệu dạy học ngoại ngữ phổ biến trong môi trường lớp học truyền thống, góp phần chuyển mạnh từ việc dạy học để biết ngoại ngữ sang hình thành các kỹ năng ngoại ngữ, nâng cao từng bước năng lực sử dụng ngoại ngữ của người dạy, người học.
Hiện nay, nhiều địa phương, các bộ ngành, cơ quan Trung ương, các cơ sở giáo dục đào tạo đã bước đầu phát hiện, hình thành, xây dựng và phát triển các mô hình điển hình về triển khai cộng đồng học tập ngoại ngữ với nhiều hình thức dạy - học phong phú, đa dạng, thiết thực và hiệu quả.”
Ban tổ chức cho biết: Trên cơ sở những tham luận tại Hội thảo, các chuyên gia và những người thực hiện tổng kết sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm về xây dựng và triển khai các mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ đồng thời tạo đà cho việc tăng cường triển khai giải pháp xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ.
Đồng thời nhân rộng các mô hình cộng đồng học tập ngoại ngữ hiệu quả để từng bước đạt được mục tiêu “biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” đã được nêu trong Đề án NNQG 2020.