Tách ra thì có thêm ghế để ngồi, nhập vào thì người thế này, người thế khác…
Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phản ánh đúng thực tế việc thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính hiện nay. Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh miền núi phía Bắc cũng đã thẳng thắn nhận định rằng, cho dù quá trình triển khai sắp xếp đơn vị hành chính được thực hiện công khai, minh bạch, khách quan, khoa học và đúng pháp luật, cử tri rất đồng thuận nhưng vẫn có băn khoăn, thậm chí quá băn khoăn vì có người thăng chức, có người lại xuống, đang ở gần lại đi làm xa. Tuy Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa ra “kịch bản” giải quyết tất cả khó khăn nhưng thực tế vẫn còn nhiều việc phải làm.
Quả thực, đây là việc khó, thậm chí là rất khó. Để thực hiện được hiệu quả, cái cần làm trước tiên là cải thiện tiến độ sắp xếp các đơn vị hành chính, cán bộ dôi dư. Theo kế hoạch, việc này phải hoàn thành trước năm 2022 nhưng Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng sẽ rất khó, bởi nhiệm vụ phức tạp, khó khăn, số lượng dôi dư đông... Vấn đề thứ hai là về công tác tư tưởng, tâm lý trì hoãn, không muốn giảm.
Như thừa nhận của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thì điểm khó, vướng ở chỗ việc sắp xếp các đơn vị hành chính thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng phải hoàn thành trong quý I/2020 nên thời gian ít, sát với thời điểm các địa phương chuẩn bị đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhất là ở cấp xã. Ngoài ra, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai do vẫn còn tâm lý không muốn giảm số lượng đơn vị hành chính. Một số cán bộ, công chức thuộc diện sắp xếp có tâm lý muốn ổn định, nên tìm lý do để không tiến hành sắp xếp...
Có thể khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, khó khăn chỉ là trước mắt, về lâu dài là thuận lợi; Là giúp tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, giảm số lượng cán bộ, công chức cấp xã, giảm gánh nặng với ngân sách Nhà nước. Thế nhưng để có thể thực hiện được, cần giải quyết thỏa đáng số cán bộ, công chức dôi dư. Đặc biệt cần tính tới yếu tố đặc thù, bảo đảm kế thừa, sự ổn định và phát triển, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tuyệt đối không vì sức ép tiến độ hay vì lý do nào đó mà thực hiện sắp xếp theo kiểu cơ học, máy móc. Phải tạo động lực phát triển cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.