Nhiều ca tái dương tính
Ngày 27/4, Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 cho biết đã ghi nhận thêm 3 ca nghi ngờ tái dương tính sau khi được công bố khỏi bệnh, bao gồm: BN74, BN207 và BN224.
Trước đó, 5 ca bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2 là BN188, BN137, BN52, BN149 và BN36. Những trường hợp này đều đã trải qua quá trình điều trị và nhiều lần có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Lý giải về hiện tượng này, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, có thể người bệnh chưa khỏi hoàn toàn. Trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh. Virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, nhất là trong tế bào niêm mạc phổi. Cũng có khả năng những người đã khỏi bệnh nhưng trong quá trình đào thải virus ở dạng bất hoạt - xác virus. Khi làm khuếch đại gen, chúng ta xác định được gen của virus. Trường hợp này, đào thải ra mầm bệnh nhưng mầm bệnh không hoạt động được. Cũng có trường hợp người lành mang trùng.
Lo ngại làn sóng thứ hai
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp: Triển khai và theo dõi việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; theo dõi việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên cả nước. Tăng cường hoạt động kiểm tra, chỉ đạo công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Thứ trưởng Long phân tích, Việt Nam còn rất ít ca bệnh mới. Nhưng vẫn có thể có mầm bệnh, người mang virus. Cơ quan y tế đã tổng kết nhiều trường hợp mắc virus không có triệu chứng lâm sàng hoặc rất mờ nhạt. Chỉ đau mỏi cơ thể, biểu hiện như cảm cúm... Những trường hợp này rất dễ bị bỏ qua khi sàng lọc.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 cũng xác định, có thể tồn tại một số người mang virus trong cộng đồng nhưng không phát hiện ra. Vì chưa có miễn dịch cộng đồng nên khả năng lây nhiễm trở lại là rất lớn.
“Chúng tôi rất lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai. Bài học từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore bị làn sóng thứ hai xâm nhập và phát triển trong một cộng đồng mà không biết. Đến khi xảy ra trên diện rộng thì mới phát hiện. Nếu chúng ta cũng như vậy thì hệ thống y tế sẽ rất khó khăn”, Thứ trưởng Long nói.
Thứ trưởng Long cho rằng, cần kiểm soát từng chuyến bay, hành khách nhập cảnh và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong chống dịch bệnh. Tất cả những người có triệu chứng mơ hồ hoặc liên quan đến bệnh cúm thông thường sẽ được xét nghiệm ngay. Những khu công nhân, nhà trọ, nơi tập trung nhiều lao động tự do, người yếu thế cũng được tăng cường xét nghiệm.
Nguy cơ từ người ở nước ngoài trở về
Cục Hàng không cho biết đang phối hợp với các hãng hàng không tổ chức chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao. Vietnam Airlines tổ chức 10 chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ Nhật Bản, Mỹ, Canada, UAE, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Thái Lan hồi hương.
Vietjet Air có 2 chuyến đón công dân từ Singapore, Indonesia; Bamboo Airways có một chuyến đón công dân từ Philippines.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, việc đón nhiều người từ nước ngoài trở về được coi là một mối đe dọa.
“Hiện nay trong nước đã 11 ngày không xuất hiện trường hợp mới nhiễm Covid-19. Trong khi đó, các quốc gia châu Âu như Nga, Canada, Mỹ vẫn còn dịch. Mặc dù những người về từ nước ngoài có nguy cơ gây bệnh, nhưng nếu họ được cách ly ngay từ đầu thì nguy cơ sẽ không còn. Do đó, rất khó để có làn sóng thứ hai”, PGS Nga nhận định.
Bên cạnh đó, PGS Nga cho rằng, người dân Việt Nam đã có kinh nghiệm, kỹ năng phòng, chống dịch. Đặc biệt, mọi người đã thay đổi rất nhiều trong việc giữ vệ sinh cá nhân. “Nguy cơ chủ yếu là những người trở về từ nước ngoài”, chuyên gia nói.
PGS Nga nhấn mạnh, người dân cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách theo quy định, hạn chế giao tiếp quá nhiều ở nơi công cộng. Đặc biệt, hàng quán cần bố trí bàn ghế cách nhau, giữ không gian thông thoáng, không sử dụng điều hòa nhiệt độ. Người dân được khuyến cáo ăn thực phẩm chín, hợp vệ sinh, rửa tay trước và sau khi ăn, tránh chạm tay lên mặt.
“Những vật dụng như cốc, bát đũa ở hàng ăn vẫn có nguy cơ gây bệnh. Khi đi siêu thị, mọi người nên đeo khẩu trang, mua - bán nhanh và nên liệt kê trước những thứ cần mua. Siêu thị là nơi bắt buộc sử dụng điều hòa nhiệt độ. Do đó, siêu thị cần yêu cầu người dân đeo khẩu trang, rửa tay và kiểm tra thân nhiệt”, PGS Nga nói thêm.
Để ngăn chặn làn sóng thứ hai xảy ra như nhiều quốc gia khác, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định, người trở về từ nước ngoài cần được cách ly tập trung 14 ngày, sau đó tiếp tục cách ly tại nhà 14 ngày nữa. Đặc biệt, Chính phủ phải có quy định nghiêm ngặt để mọi người không vi phạm trong thời gian cách ly.
“Những người có triệu chứng sốt, ho cần được theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, việc bảo đảm những người được cách ly tập trung không nhiễm bệnh từ nhau cũng là điều quan trọng”, PGS Nga nói.