Cảm ơn Sao đỏ
Anh Nguyễn Đông (trú tại phường Tân Chính, Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) kể: “Sáng nào nhà mình cũng bực bội vì chuyện đánh thức con dậy đi học. Nói nặng nói nhẹ gì cũng “cho con ngủ thêm 5 phút nữa thôi”. Có hôm đưa con đến trường thì muộn giờ vào lớp. Đang đứng ở cổng trường chờ bác bảo vệ mở cổng thì có hai bạn đến chào hỏi rất lễ phép và hỏi: “Chú cho con hỏi em nhà mình tên gì, học lớp nào” và giải thích “Con ở đội Sao đỏ của trường. Em nhà mình đi học muộn chú ạ”.
Anh Đông cho biết, từ hôm đó trở đi, đang ngủ nhưng chỉ cần nghe bố gọi dậy đi học thì con thức dậy ngay tắp lự, không mè nheo, nhõng nhẽo gì thêm nữa vì “sợ anh chị Sao đỏ ghi tên”. Em Trần Hà An (HS lớp Một, Trường Tiểu học Lê Lai – Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), sau một lần “bị” đội Sao đỏ ghi tên vì không đội mũ bảo hiểm khi đến trường đã luôn nhớ chỉ cần ngồi sau xe gắn máy là phải có mũ bảo hiểm.
Thầy Nguyễn Đức Tú Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Tây Sơn (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, từ thông tin phản ánh của đội Sao đỏ, Ban giám hiệu và GVCN đã kịp thời “ngăn chặn” một số HS trốn học đi chơi bằng cách trà trộn vào các lớp học 1 - 2 tiết thể dục trái buổi để ra về. “Việc duy trì nề nếp, tác phong, thậm chí cả việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học cũng được đảm bảo một phần nhờ vào lực lượng Sao đỏ” – thầy Tú Anh nhận xét.
Không nên trao quá nhiều quyền cho đội Sao đỏ. Ảnh minh họa/ INT |
Tập huấn kỹ năng cho Sao đỏ
Thầy Võ Thanh Phước – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, với một trường học có quy mô 47 lớp thì không thể không duy trì mô hình đội Sao đỏ được. “Tổng phụ trách Đội vẫn phải đứng lớp 4 tiết/tuần, phải giải quyết một số lượng hồ sơ sổ sách cũng rất lớn, từ xử lý HS vi phạm, tổ chức các hoạt động ngoài giờ, rồi còn hội họp, tập huấn… nên Sao đỏ là cánh tay nối dài của Tổng phụ trách Đội. Những ghi chép của Sao đỏ là một kênh tham khảo trong đánh giá, xếp loại thi đua giữa các lớp. Vấn đề là cách thức tổ chức làm sao cho hài hòa, không gây căng thẳng giữa HS với đội ngũ Sao đỏ”.
Thầy Phước cho biết, vẫn có tình trạng một số HS thường xuyên vi phạm nền nếp, tác phong khi bị Sao đỏ ghi tên thì có hành động đe dọa. “GVCN chọn những HS tham gia đội Sao đỏ phải nhiệt tình, tâm huyết, đạo đức tốt và học lực giỏi. Từ đội ngũ này, đầu mỗi năm học, nhà trường đều tổ chức tập huấn về nghiệp vụ, kỹ năng Sao đỏ cho các em. Phải làm sao để những HS tham gia đội Sao đỏ có sự an toàn thì mới nhận được sự ủng hộ của phụ huynh.
Sao đỏ phải chỉ đúng người thật việc thật chứ không phải ghi cho có hoặc ghi không đúng sự thật” – thầy Phước chia sẻ kinh nghiệm. Khi một sự việc được Sao đỏ phản ánh, nếu không đúng, thì HS có quyền phản ánh lại với GVCN hoặc Tổng phụ trách Đội.
Cũng đồng tình với quan điểm này, thầy Nguyễn Đức Tú Anh cho rằng, không nên trao quá nhiều quyền cho đội Sao đỏ: “Đội Sao đỏ chỉ chấm điểm giám sát chéo việc vệ sinh, trực nhật của các lớp, nền nếp sinh hoạt 15 phút đầu giờ, tác phong của HS, có những gì bất thường thì Sao đỏ có trách nhiệm báo lại với thầy cô giáo để kịp thời xử lý như HS có biểu hiện trốn học…”.
Để tránh xung đột giữa HS với các bạn trong đội Sao đỏ, Trường THCS Tây Sơn cho biết, đội Sao đỏ chỉ ghi chép những lớp nào có HS vi phạm, vi phạm những nội dung gì, tình hình vệ sinh lớp học… để lớp trưởng của lớp được đánh giá chéo ký xác nhận.
“Điều này sẽ tránh cho đội Sao đỏ những xung đột không đáng có với những HS vi phạm nề nếp, tác phong. Vì không như HS ở bậc tiểu học, trong số HS THCS có những em sẽ có những hành động đe dọa với lực lượng Sao đỏ vì cho rằng vì những ghi chép của Sao đỏ khiến GVCN mời phụ huynh mình lên trường để trao đổi, làm việc, thậm chí bị hạ hạnh kiểm nếu vi phạm nhiều lần” – thầy Tú Anh phân tích.
Tại Trường THCS Nguyễn Huệ, bên cạnh lực lượng đội Sao đỏ còn có đội tình nguyện xung kích vì an toàn giao thông, thế nên, đội Sao đỏ không được giao quá nhiều “quyền lực” và công việc.