Câu chuyện phụ huynh học sinh lớp 1 ở Hải Phòng tố cô giáo bắt con mình “phải đứng ngoài cổng trường vì đi học sớm” xôn xao mấy ngày nay chợt rẽ theo hướng khác, khi một đoạn video mà camera an ninh nhà dân gần trường học cho thấy một sự thật khác, ấy là vị phụ huynh ấy chỉ chở con đến cổng trường, chụp ảnh rồi đưa con về. Vậy là dàn dựng, là cố tình khiến việc phản ánh lệch lạc đi, bởi “một nửa sự thật không phải là sự thật”.
Thế mà ngay cả khi chỉ dựa vào sự phản ánh một chiều, đã có rất nhiều lời bình luận ác ý, ngoa ngoắt, thiếu trách nhiệm nhắm vào cô giáo chủ nhiệm, các bạn sao đỏ, nhà trường. Thậm chí, ngay cả khi lãnh đạo thành phố kết luận, vẫn còn nhiều ý kiến bênh vực phụ huynh, phê phán lãnh đạo, nhà trường, cô giáo…
Rốt cục, phụ huynh cũng thừa nhận “nhà trường không hề biết sự việc này và cô giáo chủ nhiệm không đuổi con ra cổng như những lời mọi người đã bình luận”. Và chính cô giáo chủ nhiệm lớp học đó cũng “thừa nhận hành vi của mình là nóng vội”, vì đã chụp ảnh học sinh đi học sớm đưa vào nhóm Zalo để phê bình…
Trước đó chừng tuần lễ, thông tin học sinh lớp 2 ở Hà Nội tố giáo viên tát chảy máu mồm, dập môi vì làm toán sai cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Thoạt nghe, sự việc rõ ràng là hết sức nghiêm trọng. Căng đến mức các học sinh cùng lớp phải đồng thanh xác minh: “Thưa cô, chúng con không thấy cô Oanh đánh”, để rồi phụ huynh học sinh xin lỗi nhà trường và cho rằng chỉ là hiểu nhầm. Nhưng câu chuyện chưa dừng lại, bởi kết luận cuối cùng chưa đưa ra…
Không chỉ là 2 ví dụ kể trên, không ít trường hợp phụ huynh học sinh “làm căng” với giáo viên đã xảy ra suốt thời gian qua. Tôi có nhớ, hồi đi học vỡ lòng đầu những năm 1980, lứa học sinh chúng tôi thường xuyên bị phạt bằng nhiều hình thức khác nhau vì nghịch ngợm, quậy phá cả trong và ngoài giờ học. Không phải hồi ấy chưa có mạng xã hội nên thông tin không lan truyền. Điểm khác căn bản là khi ấy, phương pháp giáo dục truyền thống của ông cha ta khi dạy con cháu là “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” được chú ý. Tất nhiên, sự “cho roi cho vọt” ấy là chấp nhận được, đủ sức răn đe, uốn nắn những lệch lạc, chậm tiến bộ…
Hơn 3 thập kỷ trôi qua, xã hội phát triển, những sự biến chuyển về đời sống kinh tế, văn hóa, giáo dục cũng khác. Những mối quan hệ thầy - trò, nhà trường - phụ huynh cũng khác. Nhưng có điểm chung vẫn giữ nguyên đó là không ai có thể đồng tình nếu cô giáo có những hành động, ứng xử quá quắt với con em mình. Nhìn lại 2 ví dụ ứng xử của phụ huynh với giáo viên kể trên, chợt thấy những bực tức, không hài lòng vẫn luôn xảy ra trong đời sống hằng ngày. Bởi vậy, hãy cố gắng kiềm chế cái tôi cá nhân, nén cơn bực tức mà đưa ra lời nói, hạnh động, để không “cả giận mất khôn”, như tục ngữ Việt Nam đã đúc kết.