Biến “không thể” trong suy nghĩ thành “có thể” trong thực tiễn

GD&TĐ - Từ thành công trong xây dựng môi trường tiếng Anh và hoàn thành Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 cho giảng viên chỉ sau 2 năm, PGS.TS Phan Quang Thế - Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đã chia sẻ 6 bài học quý, đúc kết từ thực tiễn triển khai.

Biến “không thể” trong suy nghĩ thành “có thể” trong thực tiễn

Đạt chuẩn tiếng Anh phải đi trước một bước

PGS.TS. Phan Quang Thế cho rằng, tư duy truyền thống thường là cứ dạy, cứ học, kể cả khi kết quả không đáp ứng yêu cầu chuẩn đặt ra nhưng vẫn cho là tốt. Điều này gây lãng phí thời gian và tiền bạc của người học.

Việc dạy và học phải hướng tới đạt chuẩn trước và dựa trên công cụ đánh giá tin cậy.

Nếu chọn công cụ cho kết quả đánh giá không tin cậy thì dù chỉ một trường hợp cũng làm người học nản chí và tìm con đường khác để đạt chuẩn.

Sau khi đạt chuẩn, người học vẫn phải tiếp tục học tiếng anh học thuật để nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh có hiệu quả trong đào tạo, nghiên cứu khoa học thì mới đảm bảo kết quả của đề án là bền vững.

Xóa bỏ quy nghĩ: Giỏi tiếng Anh là không thể

Kết quả tiếng Anh của những lớp đầu tiên thật là khiêm tốn nhưng PGS.TS Phan Quang Thế cho biết, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên vẫn kiên trì mở thêm lớp và yêu cầu giảng viên phải học lại.

Điều này cho thấy, việc dạy và học ngoại ngữ phải kiên trì, không phải chỉ một lần là xong.

Ngoài việc học trên lớp, giảng viên còn tự tổ chức các lớp học thêm, phụ đạo thêm và tự học miệt mài tại phòng làm việc vào bất cứ lúc nào có thời gian vì danh dự của người thầy, cô giáo.

Thực tiễn cho thấy, sau một vài lần cố gắng, giảng viên đã đạt được chuẩn tiếng Anh đề ra và thậm chí nhiều người còn vượt chuẩn.

Kết quả đạt được có một ý nghĩa rất to lớn đối với nhiều giảng viên, bởi vì ban đầu trong số họ nhiều người không tin rằng mình có thể đạt hoặc vượt được chuẩn tiếng Anh. Họ đã biến được cái không thể trong suy nghĩ trở thành có thể trong thực tiễn.

Việc 93% các giảng viên lý thuyết của Trường đạt và vượt chuẩn tiếng Anh có tác dụng cổ vũ, khích lệ sinh viên rất lớn. Bởi khi thầy, cô đã làm được thì sinh viên có niềm tin rằng họ cũng sẽ làm được.

Từ chỗ sinh viên hầu như không quan tâm đến tiếng Anh, chỉ học tiếng Anh vì điểm tích lũy đã tạo nên một phong trào tự học tiếng Anh rộng khắp trong sinh viên từ các câu lạc bộ đến các lớp học trong và ngoài trường và các nhóm trong khuôn viên Nhà trường vào buổi chiều sau giờ làm việc.

Kết quả đầu ra là tiêu chí chính lựa chọn giảng viên dạy tiếng Anh

Sau một quá trình triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, PGS.TS Phan Quang Thế cho rằng, phải lấy kết quả đầu ra làm tiêu chí chính trong việc lựa chọn giảng viên giảng dạy.

Lý do: Kết quả đầu ra thấp sẽ tạo nên tâm lý chán nản và không tin ở bản thân mình trong người học và việc tổ chức học lại để lấy lại niềm tin còn khó hơn học đi rất nhiều.

Vì thế, trong công tác quản lý, điều hành, nhà trường xác định phải lấy kết quả, chất lượng đầu ra làm tiêu chí đánh giá chính để lựa chọn giảng viên đồng thời kết hợp với việc công khai, minh bạch các dữ liệu liên quan một cách chí công vô tư để người học tham khảo đã tạo nên niềm tin cho người học.

Kiên quyết không thay đổi mục tiêu khi gặp khó khăn

Kinh nghiệm tổ chức các lớp tiếng Anh cho thấy hiện tượng “Đầu voi, đuôi chuột” là phổ biến.

Nguyên nhân chủ yếu là do quản lý lỏng lẻo dẫn đến nghỉ học tùy tiện và sau khi nghỉ vài buổi mà không bị nhắc nhở sẽ chán học và dẫn tới bỏ học.

Bệnh chán học và bỏ học sẽ lan nhanh sang người khác và cuối cùng lớp học sẽ bị tan rã.

Vì vậy, để đảm bảo duy trì được lớp học, PGS.TS Phan Quang Thế nhấn mạnh, cần phải có hệ thống văn bản hướng dẫn người học thực hiện quy trình lớp học theo từng bước, từ lúc bắt đầu tham gia lớp học đến lúc kết thúc lớp học.

Yêu cầu người học phải ký cam kết để nâng cao tinh thần trách nhiệm với bản thân và những thành viên khác của lớp học;

Đảm bảo kỷ cương, nền nền của lớp học như phải đi học đủ số buổi, không được ra sớm vào muộn, không được làm việc riêng trong giờ học.

Đồng thời, duy trì việc kiểm tra, đôn đốc thường xuyên, liên tục. Kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định lớp học, không có ngoại lệ cho bất kỳ trường hợp nào.

Gắn liền với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

Học ngoại ngữ đã khó, việc đạt chuẩn ngoại ngữ lại càng khó hơn, song sẽ là vô nghĩa nếu không sử dụng được những điều đã học cho công tác chuyên môn, nghề nghiệp.

Xác định được điều này, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đã tạo được môi trường để giảng viên trau dồi, nâng cao trình độ ngoại ngữ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Tất cả các hoạt động của nhà trường đang được đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa XI.

Trong đó, xây dựng môi trường đào tạo, nghiên cứu khoa học và giao tiếp theo mô hình của các trường ĐH ở các nước tiến tiến trên thế giới không thể tách rời việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại thông qua học và sử dụng tiếng Anh.

Bởi vì, chỉ học và dùng tiếng Anh, giảng viên, cán bộ viên chức và sinh viên mới có được công cụ sắc bén để tiếp cận với thế giới hiện đại. Nên nó phải là một bộ phận không thể tách rời của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Dựa vào nội lực là chính

Trường ĐHKỹ thuật Công nghiệp xác định giá trị lớn nhất của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 là ở chỗ Đề án đã tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để đổi mới Nhà trường theo hướng tiếp cận và hội nhập quốc tế.

Nhà trường đã xác định đất nước còn nghèo nên việc triển khai Đề án phải dựa vào nội lực của nhà trường là chính, không ngồi chờ và trông đợi vào đầu tư tài chính của Nhà nước.

Tuy nhiên, trường cũng nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ của Ban quản lý Đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020, ĐH Thái Nguyên về cả tinh thần và vật chất.

PGS.TS Phan Quang Thế cho biết, chỉ sau một thời gian hơn 2 năm triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp đã căn bản hoàn thành Đề án đối với giảng viên và bước đầu thực hiện thắng lợi đối với sinh viên từ năm 2015.

Thắng lợi của việc triển khai Chương trình tiên tiến và Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã tạo ra sự thay đổi cơ bản về tư duy trong đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên tiếp cận với tư duy và phương pháp làm việc của thế giới hiện đại, cũng như tạo nên động lực mới, mạnh là tiền đề để nhà trường thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Cán đích năm 2019

PGS.TS Phan Quang Thế cho biết, trường đã đề ra phương hướng nhằm triển khai Đề án 2020 thành công hoàn toàn vào năm 2019.

Theo đó, với giảng viên, phấn đấu 80% giảng viên giảng dạy lý thuyết vượt chuẩn tiếng Anh đạt Toefl-ITP500 trở lên vào cuối năm 2015 và gần 100% vào cuối năm 2016. 

Giảng viên dạy lý thuyết của Khoa Quốc tế đạt Toefl-ITP79 điểm trở lên vào giữa năm 2015.

Tiếp tục tổ chức các lớp tiếng Anh học thuật (English for Academic Purposes) sau đó, giảng viên soạn bài, triển khai giảng thử và khi có điều kiện sẽ giảng dạy một số học phần bằng tiếng Anh cho các các chương trình chất lượng cao.

Phát triển mạnh Thư viện với nguồn học liệu mở phong phú trong và ngoài nước kết hợp với việc tăng nhanh số đầu sách và số lượng sách tiếng Anh của Thư viện quốc tế song song với việc triển khai rộng rãi việc sử dụng các nguồn học liệu mở và sách tiếng Anh trong đào tạo và NCKH.

Đối với sinh viên: Thực hiện nghiêm túc việc xét tốt nghiệp đảm bảo chuẩn đầu ra theo quy định.

Để khắc phục tình trạng sinh viên không đạt chuẩn khi tốt nghiệp, song song với việc triển khai Đề án “Đánh giá kết quả tiếng Anh sinh viên hệ đại học chính quy dài hạn theo chuẩn quốc gia từ 2015” một cách tích cực nhằm tận dụng nguồn lực của cả xã hội giúp sinh viên đạt chuẩn tiếng Anh, nhà trường giao cho Trung tâm Hợp tác đào tạo Quốc tế tổ chức cho sinh viên chuẩn bị xét tốt nghiệp bắt buộc kiểm tra tiếng Anh Toefl - ITP từ ngân hàng đề thi thử và tư vấn kịp thời cho sinh viên các hướng học để đạt chuẩn trước khi xét tốt nghiệp từ 6 tháng đến 1 năm.