4 điều cha mẹ của tỷ phú Bill Gates “không làm” để tốt cho con

4 điều cha mẹ Bill Gates đã không làm để phát triển khả năng của con mình.

4 điều cha mẹ của tỷ phú Bill Gates “không làm” để tốt cho con

William Gates Sr và người vợ quá cố Mary đã áp dụng một số phương pháp nuôi dạy con khá khác biệt. Nhiều người còn cho đó là khác thường nhưng rõ ràng cách này giúp giải phóng sự vĩ đại của con trai họ. Dưới đây là 4 điều cha mẹ Bill Gates đã không làm để phát triển khả năng của con mình.  

1. Không giới hạn sự độc lập của con  

Khi còn nhỏ, Gates đã khao khát độc lập, vì thế cha mẹ đã cho ông tự do làm những điều mình muốn. Đến năm 13 tuổi, Gates thường ở xa nhà và thậm chí thức đêm để có thời gian sử dụng những thiết bị công nghệ tại Đại học Washington.  

Tuy nhiên, Bill Gates là một người thích phá vỡ quy tắc. "Tôi có một chút quậy phá, luôn vặn vẹo lại những câu hỏi, quy tắc mà cha mẹ nghĩ là tôi phải tuân theo. Vì thế, tôi có chút bất mãn khi bị gò ép như vậy", Gates trả lời trong một bài phỏng vấn với tờ BBC.  

Vì vậy, ít lâu sau, bố mẹ Gates đã đưa ông đến gặp bác sĩ tâm lý. Nhưng sau vài lần tham khảo ý kiến với một nhà trị liệu, họ được khuyên nên cho con mình nhiều thời gian riêng hơn.  

2. Không cho phép con mình từ bỏ những thứ không giỏi  

Thành thạo rất nhiều thứ nhưng bố mẹ Gates cũng khuyến khích con mình làm những việc không giỏi như bơi lội hay bóng đá. Họ cũng khuyến khích Gates tham gia các lớp học âm nhạc. Khi đó, Gates đã đã thử học chơi kèn trombone nhưng không quá xuất sắc.  

Khuyến khích trẻ thực hiện các hoạt động mà chúng không nổi trội dường như trái ngược với suy nghĩ của các ông bố bà mẹ. Thực tế là đối với cha mẹ, việc bảo vệ lòng tự trọng của con cái là điều hiển nhiên. Nhưng cha mẹ Gates lại nhìn nhận vấn đề theo một hướng tiếp cận khác: Thử những điều mới cho phép con trai họ phát triển tư duy phát triển (growth mindset) và học được tầm quan trọng của thất bại.  

"Khi ấy, tôi không biết tại sao bố mẹ lại làm điều đó. Tôi nghĩ rằng điều này thật vô nghĩa, nhưng cuối cùng nó cho tôi cơ hội lãnh đạo và giúp tôi nhận ra rằng mình không giỏi trong nhiều thứ, thay vì gắn bó với những thứ mà tôi cảm thấy thoải mái", tỷ phú chia sẻ.  

3. Không bắt ép con mình đáp ứng mong đợi của bố mẹ  

Cha mẹ của Gates không mong đợi con trai mình trở thành tỷ phú, nhưng họ mong con mình học xong đại học.  

"Những kỳ vọng của Mary và của tôi là những kỳ vọng đỗi bình thường như những cha mẹ có con học đại học. Đó là mong con có một tấm bằng", bố Gates chia sẻ.  

Vì vậy, khi Gates thông báo dự định bỏ học đại học Harvard danh giá, cha mẹ ông không khỏi lo lắng. Đó là một quyết định khó khăn nhưng cuối cùng họ đã chiều theo mong muốn của con.  

"Tôi không thể nói là mình không lo lắng. Nhưng đến lúc đó, tôi không còn vai trò gì nhiều trong những quyết định như thế. Nó có ý tưởng riêng về cách nó muốn đạt được mục tiêu của mình – chưa kể doanh nghiệp máy tính nó thành lập cùng Paul Allen đã trở nên rất cần nó. Bỏ học đại học giữa chừng không phải là điều tôi và vợ dự tính cho bất cứ đứa con nào, song Bill có vẻ biết rõ nó đang làm gì", Gates Sr. nói với Forbes.  

Việc ủng hộ quyết định của con trai cuối cùng đã được chứng minh là hành động khôn ngoan. Ngay sau khi bỏ học, Gates chuyển đến Seattle cùng với người đồng sáng lập Paul Allen để tập trung xây dựng "đế chế" Microsoft.  

4. Không bỏ qua tầm quan trọng của cộng đồng  

Cha mẹ Bill Gates luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện và công việc cộng đồng. Họ coi đó là một cách để con cái có thể nhìn vào học tập.  

"Vợ tôi là một người tin tưởng sâu đậm tư tưởng trong kinh Phúc âm Luca: "Ai được ban cho nhiều, thì cũng phải cho đi nhiều". Vì thế bà ấy coi đó như một giá trị quan trọng trong gia đình chúng tôi", ông Gates Sr cho biết. Và giá trị này mang ý nghĩa rất lớn trong nỗ lực từ thiện của Bill Gates ngày nay.  

Bà Esther Wojcicki, mẹ của CEO Youtube, cũng đồng tình với quan điểm này. Trong cuốn sách mới "Làm thế nào để nuôi dạy những người thành công", bà cho hay một trong những sai lầm lớn nhất nhiều bậc cha mẹ đang mắc phải là không dạy cho con cái họ tầm quan trọng của lòng tốt.

Bà cho biết bản thân rất buồn khi nhận thấy ngày càng nhiều trẻ em chỉ tập trung vào bản thân mình, trong khi ngoài kia có rất nhiều người cần được hỗ trợ.  

Ông Gates Jr cũng từng viết trong một cuốn sách của mình rằng: "Có một bài học tôi học được trong nhiều năm với tư cách là một người cha, luật sư, nhà hoạt động và một công dân, chỉ đơn giản thế này thôi: "Chúng ta là tất cả cuộc sống này và chúng ta cần có nhau".  

5 điều tỷ phú Bill Gates dạy con  

Không phải lúc nào con cũng có được thứ con muốn  

Rất khó để nói “không” với trẻ, nhưng dù thế nào các bậc phụ huynh cũng nên nhớ rằng việc không đáp ứng mọi yêu cầu của trẻ sẽ dạy trẻ biết quý trọng hơn những gì mình đang có.  

Ngay cả người đàn ông giàu nhất thế giới này cũng đặt ra những quy tắc với con cái khi đề cập tới vật chất.  

Hai con lớn của Bill Gates từng phải đợi đến sinh nhật 13 tuổi mới được mua điện thoại, trong khi cô con gái nhỏ nhất phải đợi đến sinh nhật năm sau mới được đáp ứng yêu cầu này.  

Gia đình nhà Gates thống nhất rằng 13 tuổi mới là tuổi thích hợp để dùng điện thoại – tỷ phú người Mỹ tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn.  

Bằng việc đưa ra những quy định và giới hạn trong gia đình, bạn có thể giúp trẻ phát triển tính kiên nhẫn và sự tự hài lòng.  

Nếu muốn có thứ gì đó, con hãy làm việc  

Khi trẻ muốn có thứ gì đó, hãy yêu cầu trẻ làm việc nhà hoặc học tốt ở trường. Bạn có thể tạo động lực cho trẻ bằng việc tặng trẻ một món đồ chơi hoặc một đặc quyền nào đó mà trẻ thực sự muốn, như một phần thưởng khi làm tốt.  

Đó cũng chính là việc mà Bill Gates đã làm. Ông đã yêu cầu các con giúp việc nhà, đổi lại ông sẽ cho trẻ tiền tiêu vặt.  

Khi cuộc sống đối xử tốt với con, con hãy đáp trả  

Làm thiện nguyện là một công việc tuyệt vời để nuôi dạy trẻ. Đó chính là lý do tại sao Bill và Melinda Gates luôn dạy các con phải biết đáp trả lại cuộc đời.  

Trong một bài phỏng vấn, bà Melinda chia sẻ rằng bọn trẻ đã tiết kiệm 1/3 số tiền phụ cấp để lập một quỹ từ thiện. Để khuyến khích các con, hai vợ chồng tỷ phú đã đóng góp gấp đôi số tiền mà bọn trẻ đã tiết kiệm được cho quỹ này.  

Cả gia đình Gates đã cùng nhau làm từ thiện. Bà Melinda đã rất nỗ lực trong việc tiếp cận những cộng đồng người kém may mắn. Đôi khi bà còn dắt theo bọn trẻ đi cùng.  

Các bậc phụ huynh cũng có thể dạy con em mình theo cách này. Bạn có thể bắt đầu bằng việc khuyến khích con tặng đồ chơi cũ cho trại trẻ mồ côi. Trẻ lớn hơn có thể giúp dọn dẹp khu dân cư hoặc gây quỹ vì mục đích chính đáng.  

Theo đuổi ước mơ và đam mê  

Trong một cuộc phỏng vấn với Larry King, Bill Gates cho biết ông đã rất may mắn khi gây dựng được một sự nghiệp mà ông thực sự đam mê. Ông cũng hi vọng con cái ông làm được điều đó. Ông sẽ giúp con tìm ra đam mê bằng cách cho các con thử những thứ khác nhau.  

Bạn cũng có thể làm điều tương tự với con – bằng cách chú ý tới sở thích của con, tìm ra khả năng của con và khuyến khích con thực hiện. Thông qua nhiều hoạt động và trải nghiệm khác nhau, bạn có thể giúp trẻ làm tốt hơn những việc chúng thích.  

Cảm giác thỏa mãn về việc bạn làm đáng giá hơn nhiều so với việc kiếm được hàng triệu đô la.  

Đầu tư vào giáo dục, cho con cái cần câu  

Dĩ nhiên cha mẹ nào cũng muốn che chở con cái, không muốn con phải vất vả hay khó khăn. Nhưng bạn không thể nào nắm tay trẻ, cưng chiều chúng suốt cuộc đời. Trẻ cần phải học được giá trị của làm việc chăm chỉ.  

Bill Gates đã làm điều này bằng cách không để lại hàng triệu đô la cho con. Hầu hết tài sản của ông sẽ được trao tặng cho các quỹ từ thiện.  

Ông đưa ra quyết định này vì muốn con cái hiểu rằng chỉ có tự thân làm việc mới có ý nghĩa và quan trọng. Ông tin rằng thứ tốt nhất cho con cái chính là một nền tảng giáo dục tốt – yếu tố giúp trẻ thành công theo cách của mình.   

Theo Phunutoday.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…