Yêu thương thay hình phạt

Chuyện xảy ra nhân một chuyến về nguồn trường tôi tổ chức với sự tham gia của 150 học sinh. 

Yêu thương thay hình phạt

Như các cán bộ lớp khác, H. là lớp phó lớp tôi chủ nhiệm được giao nhiệm vụ giúp thầy cô quản lý các bạn trong các hoạt động của đoàn.

Tôi thở phào vì đã “phá án” thành công. Nhưng còn học sinh của tôi, lẽ nào chỉ vì lỗi lầm do hoàn cảnh khó khăn tác động mà cánh cửa cuộc đời sẽ khép lại với em bằng một bản án kỷ luật đang chờ đợi khi về trường...

Sai lầm nhất thời

Tôi nhớ lại cảm giác bàn tay em lạnh ngắt, nhớ ánh mắt em nhìn tôi đầy vẻ sợ hãi, ăn năn. Cả buổi giao lưu chiều nay, em như người mất hồn. Em có đáng để gánh chịu hình phạt hay không? Cả đoàn sẽ nhìn em thế nào, rồi chúng tôi mang lại gì cho hơn trăm học sinh còn lại ngoài sự nghi kỵ, mất niềm tin vào nhau?  

Có lúc em nắm chặt tay tôi. Tôi cảm nhận thoáng qua bàn tay em ướt mồ hôi và lạnh lắm.

Tôi không nghĩ H. có gì thay đổi trong lòng, cứ cho rằng H. là một học sinh nữ do hoàn cảnh gia đình nghèo lại mất cha, được tôi và các thầy cô khác thương mến nên có biểu lộ tình cảm vậy thôi. 

Đôi lúc H. như muốn nói gì với tôi mà cứ ấp úng rồi thôi...

Khi đặt chân đến trạm dừng chân đầu tiên, các em tranh thủ vệ sinh cá nhân để tham gia hoạt động giao lưu với địa phương. Khi lên xe và suốt thời gian hoạt động ấy, H. luôn theo sát tôi.

Tan buổi giao lưu, cả đoàn về lại nơi nghỉ. Một học sinh đến báo với ban tổ chức rằng em bị mất toàn bộ số tiền mang theo mà gia đình nhờ mua đặc sản ở địa phương về làm quà. 

Các thầy cô thấy khó giải quyết. Làm lớn chuyện e rằng không có kết quả, mất uy tín với nơi đến tham quan, gây tai tiếng, nghi kỵ trong học sinh rồi phụ huynh sau này. Không giải quyết thì gia đình em này không còn tin tưởng ở thầy cô.

Tôi và cô Tổng phụ trách Đội được giao nhiệm vụ khẩn trương tìm ra người lấy và hoàn trả cho người mất trong thời gian ngắn nhất mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của đoàn.

Qua tìm hiểu, em này cho biết khi rời nhà vệ sinh, do sợ xe chạy em quên cầm theo số tiền gia đình gửi mua quà. Em cung cấp một thông tin là khi em ra xe có thấy một bạn bước vào nhà vệ sinh nhưng em không nhớ được là ai. 

Do được phân công kiểm tra hiện diện của các em khi lên xuống xe nên tôi biết người lên xe cuối cùng chính là H.. Khi lên xe, em rất lúng túng, không còn hăng hái như buổi đầu. 

Tôi không tin H. là người đã lấy tiền của bạn nhưng lòng vẫn không yên. Tôi đề nghị với cô tổng phụ trách cho tôi được gặp riêng em H.. Cô đồng ý.

Khi các bạn chuẩn bị cho chương trình ngày mai, tôi gọi H. đến. Hai thầy trò đi dọc theo con đường ven bờ biển, không ai nói với ai câu nào. H. sau một lúc e dè mới hỏi: “Thầy có điều gì muốn nói với em chăng?”. Tôi không trả lời ngay. 

Một lúc sau tôi nói với em rằng khi thầy cô mất niềm tin vào một học sinh thì đó là sự đau lòng nhất. Rằng đôi khi con người cũng có thể phạm sai lầm, nhưng quan trọng là biết can đảm nhận lỗi và sửa chữa sai lầm ấy. 

Và cũng có những sai lầm không bao giờ được làm sáng tỏ nhưng người phạm sai lầm sẽ sống với một cuộc đời ray rứt, hối hận.

Tôi hỏi: “Nếu phạm lỗi, em có sẵn sàng nhận để sửa sai hay không?”. H. nhìn tôi rồi bật khóc. 

Em cho biết chiều nay khi vào nhà vệ sinh, do không thắng nổi ham muốn, em đã lấy hết số tiền thay vì báo cáo với thầy cô để trả lại bạn.

Khi lấy xong, em bận giấu đi nên lên xe cuối cùng. Suốt buổi giao lưu, em cứ dằn vặt giữa ham muốn và sự hối hận, muốn trả lại nhưng không biết làm sao. 

Bây giờ em nhận lỗi, trả lại tiền và xin thầy cho em sáng mai rời đoàn trở về nhà và sẽ xin chuyển trường vì không chịu nổi dư luận về hành vi ăn cắp của em.

Tôi thở phào. Nhiệm vụ tôi đã hoàn thành. Tôi đã tìm ra thủ phạm. Số tiền sẽ được hoàn trả cho người mất. Lãnh đạo nhà trường và đồng nghiệp cũng như học sinh sẽ dành cho tôi sự thán phục vì thành tích “phá án” này. 

Nhưng còn học sinh của tôi, H. đã từng được tôi thương mến, giúp đỡ thì sao? Lẽ nào chỉ vì một lỗi lầm, nhất là do hoàn cảnh khó khăn tác động mà cánh cửa cuộc đời sẽ khép lại với em bằng một bản án kỷ luật đang chờ đợi khi về trường?

Hình phạt mang tên “tha thứ”

Tôi nói: “Thầy đã sớm nghĩ là em nhưng thầy chờ đợi để em tự lên tiếng. Thầy có đau lòng nhưng vẫn còn niềm tin em sẽ không sai lầm nữa. 

Đây là bài học cho em để rèn luyện thành người tốt. Sau lần gặp gỡ này, em mang tiền đến để thầy gửi lại bạn. Em vẫn ở lại cùng sinh hoạt với các bạn và sẽ không có thông báo gì về việc này. Thầy tin em”.

Sau đó tôi báo với cô Tổng phụ trách về cách giải quyết của tôi. Cô đồng ý vì theo cô, H. chỉ sai lầm nhất thời và cũng nói thêm rằng cái sai của H. có một phần thiếu sót của cô vì tạo điều kiện cho H. tham gia miễn phí do hoàn cảnh nghèo nhưng quên mất không giúp cho H. một khoản tiền nhỏ để em có thể sử dụng suốt hành trình trong khi các bạn đầy đủ tiền bạc hơn. 

Chính vì vậy H. đã lấy tiền của bạn. Chúng tôi thống nhất thông báo là số tiền ấy không bị ai đánh cắp.

Một nhân viên nhà nghỉ đã gửi lại cho đoàn vì học sinh để quên. Cả đoàn đều vui. Nhân tiện, cô tổng phụ trách nhắc các em khi thấy của rơi thì nên trả lại người mất dù không ai thấy.

Nhiều năm qua đi, cho đến một hôm tham dự học nghiệp vụ của ngành, tôi gặp lại em. H. cho biết em giờ là cô giáo và rất vui với nghề. Em nói với tôi em không bao giờ quên cách giải quyết của tôi năm đó. 

Em bảo nếu bỏ về đêm đó, không chắc gì em có cuộc sống và nghề nghiệp như ngày nay. Tôi vui không thể tả. Nhờ bình tĩnh, thương yêu, thông cảm trước lỗi lầm của học sinh, tôi đã tránh được một quyết định vội vàng. Thay vì hình phạt, ta có thể chọn yêu thương.

Gần đây, ba học sinh của trường tôi dạy đã lấy cắp mấy thanh kẹo của siêu thị gần trường. Khi phát hiện, người quản lý ở đây đã thông báo cho giáo viên chủ nhiệm lớp và tôi là giáo viên dạy giáo dục công dân ba em này đến để giải quyết. 

Không nặng về lên án, cũng không đòi hỏi bồi thường, siêu thị chỉ mong các em thật thà và trở thành khách hàng của siêu thị. Cách làm này gây cho chúng tôi sự cảm phục. 

Sau đó, học sinh trường tôi được sinh hoạt về ý thức tự chủ, không tham lam cũng như các hành vi văn minh khi vào siêu thị. Không còn tình trạng học sinh trường tôi lấy cắp đồ của siêu thị nữa. 

Các em cũng cho biết dù không có nhu cầu nhưng đôi khi thấy không có người trông coi nên ra tay thử cho biết. 

Chúng tôi ngạc nhiên, nếu không suy nghĩ cặn kẽ, các em đã bị quy vào một tội nặng nề có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Vì vậy rất nên thông cảm và tạo điều kiện cho các em sửa sai.

Theo Tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.