Nguồn gốc một danh xưng
“Ông chủ” tương lai của trụ sở LHQ tại New York được xem là chính trị gia kì cựu với “thâm niên” tới 42 năm lăn lộn trên chính trường, kinh qua nhiều trọng trách trong đó có 7 năm làm Thủ tướng Bồ Đào Nha, 10 năm đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) và chính một thập kỷ trên cương vị ấy (2005 -2015) đã giúp ông có được danh xưng “vị anh hùng của những người tị nạn” hay “người bảo trợ không mệt mỏi cho những người tị nạn”.
Ông Antonio Guterres bên những người tị nạn.
10 năm lãnh đạo UNHCR là 10 năm ông Guterres đã chiến đấu một cách không khoan nhượng để bảo vệ quyền của người tị nạn, chiến đấu không chỉ bằng khối óc mà bằng cả trái tim. Khác rất nhiều nhà lãnh đạo khác, Antonio Guterres nhìn những người dân tị nạn không phải bằng con mắt khắt khe mà đồng cảm thực sự. Với ông, họ thực sự chỉ là nạn nhân. Ông từng viết trên tạp chí Time năm 2015: “Chúng ta không thể ngăn cản mọi người chạy trốn để giữ mạng sống. Họ sẽ tới. Lựa chọn chúng ta có là chúng ta quản lý dòng người đến này như thế nào và nhân đạo ra sao”. Ông Guterres đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng hàng triệu người tị nạn rời khỏi Syria, Iraq, Afghanistan và nhiều quốc gia khác trên thế giới sẽ đổ dồn sang châu Âu nếu các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan từ chối tiếp nhận họ. Theo ông Guterres, các quốc gia giàu có cần phải tiếp nhận nhiều người nhập cư hơn. “Những người nói rằng, họ không thể tiếp nhận người tị nạn Syria bởi họ là người Hồi giáo chính là những người đang ủng hộ các tổ chức khủng bố và giúp chúng tuyển mộ binh sĩ một cách hiệu quả hơn”, ông Guterres tuyên bố hồi tháng 12/2015 ngay trước khi mãn nhiệm Cao ủy của LHQ về Người tị nạn.
Chính nhờ lăng kính đầy nhân văn ấy, người ta thấy hàng thập kỷ qua, ông đã chạy đôn chạy đáo,nỗ lực không mệt mỏi trong quá trình đấu tranh để các nước giàu có phải làm nhiều hơn cho những người phải chạy trốn xung đột, thảm họa khắp thế giới, làm sao để có thể ngăn chặn dòng thác di cư một cách hiệu quả nhất. Ông dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em, đối tượng bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương trong các cuộc xung đột, khủng hoảng di cư. Trong buổi điều trần trước Đại hội đồng hồi tháng 4/2016 để tranh cử vào chiếc ghế TTK, ông Guterres nói rằng, những năm làm việc ở Cao ủy LHQ về người tị nạn mang lại cho ông những kinh nghiệm hết sức quý báu. Ông cảm thấy có nghĩa vụ phải làm một điều gì đó để giúp những người đang đau khổ tận cùng, trong đó có những người tị nạn.
Antonio Guterres và ngôi sao Angelina Jolie khảo sát các vấn đề liên quan tới người tị nạn khi ông còn là Cao ủy UNHCR.
Có lẽ chính từ sự quan tâm đặc biệt ấy, Antonio Guterres đã luôn được chào đón nồng nhiệt, không phải chỉ bởi tư cách là một nhà lãnh đạo của LHQ, mà còn hơn cả một người thân, một ân nhân phương xa, một người đã nỗ lực không mệt mỏi, làm tất cả những gì có thể cho họ. Thế nên, rất nhiều công dân trên thế giới này, trong đó có những người dân đang sống trong cảnh tị nạn, đã đón nhận tin ông trở thành tân Tổng thư ký LHQ như một niềm vui lớn. Có người đã ví việc ông được lựa chọn là một sự lựa chọn ẩn chứa cả nhiều kì vọng. Kì vọng lớn nhất, là Antonio Guterres sẽ hiện thực hóa được điều ông vẫn ấp ủ: “LHQ sẽ trở thành một nơi đặc biệt để kết nối mọi người vượt qua những thử thách lớn nhất mà thế giới đang phải đối mặt- bất bình đẳng, chủ nghĩa khủng bố, tội phạm có tổ chức, biến đổi khí hậu, các phần tử vũ trang quốc tế…”. Và rằng: “Những người cần được bảo vệ đang không được bảo vệ đầy đủ. Những đối tượng dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ, trẻ em là một ưu tiên tuyệt đối. Chúng ta phải bảo đảm rằng khi ai đó nhìn thấy lá cờ xanh, người đó có thể nói ‘Tôi được bảo vệ’”.
Làm khoa học trước khi làm chính trị
Rất nhiều người sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu biết rằng “niềm đam mê trí tuệ tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi” như ông Antonio Guterres thừa nhận- không phải là chính trị mà là… vật lý. Ông Antonio Guterres sinh năm 1949 tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha. Hồi những năm 1970, ông theo học chuyên ngành vật lý – kỹ thuật tại Istituto Superior Técnico, ĐH Lisbon với niềm đam mê cháy bỏng là trở thành một… tiến sĩ vật lý. Tốt nghiệp ra trường năm 1971, Antonio Guterres làm giảng viên dạy vật lý.
Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, rất đường đột, Antonio Guterres đã quyết định làm một “cuộc cách mạng” trong sự nghiệp của mình: chuyển từ công việc của một giáo viên Đại học sang công việc của một… chính trị gia. “Cố gắng thay đổi mọi thứ trong đất nước có ý nghĩa quan trọng hơn. Đó là lý do tại sao tôi chuyển từ theo đuổi sự nghiệp vật lý sang đời sống chính trị”- Antonio Guterres lý giải về quyết định mà ông tự nhận là tương đương với “cuộc cách mạng” trong đời mình.
Chính trị đã như một ngã rẽ bất ngờ đến muộn trong cuộc đời Antonio Guterres nhưng thành công từ chính trường lại dường như sớm hơn những gì chính ông mong đợi. ông Guterres gia nhập đảng Xã hội Bồ Đào Nha sau sau cuộc Cách mạng Hoa Cẩm chướng tại nước này vào năm 1974 chấm dứt 5 thập kỷ nước này chịu sự cai trị của chế độ độc tài. Năm 1976, ông Guterres trở thành nghị sĩ sau cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên tại Bồ Đào Nha sau cuộc Cách mạng Hoa Cẩm chướng. Từ một kỹ sư, ông Guterres nhanh chóng nổi lên trở thành một chính trị gia có tài hùng biện. Đến năm 1992, ông Guterres trở thành Tổng Bí thư Đảng Xã hội Bồ Đào Nha dù vấp phải rất nhiều sự phản đối vào thời điểm đó. Đến năm 1995, ông tiếp tục dẫn dắt Đảng Xã hội Bồ Đào Nha giành chiến thắng trong cuộc Tổng tuyển cử và trở thành Thủ tướng.
Vàng đã được thử lửa
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Muốn biết thành công, tài năng đến đâu, chỉ có thể qua gian khó, thử thách. Antonio Guterres đã chứng minh ông thực sự là chính khách “vàng mười”. Lên nắm quyền trong bối cảnh Bồ Đào Nha có tỷ lệ nghiện ngập gia tăng đáng báo động. Trên cương vị thủ tướng, ông đã giúp giảm tỷ lệ nghiện xuống mức thấp hơn 5 lần so với mức trung bình của Liên minh châu Âu. Số ca nhiễm HIV mới hàng năm cũng đã giảm 95%. Việc ông Guterres thiết lập cơ chế đảm bảo lương tối thiểu cho người lao động cũng là một trong những chính sách được người dân Bồ Đào Nha hết sức ủng hộ. Trong thời gian đảm nhận vị trí Thủ tướng Bồ Đào Nha, Guterres cũng đã có nhiều đóng góp vào công cuộc cải tổ hệ thống tài chính của Bồ Đào Nha, đưa nước này gia nhập Khối đồng tiền chung châu Âu (Euro). Ông cũng có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế như giải quyết khủng hoảng ở Đông Timor…
Một năm sau, khi Bồ Đào Nha trở thành Chủ tịch luân phiên của EU, ông Guterres cũng rất thành công khi đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Âu-Phi đầu tiên với mục tiêu biến EU trở thành “nền kinh tế dựa vào tri thức năng động và cạnh tranh nhất thế giới” vào năm 2010.
Sau khi đã được HĐBA LHQ chính thức thông qua, ông Guterres phải được Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu tín nhiệm trước khi nhậm chức vào ngày 1/1/2017. Từ ngày 21/7 đến nay, 15 nước ủy viên HĐBA LHQ đã tiến hành tổng cộng 6 cuộc bỏ phiếu không chính thức và 1 cuộc bỏ phiếu chính thức để quyết định ai sẽ là tân Tổng Thư ký LHQ. Có tổng cộng 13 ứng cử viên tham gia cuộc chạy đua vào vị trí này, đa số là các quan chức tới từ các nước Đông Âu – khu vực chưa từng có người giữ chức vụ đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này. Nếu vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres sẽ chính thức thay thế Tổng thư ký Ban Ki Moon, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ 5 năm lần 2 vào ngày 31 tháng 12 sắp tới. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là vấn đề thủ tục mà thôi.
Ngày 13/10/2016 vừa qua, trong bài phát biểu kết thúc cuộc họp phê chuẩn tân Tổng Thư ký Đại hội đồng Liên hợp quốc (TTK LHQ), TTK mới được phê chuẩn, ông Antonio Guterres đã bày tỏ cam kết sẽ phụng sự tất cả các quốc gia thành viên LHQ bằng thái độ công tâm, dựa trên những nguyên tắc đã được nêu rõ trong Hiến chương LHQ. Phát biểu trước các phóng viên sau cuộc họp của Đại hội đồng, ông Guterres nhấn mạnh, đã tới lúc các quốc gia cần phải vượt qua những khác biệt xung quanh cách thức chấm dứt cuộc chiến Syria. “Điều quan trọng hơn cả là phải đoàn kết, bất luận đang tồn tại những khác biệt như thế nào. Đã tới lúc cần phải đấu tranh vì hòa bình”- ông nói.